TOÀN CẢNH NẮNG NÓNG HOÀNH HÀNH KHẮP THẾ GIỚI
Mùa hè năm 2022, thế giới chứng kiến hàng loạt các đợt nắng nóng diễn ra trên khắp hành tinh, phá vỡ nhiều kỷ lục nhiệt độ bấy lâu nay, cũng như gây ra các trận cháy rừng hàng loạt.
Các đợt nắng nóng đã tấn công châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và châu Á, vào tháng 6 và tháng 7 năm 2022 với nhiệt độ tăng trên 40 độ C.
Riêng tại Mỹ, hơn 90 triệu người trên khắp nước này đang phải chịu nhiều cảnh báo nhiệt khác nhau về nhiệt độ cao nguy hiểm. Nhiệt độ quá cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các ca tử vong do thời tiết. Tại Hạt Maricopa của bang Arizona, đã có 29 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng được xác nhận kể từ tháng 3/2022; trong khi đó Thành phố New York chứng kiến trung bình 10 ca tử vong do nắng nóng mỗi năm, CNN đưa tin hôm 24/7/2022.
Ở Tây Âu, nơi vốn đã bị hạn hán nghiêm trọng, làn sóng nắng nóng đã châm ngòi cho những đám cháy hoành hành khắp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một số vùng của Pháp. Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ tăng vọt lên tới 45 độ C vào ngày 13/7 tại thị trấn Leiria, khiến hơn 3.000 ha đã bị thiêu rụi.
Bức ảnh này được cung cấp bởi đội cứu hỏa vùng Gironde (SDIS 33) cho thấy các nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với đám cháy rừng gần Landiras, tây nam nước Pháp, vào ngày 17 tháng 7 năm 2022. Ảnh: AP
Cái nóng kỷ lục ở Ý đã góp phần làm sụp đổ một phần của Sông băng Marmolada ở dãy núi Dolomites (đông bắc nước Ý) vào ngày 3/7. Hệ quả, 11 người đi bộ đường dài đã thiệt mạng do tuyết, băng và đá lở.
Tại Vương quốc Anh, Văn phòng Met đã ban hành cảnh báo nhiệt độ cực cao (màu hổ phách) vì nhiệt độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao, có thể phá vỡ mức cao kỷ lục mọi thời đại.
Ở Bắc Phi, Tunisia đã phải chịu đựng một đợt nắng nóng và hỏa hoạn làm thiệt hại mùa màng của đất nước. Vào ngày 13/7 tại thủ đô Tunis, nhiệt độ lên tới 48 độ C, phá vỡ kỷ lục 40 năm.
Ở Iran, nhiệt độ vẫn ở mức cao trong tháng 7/2022 sau khi đạt mức nhiệt độ thiêu đốt 52 độ C vào cuối tháng 6/2022.
Ở Trung Quốc, mùa hè đã mang đến 3 đợt nắng nóng làm chảy nhựa đường, làm vênh các con đường và bật tung mái ngói. Đài quan sát Xujiahui Thượng Hải, nơi lưu giữ hồ sơ kể từ năm 1873, đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay: 40,9 độ C vào ngày 13/7/2022. Độ ẩm và điểm sương cao cùng với nhiệt độ ban đêm nóng đã tạo ra những điều kiện nguy hiểm có thể gây chết người, Scitechdaily thông tin.
SÓNG NHIỆT HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO, TẠI SAO NÓ NGÀY CÀNG TỒI TỆ HƠN?
Theo các nhà khoa học, sóng nhiệt là một đợt nhiệt độ cao bất thường, kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Vậy sóng nhiệt hoạt động như thế nào? Popularmechanics giải thích:
Việc khí nhà kính (chủ yếu bao gồm CO₂, CH₄, N₂O, O₃, các khí CFC) giữ nhiệt là một phần quan trọng của những gì làm cho sự sống trên Trái Đất có thể sống được. Các loại khí như mêtan, hơi nước, nitơ oxit, ôzôn và CO2 LỌC RA phần lớn bức xạ có hại của Mặt Trời đồng thời giữ nhiệt, cho phép xuất hiện khí hậu ôn hòa.
Thông qua các hoạt động đa dạng như giao thông đến nông nghiệp, con người tạo ra một số loại khí nhà kính này với số lượng rất lớn, đặc biệt là CO2 và CH4 (meetan). Khi các khí này tăng lên trong bầu khí quyển, chúng làm gia tăng cái được gọi là hiệu ứng nhà kính. Điều đó làm tăng nhiệt trên khắp hành tinh. Ở Bắc Cực, biểu hiện rõ ràng dễ thấy nhất là băng tan.
'Các sóng nhiệt hình thành khi 'áp suất cao ở trên cao, từ 3.000 mét đến 7.600 mét, mạnh lên và duy trì trên một khu vực trong vài ngày đến vài tuần. Điều này thường xảy ra vào mùa hè (ở cả Bắc và Nam bán cầu) khi luồng khí quyển 'đi theo Mặt Trời' - Dịch vụ Thời tiết Quốc gia (cơ quan của chính phủ Mỹ) giải thích.
Các luồng khí quyển rất quan trọng đối với sự tồn tại của sóng nhiệt. Luồng khí quyển là những dải gió mạnh di chuyển ở các tầng trên của khí quyển. Chúng uốn khúc quanh địa cầu, thổi từ Tây sang Đông nhưng thường chuyển hướng di chuyển từ Bắc xuống Nam.
VẤN ĐỀ LÀ: Lượng khí nhà kính sinh ra từ các hoạt động của con người đã bị bơm vào bầu khí quyển lớn tới mức làm cho các luồng khí quyển hoạt động ngày càng bất thường hơn.
Hoạt động sản xuất công nghiệp đã thải vào bầu khí quyển lượng lớn khí nhà kính. Ảnh minh họa: Worldatlas
Trong các nghiên cứu, các nhà khoa học đã quan sát thấy sự ấm lên nhanh hơn của Bắc Cực làm thay đổi hướng di chuyển của luồng khí quyển, tạo ra thứ mà các nhà khoa học đã lập bản đồ với tên gọi là 'Mô hình bán cầu rộng chưa từng có' - Tiến sĩ Michael Mann, nhà khoa học khí hậu thuộc Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ) và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Mô hình đó đã bắt đầu ảnh hưởng đến thời tiết những năm gần đây và có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai vì các hoạt động giao thông, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, chăn nuôi... của con người vẫn phát thải ồ ạt khí nhà kính vào khí quyển.