Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại cuộc họp.
Chiều 28/1, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn không ghi nhận ca dương tính COVID-19 mới nào ngoài cộng đồng.
Sau khi nghe các quận huyện báo cáo, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu CDC và ngành y tế nói rõ nhận định về nguy cơ của Hà Nội. Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt thông tin tại Hà Nội có 23 trường hợp F1 liên quan đến BN 1553 tại Quảng Ninh, trong đó có 9 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả.
Nhận định ổ dịch đã có Hải Dương từ trước đó khoảng 10-14 ngày, ông Trương Quang Việt cho rằng phải khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc tính từ 14/1 trở lại đây.
CDC Hà Nội cũng xác định có ổ dịch trong cộng đồng tại khu vực này trước khi xác định ca dương tính tại Nhật Bản. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ngắt lời và đặt câu hỏi: “2 ổ dịch trên có liên quan đến nhau không?”.
Trả lời về vấn đề này, ông Việt cho hay: “Đây là 2 ổ dịch độc lập, vì các đối tượng này khá độc lập. Trường hợp tại Hải Dương được xác định là biến chủng virus tại Anh – là biến chủng virus siêu lây nhiễm; nguồn lây có thể đến từ các chuyên gia kỹ thuật trong khu công nghiệp. Còn tại sân bay Vân Đồn, nguồn lây có thể liên quan đến các đối tượng nhập cảnh trái phép”.
Theo ông Việt, trường hợp tại Hải Dương được xác định là biến chủng virus tại Anh – là biến chủng virus siêu lây nhiễm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh báo cáo, với 2 ổ dịch lớn, số người nhiễm cao ở Quảng Ninh và Hải Dương, thông báo của phía Nhật Bản, đây là chủng virus biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh hơn chủng cũ đến 70%.
Từ đó, nguy cơ của Hà Nội là rất lớn và Hà Nội sẽ có thể có thêm nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng. Để chủ động ứng phó, ông Hạnh cho rằng, Hà Nội cần chủ động quyết liệt nhưng bình tĩnh xử lý phù hợp trong đó việc xác định chính xác các trường hợp F1, F2, để xử lý đúng không để người dân hoang mang lo lắng…
Đối với Hà Nội hiện nay, ông Hạnh cho rằng, Hà Nội chưa cần thiết phong tỏa như theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng nhưng đặc biệt phải hạn chế tối ta các hoạt động tập trung đông người…
Bí thư Thành ủy nhắc nhở ngay ngành y tế cần rà soát ngay việc đảm bảo hậu cần phòng chống dịch như đồ bảo hộ, mẫu xét nghiệm cũng như chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở cách ly cũng như điều trị trong mọi tình huống.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Trưởng BCĐ phòng chống dịch COVID-19 TP yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong đó đặc biệt chú ý việc phòng chống dịch ở COVID-19 ở các bệnh viện; kiểm soát, ngăn chặn, không để các trường hợp nhập cảnh trái phép; thực hiện nghiêm ngặt quy trình cách ly; tăng cường tuyên truyền để người dân bình tĩnh, không chủ quan, chủ động bảo vệ an toàn cho chính mình và cộng đồng…
“Phải đưa mức cảnh báo ở mức cao hơn để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa”, ông Dũng nói.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu ngay: “Các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng dịch mới nhất của Chính phủ và TP. Ngay sau cuộc họp tôi sẽ ký công điện mới để các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp, không để dịch bệnh lây lan…
“COVID-19 nhanh hơn, chúng ta cũng phải nhanh hơn”, ông nhấn mạnh.
Chỉ đạo tại phiên họp trực tuyến của BCĐ phòng chống COVID-19 Hà Nội chiều 28-1, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh ngay từ hội nghị đầu năm, TP đã đặt ra mục tiêu tổng quát là thực hiện mục tiêu “kép” trong tình hình mới.
Trong đó có việc ưu tiên thời gian, công sức và nguồn lực cho việc phòng chống Covid-19 bên cạnh việc lấy lại đà tăng trưởng về kinh tế.
“Vì vậy việc các ổ dịch phát sinh ở Quảng Ninh và Hải Dương đã trong dự liệu của Chính phủ, của BCĐ phòng chống dịch Trung ương và TP cũng đã tính toán sẵn sàng cho các trường hợp thế này. Tinh thần chúng ta luôn chủ động, không hoang mang lo lắng. Chúng ta đã vượt qua 3 đợt dịch. Đây là lần thứ 4 và lần đầu của năm 2021. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm…”, Bí thư Thành ủy nói.
Bí thư Thành ủy nêu rõ, tình hình thực tế dịch bệnh rất phức tạp, rủi ro Hà Nội cũng rất lớn. Trong ngày, Thủ tướng cũng phải tổ chức họp gập ngay tại bên lề Đại hội Đảng.
Cho biết, được các đơn vị báo cáo thường xuyên ngay từ tối 27-1, Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự vào cuộc nhanh, hiệu quả của TP khi đã nhanh chóng truy vết, kích hoạt quy trình phòng chống dịch. Bí thư Thành ủy chỉ rõ, việc địa bàn 2 ổ dịch rất gần với Hà Nội, việc giao lưu, đi lại, giao thương với Thủ đô là rất lớn.
Với tốc độ lây nhiễm của chủng virus nhanh, số ca dương tính cao, vì vậy công tác phòng chống dịch: “Phải nhanh lơn, nhạy bén hơn, quyết liệt và quyết đoán hơn. Covid-19 nhanh hơn mà mình chậm là thua. Hành động kịp thời mới có thể thắng lợi”.
Nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng vì làm tốt công tác phòng chống dịch sẽ vừa bảo vệ sức khỏe của người dân Thủ đô vừa đảm bảo an toàn cho sự thành công của Đại hội Đảng, Bí thư Thành ủy chỉ đạo ngay sau hội nghị, lãnh đạo UBND TP cần có ngay công điện để quán triệt chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP để kích hoạt ngay hệ thống phòng chống dịch xuống tận tổ dân phố. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc ngay trên tinh thần 4 tại chỗ.
Nhắc nhở, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở quận huyện phải chủ động ra quyết sách theo các nguyên tắc chung về phòng chống dịch không chờ chỉ đạo cấp trên, Bí thư Thành ủy dẫn chứng: “Như nếu có nguy cơ, việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, quận huyện đều có thể quyết định được, không cần chờ xin ý kiến”. Bệnh viện dã chiến mà "ế" là tốt nhất...
Bí thư Thành ủy yêu cầu TP kích hoạt hệ thống phòng dịch ở mức độ cao hơn và khẳng định chưa nhất thiết phải giãn cách xã hội nhưng hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người như liên hoan, tổng kết cuối năm…nghiêm túc thực hiện “5K” của Sở Y tế, nhất là phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt; các nơi công cộng càng phải để ý, chỗ nào không an toàn thì không hoạt động.
Lưu ý việc công khai minh bạch, chia sẻ thông tin là hết sức quan trọng, Bí thư Thành ủy khẳng định phải công khai minh bạch thông tin thường xuyên để mỗi người dân có ý thức tự phòng chống bệnh cho bản thân, phòng bệnh cho cộng đồng.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Các kịch bản trước đây phải được kích hoạt lại. Nhân lực thì sử dụng cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế. Chuẩn bị kỹ mà nếu bị “ế” như bệnh viện dã chiến Mê Linh, bệnh viện dã chiến ở sân vận động Đà Nẵng thì càng tốt” – Bí thư Thành ủy nói.