LTS: Những ngày gần đây, dư luận lại nóng lên xung quanh chuyện loa phường ở Hà Nội. Ý kiến phản đối cho rằng, người dân đô thị đang phải sống với nạn ô nhiễm tiếng ồn nên không muốn ồn thêm. Mặt khác, hiện nay công nghệ đã phát triển, có nhiều cách để đưa thông tin đến người dân… Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến ủng hộ hoạt động của loa phường.
Báo Điện tử congluan.vn xin đăng ý kiến của tác giả Nguyễn Hữu Trường ở quận Hà Đông về vấn đề này. Toàn bộ bài viết là góc nhìn của cá nhân tác giả, không phải là quan điểm của tòa soạn.
Mấy hôm nay, trên báo chí có đăng nhiều ý kiến về việc chính quyền TP Hà Nội cho khôi phục lại hoạt động của hệ thống loa phường. Ý kiến phản đối thì nhiều nhưng đồng tình với Thành phố cũng không ít. Tranh cãi càng gay gắt khi cách đây 5 năm, ông cựu Chủ tịch TP Hà Nội khi đó đã cho rằng loa phường đã “chấm dứt sứ mệnh lịch sử” của nó.
Để rõ ràng vấn đề, trước hết, cần làm rõ loa phường hiện nay hoạt động như thế nào, bởi có nhiều ý kiến phản đối gán ghép rằng, loa phường hàng ngày “ra rả” phát những thông tin vô bổ, mặc kệ mọi người không nghe. Điều này gây phiền toái, ô nhiễm tiếng ồn - điều vốn đã tồi tệ ở những đô thị lớn.
Những người phản đối còn nhận định loa phường đã lạc hậu, không còn phù hợp với thời 4.0 hiện nay, khi những chiếc điện thoại thông minh đã rất phổ biến và là “vật bất ly thân” của mọi người.
Với quan sát của cá nhân tôi, không rõ bạn đọc hàng ngày chịu sự tra tấn của những chiếc loa phường “ra rả” phát đi những thông tin vô bổ kia là ở địa phương cụ thể nào nhưng có lẽ đây chỉ là một cách nói phóng đại.
Loa phường đã có hàng chục năm gắn liền với cuộc sống người dân Hà Nội
Loa phát thanh phường tại một điểm dân cư tại ngõ 16 Huỳnh Thúc Kháng
Hoạt động của loa phường không tránh khỏi gây ô nhiễm tiếng ồn
Tôi được biết, hiện nay ở các phường không còn tình trạng loa phát “ra rả” cả buổi. Tại các quận nội thành cũ là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng loa phường đã thu hẹp hoạt động đáng kể từ năm 2017-2018. Lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội cũng vừa xác nhận tại các quận này, loa phường không phát hàng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, thành phố.
Cá nhân tôi sinh sống tại quận Hà Đông, nơi loa phường ít chịu ảnh hưởng sau đợt “cải tổ” năm 2017 nhưng loa phường hoạt động cũng không nhiều. Thậm chí, ở phường tôi, loa phường hầu như không có hoạt động nào đáng kể; tôi không chắc mỗi năm hệ thống loa có phát được 3-4 lần hay không nữa.
Tuy nhiên, ở phường bên cạnh, hệ thống loa phường hoạt động rất đều đặn vào mỗi 4 giờ chiều, mỗi buổi phát thường 15 đến không quá 20 phút. Gia đình tôi sinh sống ở vùng “giáp ranh” hai phường nên những thông tin phát trên loa phường bạn đều có thể nghe trọn vẹn. Và có một thực tế rất thú vị rằng, tôi chưa nghe ai than phiền về loa phường bạn làm mình khó chịu, ngược lại người dân trong khu lại thu thập được nhiều thông tin cần biết qua việc nghe loa phường khác.
Chẳng hạn trong lúc dịch COVID-19 đang cao điểm, không ai được ra ngoài, lướt mạng chán, chuyện dịch bệnh ở Âu, ở Mỹ ai nấy đều biết cả nhưng chúng tôi gần như mù tịt về tình hình dịch ở khu mình ở.
May nhờ qua loa phường bạn, chúng tôi có thể biết gần nơi tôi ở dịch bệnh ra sao, bởi đôi khi phường bạn “hào phóng” thông tin về tình hình dịch của cả quận. Những lúc có tin mới, mọi người trong khu lại chia sẻ với nhau, y như thời bao cấp.
Rồi đến khi dịch COVID-19 vãn, qua loa phường bạn, chúng tôi có thể cập nhật được về dịch sốt xuất huyết, dịch cúm A hiện nay hay những thủ tục cần thiết khi đi làm căn cước công dân tích hợp giấy tờ khác.
Nói chung, tôi đánh giá loa phường bạn hoạt động khá ổn, thiết thực, những thông tin được phát chẳng hạn là lấy phiếu đi chợ mỗi tuần, công tác phòng dịch tại địa phương, khu vực lân cận có F0, F1, thông tin về lịch tiêm chủng, lấy lương hưu, lịch cắt điện, nước…
Vai trò của loa phường có lẽ thể hiện rõ nhất trong thời điểm dịch bệnh. Hồi đó, ở phường tôi, do chẳng có thông tin chính thức nào được phát đi, thế là mọi người đều tiếp nhận thông tin theo kiểu truyền tin, người nọ bảo người kia. Thông tin “mách nhau” về cơ bản cũng là đúng, những cũng có nhiều tin “trật khấc”. Nếu có loa phường, chắc chắn điều này khó xảy ra. Đối với nhiều người, thông tin qua loa phường vẫn mang đến cảm giác an tâm, tin cậy hơn.
Sự thiết thực của những thông tin loa phường đem lại thể hiện rõ hơn qua câu chuyện của người bạn tôi. Đó là gần nhà anh có hai bác già về hưu sống cùng nhau. Cứ vào giờ loa phường phát là hai bác lại cho nhỏ tiếng ti vi để ưu tiên nghe tin của phường. Rõ ràng, đối với người dân sở tại, loa phường vẫn là một thứ hữu ích, thậm chí là quan trọng nữa, sao bảo “không ai nghe” cho được?
Vậy những thông tin mà loa phường mang đến có thể tiếp cận bằng phương tiện khác, chẳng hạn điện thoại thông minh thì sao?
Đối với cá nhân tôi, hơn 50 tuổi, không còn trẻ để nhanh chóng cập nhật các công nghệ những cũng không quá “già” để không biết sử dụng một chiếc điện thoại thông minh, tôi vẫn cho rằng, sự tồn tại của loa phường là cần thiết.
Có lẽ rất nhiều người cũng rơi vào tình trạng như tôi là hàng ngày bị “khủng bố” bằng những tin nhắn khuyến mãi, quảng cáo. Mỗi ngày hai số điện thoại của tôi nhận được hàng chục tin nhắn kiểu như vậy, mà phần lớn trong số này tôi không cần đọc đã xóa.
Khá bận rộn, tôi thường không ưu tiên xem những thông tin gửi đến trên điện thoại bởi tôi coi đó là tin rác. Người em tôi làm nhân viên ngân hàng cũng cho biết cậu ấy cũng chỉ cuối buổi mới xem tin nhắn gửi đến… Vậy nên, đối với tôi và không ít người nữa, nhất là dân văn phòng, thông tin từ điện thoại thông minh chưa hẳn đã được ưu tiên xử lý sớm. Đó là chưa kể đến việc cài quá nhiều app trên điện thoại sẽ là một khó khăn khi sử dụng đối với một số người.
Sở TT&TT Thành phố Hà Nội khẳng định, Thành phố chưa bao giờ “khai tử” hệ thống loa phường và vẫn luôn duy trì các cụm loa
Chốt lại, theo tôi, loa phường đã có từ lâu và hiện phát huy tác dụng trên nhiều mặt và với một số đối tượng đây vẫn là kênh thông tin quan trọng. Ngay cả bây giờ, khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại phát triển thì loa phường vẫn có vai trò, có chỗ đứng riêng của nó.
Chẳng hạn đối với người già, người khiếm thị thì nghe đài, trong đó có loa phường là cách tiếp nhận thông tin duy nhất. Bởi vậy, loa phường vẫn nên tồn tại để hỗ trợ những nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, để họ không bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, hoạt động của loa phường sẽ không tránh khỏi gây ô nhiễm tiếng ồn. Vì vậy, vấn đề là không phải là “bỏ” hay “giữ” loa phường mà là sử dụng chúng như thế nào cho hiệu quả, đặt nó ở đâu cho phù hợp, phát nội dung nào, thời lượng ra sao mới là điều đáng bàn.
Mới đây, đại diện TP Hà Nội đã lên tiếng cho biết, Thành phố sẽ có thay đổi phương thức truyền thông, cách thức vận hành để loa phường phát huy hiệu quả mà không ảnh hưởng đến người dân sống ở khu vực có lắp loa.
Theo đó, TP Hà Nội sẽ quy định cụ thể vị trí lắp đặt loa như tránh các trường học, khu ngoại giao, nơi nhiều người già... Thời lượng phát sóng chỉ 15 phút/buổi và một ngày tối đa không quá 2 lần, trừ trường hợp đặc biệt liên quan đến dịch bệnh hay tuyên truyền ngày lễ.
Tôi cho rằng, đây là cách tiếp cận mới của TP Hà Nội và phù hợp với xu thế của xã hội hiện tại. Cá nhân tôi ủng hộ cách tiếp cận này.