Theo lịch sử y văn thế giới thì bệnh đái tháo đường type 2 dành cho người trên 50 tuổi, nhưng hiện tại có những trường hợp 10 – 13 tuổi đã mắc đái tháo đường.
Hiện nay, số bệnh nhân đái tháo đường được chẩn đoán chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%.
Theo dự báo, số bệnh nhân mắc đái tháo đường type2 của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Nguyên nhân, Việt Nam là nước đang phát triển, đời sống được nâng cao nhanh, ăn uống không được kiểm soát nên bệnh nhân trẻ hoá hơn.
Theo khuyến cáo, người trưởng thành không dùng quá 25 gram đường/ngày tương đương với khoảng 5 thìa cafe, nhưng người Việt Nam dùng 46 gram thông qua dùng đường trực tiếp hoặc qua nấu ăn, hoa quả, thực phẩm khác.
Theo BS Phạm Thuỳ Linh – Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khẩu phần của người Việt đang có nhiều đồ ăn nhanh, nước uống có gas, có đường. Với một lon nước ngọt 330ml dung tích thì chiếm từ 36 đến 78 gram đường, nhiều hơn so với khuyến cáo của một người ăn đường trong ngày. Điều này thúc đẩy quá trình kháng insuline, làm gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.
Ngoài đường, hấp thụ quá nhiều thức ăn không lành mạnh có thể gây rối loạn mỡ máu cũng làm gia tăng nguy cơ đái tháo đường type 2. Ví dụ rối loạn mỡ máu gây viêm tuỵ cấp và từ viêm tuỵ phá hỏng tế bào beta của tuỵ sinh ra đái tháo đường.
Biến chứng phải cắt cụt chân của bệnh nhân đái tháo đường.
Theo PGS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam, hiện nay việc điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường còn nhiều khó khăn với tỷ lệ 62.6% người bệnh chưa được chẩn đoán trong cộng đồng.
PGS Đàng cho biết thêm đối với tiền đái tháo đường tỷ lệ đã là 17,8%. Vì vậy đái tháo đường là một gánh nặng y tế lớn cũng như các vấn đề của xã hội.
Bệnh nhân đái tháo đường đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm như mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm lét chân phải cắt cụt.
Kết quả điều tra tại nước ta có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc ĐTĐ đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch, 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh' 24% biến chứng về thận.
TS.BS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết đái tháo đường gia tăng, theo điều tra quy mô toàn quốc lứa tuổi từ 30 – 69 tuổi năm 2002 tỷ lệ mắc đái tháo đường là 2,7 %, 2012 tỷ lệ này tăng lên 5,4 % và đến năm 2020 tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường của Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều tra đã lên tới hơn 7,3 %, giống nhận định của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới đây là “đại dịch” đang gia tăng ở các nước đang phát triển do quá trình đô thị hoá, người dân ăn quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng, hạn chế vận động.
TS Dương cho biết, trong quá trình điều trị ông gặp cả các bệnh nhân chỉ mới 12, 13 tuổi mà trước đây không bao giờ gặp. WHO đang tập trung dự phòng đái tháo đường type 2 từ lứa tuổi thanh thiếu niên đó là vấn đề béo phì.
Theo TS Dương theo điều tra toàn quốc thì vấn đề béo phì đang thực sự là bệnh lý trở ngại. Theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương với nhóm từ 11-14 tuổi năm 2018 tỷ lệ thừa cân chiếm 27.8 %, tỷ lệ này quá cao.
TS Dương cho rằng nếu chúng ta không bắt đầu phòng ngừa từ hôm nay thì thế hệ tương lai sẽ đối diện với bệnh lý đái tháo đường type 2.
Để phòng đái tháo đường, TS Dương khuyến cáo, tập trung thay đổi lối sống từ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể dục. Thay đổi thói quen không tốt như ăn tối trước khi đi ngủ, ăn nhiều thực phẩm ăn vặt như bim bim, hạn chế cho trẻ ngồi chơi game, xem tivi mà thay vào đó là vận động.
Trong chế độ ăn cần tăng cường thực phẩm tốt giàu chất xơ như rau, củ, quả. Ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ cho cơ thể. TS Dương cho rằng tốt nhất cần giáo dục cho trẻ về bệnh lý này thật sớm để bảo vệ tương lai khỏi cơn bão đái tháo đường type 2.
Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11 được đề xuất từ năm 1991 của Liên đoàn phòng chống đái tháo đường và Tổ chức Y tế thế giới với mục đích cảnh báo về nguy cơ gia tăng của căn bệnh đái tháo đường, đồng thời quyết định chọn ngày 14/11 hàng năm là ngày Thế giới phòng chống bệnh Đái tháo đường, nhằm kêu gọi tất cả mọi người có trách nhiệm quan tâm đến bệnh ĐTĐ, nâng cao hiểu biết và đưa ra hành động cụ thể để kiểm soát căn bệnh thế kỷ này.