Đội trực chiến của dân quân huyện Từ Liêm, Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu
Quyết tâm bảo vệ Hà Nội từ sớm, từ xa
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược 'Việt Nam hóa chiến tranh' của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ Nixon vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng... nhưng đều bị đánh bại.
Để cứu vãn Chiến lược 'Việt Nam hóa chiến tranh', đế quốc Mỹ đã âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới.
Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh 'Linebacker II'. Lúc 10h30 ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, không quân Mỹ đã tập trung trên 1.000 lần chiếc (trong đó có khoảng 500 lần chiếc B.52), trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài Phát thanh Mễ Trì... làm cho gần 2.400 người chết và 1.355 người khác bị thương. Với đòn đánh có tính chất hủy diệt xuống Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước ta, đế quốc Mỹ hy vọng sẽ nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải trở lại bàn đàm phán, chấp nhận các yêu sách của Mỹ.
Thế nhưng, với quyết tâm bảo vệ Hà Nội từ sớm, từ xa, sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu (từ ngày 18-12 đến 29-12-1972), quân và dân Thủ đô cùng các địa phương khác của miền Bắc đã đập tan dã tâm của địch. Cuộc tập kích đường không của Mỹ đã bị thiệt hại tới 81 máy bay, trong đó có 34 B.52. Riêng Hà Nội bắn rơi 25 B.52. Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại, một trận 'Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội' buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, chấp nhận rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở Việt Nam.
Không ngừng xây dựng Thủ đô vững mạnh
Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' đã góp phần bồi đắp và làm rạng rỡ thêm niềm tự hào của 'Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến', 'Thủ đô Anh hùng', 'Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người', 'Thành phố Vì hòa bình'. Tự hào về Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không', Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt các lĩnh vực phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Phát huy tinh thần và những bài học lịch sử quý giá từ Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không', Đảng bộ thành phố luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của Thủ đô trong từng giai đoạn phát triển. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố với tinh thần: 'Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại'.
Là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xứng đáng là 'trái tim của cả nước', được nhân dân cả nước tin yêu, kỳ vọng, Hà Nội sẽ tiếp tục làm nên kỳ tích mới trên con đường chinh phục các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, các thế lực thù địch đẩy mạnh 'diễn biến hòa bình', thúc đẩy 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ và mưu đồ 'phi chính trị hóa' quân đội. Do vậy, việc chú trọng công tác dự báo chiến lược, nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình, nhận thức rõ đối tác, đối tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tham mưu đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả, giải quyết tốt các mối quan hệ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Vận dụng bài học từ thực tiễn lịch sử, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, lực lượng vũ trang Thủ đô còn chú trọng nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Từ chiến thắng kỳ vĩ trong quá khứ, đặt trọn lòng tin vào khối óc, bàn tay con người Hà Nội, con người Việt Nam, chúng ta chắc chắn rằng, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta nhất định thành công, Thủ đô yêu quý của chúng ta sẽ ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại xứng đáng là 'trái tim của cả nước', được nhân dân cả nước tin yêu, kỳ vọng.