Đối tượng Nguyễn Minh Phúc, người tự xưng là “Đại đức Thích Tâm Phúc” bị CA huyện Củ Chi khởi tố, bắt giam. Ảnh: CACC
Sự thật về kẻ tự xưng “Đại đức Thích Tâm Phúc”
Mới đây, CQ CSĐT CA huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh thông tin, lực lượng chức năng huyện Củ Chi vừa bắt giam Nguyễn Minh Phúc (tự xưng là “Đại đức Thích Tâm Phúc”, SN 1983, thường trú tại tổ 8, ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan, tổ chức. CQĐT xác định, từ năm 2021, ông Nguyễn Minh Phúc nhận làm dịch vụ cho bà L.T.H.T (50 tuổi, trú huyện Hóc Môn) để làm thủ tục tách thửa lô đất hơn 420m2 mà bà này mua ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Ông Nguyễn Minh Phúc nhận làm với giá 135 triệu đồng và đã nhận trước 70 triệu cùng giấy tờ gốc của thửa đất.
Nhưng sau đó, do không có khả năng làm thủ tục tách thửa lô đất, người này lên mạng xã hội tìm và thuê người làm giả 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nguyễn Minh Phúc có giao 1 giấy tờ giả cho bà T, giấy tờ giả còn lại cùng giấy tờ gốc của thửa đất thì ông Phúc không giao, cất giữ tại nhà, chờ bà T giao 65 triệu đồng còn lại thì mới đưa. CQ CSĐT đã khám xét khẩn cấp tại nhà của đối tượng Phúc và thu giữ 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà T.
Sau khi hành vi bị bại lộ, Nguyễn Minh Phúc đã trốn sang Thái Lan, khi trở về nước thì bị cảnh sát triệt tập. Sau đó, CQ CSĐT CA huyện Củ Chi đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Minh Phúc để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Khám xét nhà bị can, CQĐT thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến vụ án.
Qua điều tra, CQCA xác định, ông Phúc không phải là nhà sư, chỉ là một phật tử bình thường. Ông Phúc có tu học 10 năm tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn), mới làm lễ quy y Tam Bảo và chưa xuất gia tu hành. Năm 2010, ông Phúc trở về địa phương tự lập chùa “Ngộ Chân Tử” ở huyện Củ Chi để sinh hoạt tôn giáo trái phép và tự nhận là “Đại đức Thích Tâm Phúc” và làm trụ trì chùa này.
Tại đây, ông Phúc đưa ra các thông tin như: đạo Phật cho phép tu sĩ ăn thịt động vật và nhà chùa có nhận các loại thịt động vật gây hiểu lầm cho đại chúng. Ngoài ra, ông Phúc còn tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép, làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức. Điều đáng nói, một số người mang thức ăn mặn đến nơi ở của ông Phúc để ông ăn rồi quay clip đăng trên các nền tảng mạng xã hội.
Cơ quan chức năng đã mời làm việc, xử phạt hành chính, yêu cầu gỡ bảng hiệu chùa và đề nghị không tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép. Sau đó, người này tiếp tục sinh hoạt tôn giáo trái phép thông qua việc ngụy trang dưới hình thức thành lập các công ty (Cty), DN. Kết quả xác minh, tất cả các Cty đều không có hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thu hồi tất cả các giấy phép. Năm 2019, CA huyện Củ Chi kiểm tra phát hiện tại nhà của ông Phúc có treo Huân chương lao động, bằng khen ở phòng khách. Qua trưng cầu giám định, CQCA xác định, các huân chương, bằng khen này đều là giả và tiến hành tịch thu.
Làm giả giấy tờ sẽ bị xử lý như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Cty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với kết quả xác minh, điều tra như trên, có căn cứ để khởi tố đối tượng Nguyễn Minh Phúc về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất theo trình tự thủ tục luật định để công nhận quyền sử dụng đất. Bất kỳ cơ quan tổ chức cá nhân nào không có thẩm quyền, không thực hiện theo đúng trình tự thủ tục sẽ không được phép cấp loại giấy tờ này.
Pháp luật bắt buộc một người bình thường phải hiểu được rằng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, không cấp theo trình tự thủ tục luật định thì đây là giấy tờ giả; người làm giấy tờ giả hoặc giúp sức, xúi giục, chỉ đạo cho người khác làm giấy tờ giả là hành vi vi phạm pháp luật. Riêng hành vi này cũng đủ để xử lý hình sự về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341, BLHS năm 2015.
Trường hợp biết là giấy tờ giả nhưng vẫn sử dụng vào các giao dịch dân sự, kinh tế nhằm chiếm đoạt tài sản, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 174, BLHS năm 2015.
Đối với hành vi nhờ người khác in, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà cấp không đúng đối tượng, không đúng trình tự thủ tục, không đúng thẩm quyền, đây là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu giả sẽ bị xử lý cùng về một tội danh theo quy định tại Điều 341, BLHS năm 2015. Còn trường hợp nếu biết là giấy tờ giả rồi nhưng vẫn sử dụng giấy tờ đó như một công cụ, phương tiện, phương thức để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khi đó người phạm tội sẽ bị xử lý về một tội danh là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức là phương thức thủ đoạn, phục vụ cho mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giám đốc Cty Luật TNHH Đại Đông Á đánh giá, hành vi của ông Phúc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên việc CQĐT vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết.
Vì thế, trường hợp chứng minh được đối tượng đã thuê người làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chiếm đoạt số tiền 70 triệu đồng của nạn nhân, thì việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Minh Phúc về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật.
'Trong quá trình điều tra vụ án, CQCA tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng Nguyễn Minh Phúc, truy tìm đối tượng đã thực hiện hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức để xem xét xử lý với vai trò đồng phạm về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”. Điều 341, BLHS năm 2015 quy định, người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm' - luật sư phân tích.