Nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm người lao động bằng bất cứ hình thức nào. Ảnh minh họa: Int
Theo Điều 16 Công ước Chống tra tấn, các quốc gia thành viên có trách nhiệm ngăn ngừa trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình những hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ thấp nhân phẩm khác mà không giống với tra tấn như định nghĩa ở điều 1, khi những hành vi này do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức thực hiện, hoặc do xúi giục, đồng tình hay ưng thuận.
Để thực hiện nghĩa vụ được nêu tại quy định nói trên, tại mục II.2.e Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế, để có những điều chỉnh đồng bộ bảo vệ các nhóm đối tượng này.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có các quy định liên quan đến phòng chống các hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người dưới các hình thức bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em được quy định tại Bộ luật lao động, Luật bình đẳng giới, Luật chống bạo lực gia đình, Luật trẻ em.
Người lao động được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
Với tinh thần bảo vệ người lao động một cách toàn diện, bảo vệ tất cả các quyền con người trong lĩnh vực lao động thì các quyền nhân thân gắn với lĩnh vực lao động là đối tượng quan trọng cần được pháp luật lao động coi trọng bảo vệ. Vấn đề bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động trong quá trình lao động được đặc biệt chú trọng. Bộ luật Lao động cũng quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cấp, ngành, nhằm mục đích là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động và phòng chống các hành vi bạo lực tại nơi làm việc được thực hiện bởi người sử dụng lao động.
Các đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ chế độ khám sức khỏe, trợ cấp độc hại cho người lao động. Việc sử dụng lao động phải đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không vượt quá mức luật quy định. Người sử dụng lao động phải phải rút ngắn thời gian làm việc cho các đối tượng: Lao động tàn tật, lao động chưa thành niên, lao động giúp việc, lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại để đảm bảo sức khỏe cho họ.
Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm bằng bất cứ hình thức nào. Việc phân biệt đối xử, trả thù, trù dập người lao động vì bất cứ lý do nào đều vi phạm pháp luật. Ngay cả khi người lao động vi phạm kỷ luật thì người sử dụng lao động cũng không được xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của người lao động.
Những quy định trên là nhằm mục đích để bảo vệ người lao động khi họ tham gia vào các quan hệ lao động, điều đó đã trở thành nguyên tắc cơ bản và được pháp luật lao động ghi nhận.
Khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động luôn ở vị trí yếu thế hơn so với người sử dụng lao động do trong quá trình làm việc, họ là người phải trực tiếp thực hiện công việc theo yêu cầu của bên sử dụng lao động, phải đối mặt với nhiều nguy cơ, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng bởi những khó khăn phát sinh trong quan hệ này, họ khó có điều kiện thỏa thuận bình đẳng thực sự với bên sử dụng lao động như yêu cầu của thị trường.
Do đó, người lao động cần được sự bảo vệ để hạn chế những bất lợi, những sức ép do điều kiện khách quan mang lại, kể cả sự bảo vệ của pháp luật một cách đúng mức để sử dụng sức lao động hợp lí, hạn chế xu hướng lạm quyền của người sử dụng lao động gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của người lao động.
Bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động
Lời nói đầu của Bộ luật lao động khẳng định: “Bộ luật lao động bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động”. Với tinh thần bảo vệ người lao động một cách toàn diện, bảo vệ tất cả các quyền con người trong lĩnh vực lao động thì quyền nhân thân gắn với lĩnh vực lao động là đối tượng quan trọng cần bảo vệ. Gắn bó mật thiết trong lĩnh vực lao động là quyền của người lao động được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, được bảo vệ danh dự, nhân phẩm…Vấn đề bảo vệ tính mạng sức khỏe người lao động trong quá trình lao động được đặc biệt chú trọng, phản ánh ở các quy định cụ thể của Bộ luật lao động:
Để bảo đảm quyền con người của người lao động, Bộ luật Lao động đã quy định người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ: “tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động” (Điều 6). Thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân như sức ép doanh số, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, do thiếu hiểu biết pháp luật, sự biến chất về đạo đức của người sử dụng lao động... đã dẫn tới hệ quả người lao động bị xúc phạm danh dự nhân phẩm, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay bị sa thải trái pháp luật thậm chí bị đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục từ phía người sử dụng lao động… Do đó, Bộ luật Lao động năm 2012 đã có các quy định nhằm bảo vệ quyền nhân thân cho người lao động trong đó đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Để phòng chống tình trạng bạo lực tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động còn quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật; Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật .
Bộ luật Lao động năm 2012 lần đầu tiên có quy định về khái niệm “cưỡng bức lao động”, theo đó “cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ”. Khái niệm này được xây dựng trên cơ sở khái niệm lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc theo Công ước số 29 về lao động cưỡng bức.
Bộ luật lao động quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp: Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động. Bởi khi thấy những hành vi này có thể xâm hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của mình thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Nghị định 05/2015 NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể trường hợp bị ngược đãi, cướng bức như sau: 'Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động trong các trường hợp bị người sử dụng lao động đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc”; cưỡng bức được hiểu là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ.
Khoản 3 Điều 181 Bộ luật Lao động quy định về nghĩa vụ sử dụng lao động đó là: Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình. Đồng thời nhữnghành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động thực hiện đối với người giúp việc đó là: Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình (Điều 183). Khi phát hiện có những hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động đối với mình, người giúp việc gia đình có quyền: Tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có những hành vi khác vi phạm pháp luật (Khoản 4 Điều 182 Bộ luật Lao động). |