Bạo lực gia đình ngày càng diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.
Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình để nhận diện
Thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho rằng, cần quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình để tạo thuận lợi cho việc nhận diện. Theo ông Thắng, dù cố gắng đến đâu cũng không thể bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình diễn ra trong thực tiễn. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật các hành vi khác chưa được quy định trong luật nhưng có biểu hiện rõ ràng và có đầy đủ dấu hiệu hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính bao quát, dễ áp dụng trong thực hiện.
Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội), bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối. Để phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng là phải xác định cho đúng, đủ hành vi bạo lực gia đình. Ông Hà cho rằng, dù đã quy định 15 nhóm hành vi bạo lực gia đình nhưng nếu tham chiếu quy định Bộ luật Hình sự vẫn còn thiếu 5 nhóm hành vi như: Xâm phạm quyền tự do con người; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực với các thành viên gia đình; ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình thực hiện quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng; cản trở quyền thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, thông tin; cản trở tham gia các hoạt động về văn hóa, thông tin, thể dục thể thao.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung quy định chi tiết về trách nhiệm khắc phục hậu quả với người bị bạo lực. Vì phần lớn người bị bạo lực là người thân trong một gia đình nên việc giải quyết yêu cầu khi bồi thường thiệt hại chắc chắn gặp khó khăn, khó áp dụng trong thực tế.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Quang Vinh.
Đề nghị không hòa giải hành vi bạo lực gia đình
Liên quan đến việc có ý kiến ĐBQH đề nghị sửa khoản 3 theo hướng: Chủ tịch UBND cấp xã khi tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 1 điều này có trách nhiệm chuyển ngay cho công an cấp xã xác minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình. Đối với trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc các vụ việc bạo lực gia đình có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì Chủ tịch UBND cấp xã phân công công an cấp xã tiến hành xác minh, xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình, như thể hiện tại khoản 3 Điều 20 dự thảo luật.
Tuy nhiên các ĐBQH cho rằng quy định như vậy vẫn chưa đảm bảo tính ngăn chặn kịp thời. Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa), luật cần lấy “phòng ngừa chống bạo lực gia đình” là trung tâm, chứ không phải lấy “người bị bạo lực gia đình” là trung tâm. Do đó cần phải có những biện pháp can thiệp để tránh xảy ra hành vi bạo lực.
Ông Hoàn đề nghị, không hòa giải hành vi bạo lực gia đình, vì bạo lực gia đình là hành vi đã và đang diễn ra. “Bên cạnh đó, để ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình, khi nhận được tin báo tố giác vụ việc công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã để xác minh, làm rõ. Trường hợp không chấp hành thì có quyền tạm giữ người theo quy định của pháp luật”- ông Hoàn kiến nghị.
Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cũng cho rằng, trong thực tế có việc người có hành vi bạo lực gia đình không chỉ gây ảnh hưởng, đe dọa đến tính mạng người bị bạo hành, mà còn đe dọa đối với những người xung quanh, cũng như người chống lại hành vi bạo lực gia đình. Do đó cần miễn trách nhiệm trong trường hợp người chống lại hành vi bạo lực gia đình khi hành vi bạo lực gia đình có thể đe dọa đến tính mạng con người.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) phân tích: Khi nhận được tin báo về vụ việc bạo lực gia đình thì công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã, nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc. “Khi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, cơ quan chức năng phải kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật. Do đó nếu công an cấp xã chỉ tiếp nhận giải quyết vụ việc bạo lực gia đình khi được phân công giải quyết là chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Cần quyết liệt hơn đối với người có hành vi bạo lực gia đình không đến trụ sở công an xã”- ông Thắng nói.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện Công an cấp xã đang thực hiện chức năng phòng ngừa xã hội. Do đó, đối với trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai, hoặc các vụ việc bạo lực gia đình có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì Chủ tịch UBND cấp xã phân công Công an cấp xã tiến hành xác minh, xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình. Vì vậy, việc các đại biểu kiến nghị công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã để làm rõ hành vi sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu và nghiên cứu.