Nhà máy Thủy điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đang đối mặt với tình trạng khô hạn chưa từng có. Ảnh: Minh Dũng.
Điêu đứng vì thiếu điện
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho rằng, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Ngay cả nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công, nhưng cũng hay gặp trục trặc. Thủy điện trong 3-4 năm qua đều đã xây dựng hết rồi. Trong khi đó, điện tái tạo tại miền Bắc xây dựng khó khăn hơn miền Trung và miền Nam. Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt tạo điều kiện tối đa cho điện mặt trời mái nhà không nối lưới nhưng đến nay chưa có cơ chế, chính sách thực hiện. Đầu tư điện khí khó khăn, mất nhiều thời gian. Nguy cơ thiếu điện còn cao.
Không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng điêu đứng vì điện. Ông Hồ Sỹ Lĩnh - quản lý lao động tại Công ty TNHH Foster (Bắc Ninh) cho biết, cứ vài ngày công ty lại bị cắt điện, mỗi lần mất nửa ngày, có hôm không báo trước khiến 3.000 công nhân đã đến nhưng lại phải ra về. DN chuyên ngành điện tử này chạy 4 máy phát điện liên tục cũng chỉ duy trì được 50% dây chuyền sản xuất. Chi phí vận hành máy phát mỗi giờ hết 9 triệu đồng, chi phí tăng cao nếu phải vận hành liên tục.
Mới đây, 3 hiệp hội DN liên quan đến hoạt động cảng biển và Logistics Việt Nam, gồm: Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam đã có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro, DN phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng.
Bên cạnh đó, các cảng đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng điện xanh, sạch với chi phí đầu tư rất lớn. Do đó, việc cắt điện thường xuyên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của từng cảng mà còn ảnh hưởng đến uy tín chất lượng dịch vụ cảng biển so với khu vực cũng như có thể dẫn đến giảm niềm tin vào hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.
Những ngày nẵng nóng, người dân đổ xô đi mua quạt tích điện, thiết bị làm mát.
Sẽ giảm sự cố mất điện?
Trong bối cảnh nhiều địa phương tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội, bị mất điện, Bộ Công thương đã họp thông tin về tình hình cung ứng điện. Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000MW và có thể lên tới 23.500-24.000MW vào thời điểm nắng nóng. Như vậy, ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. “Nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày” - ông Hòa nói.
Trước khó khăn cung ứng điện, EVN đã phải cắt điện luân phiên. Chẳng hạn, ngày 5/6, công suất tiêu thụ bị giảm 3.609MW lúc 16h30, trong đó khu vực công nghiệp lớn giảm khoảng 1.423MW, khu sinh hoạt là 1.264MW. Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết từ giữa tháng 4 đến nay, EVN gặp khó khăn trong cung ứng điện.
Theo dữ liệu Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), đến thời điểm này, tổng công suất nguồn khả dụng miền Bắc đạt 20.321MW, trong đó công suất khả dụng của thủy điện là 5.244MW. Công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc được huy động tăng thêm 1.000MW khi sự cố tại một số tổ máy nhiệt điện (S1 Nghi Sơn 1 - 300MW, Thái Bình 1 S1 - 300MW, Quảng Ninh S1 -300MW) đã được khắc phục thành công
Một thông tin đáng chú ý từ ngày 13/6, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung thêm 7 triệu kWh/ngày sau khi tổ máy số 1 của Nhiệt điện Nghi Sơn 1 hoàn thành công tác sửa chữa sự cố, góp phần giảm áp lực thiếu điện đang diễn ra tại khu vực miền Bắc.
Còn thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn cho biết tổng lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực miền Bắc phổ biến thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm từ 40 - 80%; trong đó, dòng chảy trên sông Thao thiếu hụt nhiều nhất là hơn 90%. Dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc bộ thời điểm hiện tại đang thiếu hụt từ 55 - 75% so với trung bình nhiều năm.
“Tình hình mưa ít, nắng nóng xảy ra sớm sẽ làm cho dòng chảy đến các hồ giảm, ảnh hưởng đến khả năng phát điện của các hồ. Chính vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc sẽ đối mặt với tình hình thiếu điện, thiếu nước ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống” - đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay. Tuy nhiên, từ ngày 12 - 16/6, miền Bắc có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Có thể sau đợt mưa này, tình trạng hạn hán sẽ được cải thiện hơn.
Cần khắc phục ngay
Theo TS Nguyễn Đình Cung, trước mắt, những nhà máy điện than đang ở trong quy hoạch, đã được phê duyệt cần đẩy nhanh tiến độ hơn. Cần có một chính sách nhà đầu tư, người tiêu dùng dự tính được. Còn theo TS Trần Đình Long - Trưởng ban Khoa học Công nghệ (Hội Điện lực Việt Nam) giải pháp quan trọng nhất hiện nay là lập lại cân bằng cho hệ thống, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn. Để làm được thì trước hết phải thay đổi tư duy của người sử dụng điện. Trước nay ta chỉ quan tâm đến khả năng đáp ứng nhu cầu mà không để ý đến vấn đề quản lý nhu cầu sử dụng.
Trong khi các nước phát triển luôn chú trọng đến việc quản lý nhu cầu sử dụng. Bởi ý thức của người dùng điện rất quan trọng. Mỗi một khách hàng sử dụng điện có ý thức sử dụng điện hợp lý, ở thời điểm cao điểm, thì nên tắt, không dùng những thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng, chờ nhiệt độ thấp đi, nhu cầu điện thấp thì chúng ta đưa vào sử dụng. Để vượt qua được mùa hè này thì tiết kiệm điện và giải pháp tốt nhất là quản lý nhu cầu điện là rất quan trọng.
Làm sao đủ điện cho miền Bắc trong thời gian tới? Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN đã nỗ lực tối đa để có điện. Hiện EVN đang đề xuất để được thực hiện nhanh các dự án thủy điện mở rộng, những dự án thủy điện mở rộng nếu giờ xong các thủ tục mà triển khai thực hiện ngay thì cũng phải 5 năm nữa mới xong.