Trước cơ hội và thách thức lớn cho việc định hướng phát triển trục sông Hồng, ngày 24-11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học 'Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp'.
Hội thảo nhằm đưa ra những giải pháp về quy hoạch, phát triển và quản lý khu vực Bãi Giữa và trục sông Hồng. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Bãi Giữa sông Hồng.
Cơ hội lớn, thách thức nhiều
Tại hội thảo, các đại biểu có chung nhận định sông Hồng có vai trò rất lớn đối với lịch sử hình thành, phát triển của Hà Nội. Theo kiến trúc sư Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, mặc dù sông Hồng chảy qua Hà Nội chỉ là đoạn ngắn so với chiều dài toàn tuyến nhưng đóng góp rất lớn đối với sự hình thành yếu tố cảnh quan và là nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô.
Kiến trúc sư Nguyễn Bá Nguyên cũng đánh giá, bãi nổi sông Hồng (hay còn gọi Bãi Giữa) là nguồn lực tự nhiên để tạo lập không gian kiến trúc, cảnh quan sinh thái, tạo đà để Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đánh giá về giá trị khu vực Bãi Giữa sông Hồng, KTS Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, Bãi Giữa như 'viên ngọc sinh thái' giữa Thủ đô khi lâu nay, nơi đây trở thành vườn sinh thái của nhiều loài chim cư trú. Hiện khu vực Bãi Giữa chịu sự quản lý của 4 quận là: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm với diện tích 310ha.
Nhìn nhận, đánh giá những thời cơ, thách thức trong quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng, đặc biệt là khu vực Bãi Giữa, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, trên địa bàn quận Long Biên có hơn 1.567ha đất vùng bãi, trong đó bao gồm 180ha đất Bãi Giữa, phần lớn là đất nông nghiệp. Hiện nay, tại khu vực này đã có nhiều hộ kinh doanh các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tự phát, thu hút giới trẻ và khách du lịch.
Mặc dù xác định không gian vùng bãi có chiến lược quan trọng trong phát triển của quận nhưng vấn đề quản lý Bãi Giữa còn nhiều bất cập như: Nhiều diện tích đất hoang hóa chưa được đưa vào khai thác; phát sinh các vấn đề vi phạm đê điều; các hộ thuê thầu đang tổ chức sản xuất theo hướng tự phát...
Cùng chung khó khăn này, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long bày tỏ, quận Hoàn Kiếm quản lý 23 ha đất Bãi Giữa. Hiện nay, phần lớn diện tích Bãi Giữa nằm trong khu vực giáp ranh giữa các quận nên việc phân định ranh giới trên thực địa gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý đất đai, xây dựng tại khu vực này chưa được quan tâm, thống nhất phương thức quản lý dẫn đến tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng.
Ngoài những khó khăn nhìn thấy, nhiều đại biểu cũng cho rằng, những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quản lý đất đai, hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy chưa kết nối được đến khu vực Bãi Giữa cũng là thách thức lớn trong việc quy hoạch phát triển cho khu vực này.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, kiến trúc sư tên tuổi.
Cần tầm nhìn chiến lược
Tại tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp hay cho thành phố Hà Nội trong việc xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan khu vực Bãi Giữa. Nhiều gợi mở, mô hình mang tính tầm nhìn được đưa ra.
Là quận quản lý một phần diện tích ở Bãi Giữa, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nêu một số ý tưởng xây dựng Công viên sông Hồng gồm: Khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông; khu vực cải tạo chỉnh trang bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ), Ngọc Thụy (quận Long Biên); cùng với đó là các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu.
Trong khi đó, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch – Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thành phố Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, có thể tính đến sự phối hợp trong việc triển khai và lựa chọn dự án mô hình thí điểm. Các mô hình thí điểm cần ứng dụng khoa học – công nghệ trong tổ chức không gian, vật liệu xây dựng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật để thích ứng với biến đổi mực nước.
Tham góp thêm cho đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan ở khu vực Bãi Giữa, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, cần thiết phải xây dựng hành lang xanh cho khu vực Bãi Giữa, phát triển nơi đây theo mô hình công viên chuyên đề sinh thái – văn hóa - sáng tạo. Một số mô hình có thể triển khai tại đây là: Công viên chuyên đề du lịch sinh thái, công viên chuyên đề lịch sử văn hóa, công viên chuyên đề nông nghiệp, công viên chuyên đề khoa học, công viên chuyên đề sức khỏe (trồng vườn cây dược liệu)…
Còn Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính lưu ý, khi xây dựng đề án quy hoạch, phát triển Bãi Giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố cốt lõi như thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng xã hội; bảo đảm không gian để khách trải nghiệm, tạo lập lại vùng nông nghiệp trù phú vốn có của vùng châu thổ sông Hồng. 'Việc quy hoạch và thiết kế công viên không chỉ giúp tăng cường chất lượng sống trong đô thị, mà còn giúp đô thị trở nên bền vững hơn', kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nhận định.
Đề án 'Xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp' sẽ còn tiếp tục được lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, kiến trúc sư trong ngành. Để hiện thực hóa 'giấc mơ sông Hồng', biến hai bên bờ sông và Bãi Giữa trở thành một không gian kiến trúc đô thị hiện đại, văn minh, sinh thái…, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, cần có sự vào cuộc quyết liệt, tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và người dân.