Những 'quan niệm ngược'
Có một thực tế là một bộ phận người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung có tâm lý coi thường, xuề xòa với rất nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của mình. Phòng cháy chữa cháy là một ví dụ.
Có khá nhiều người 'quan niệm ngược', coi đó là 'việc' của nhà nước. Tất nhiên, về chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp chính quyền tại địa phương đều có trách nhiệm với hoạt động này.
Còn rất nhiều hộ gia đình chưa có thiết bị chữa cháy tại nhà (ảnh minh họa)
Thời gian qua, trước hiện trạng nhiều đám cháy xảy ra, công tác tuyên truyền, cảnh báo, các tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy đều được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc ở Hà Nội và cả nước. Dù vậy, chính một số người dân vẫn chưa nhận thức được việc đề phòng hỏa hoạn cũng là việc của cá nhân, của gia đình mình.
Đó đây vẫn còn tâm lý trông chờ hay đổ thừa cho cơ quan chức năng khiến cho việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy còn gặp khó khăn. Người ta trông chờ 'bà hỏa'' bỏ qua cho nhà mình, trông chờ 'vận đen' đừng kéo đến với tâm lý 'rơi vào nhà ai người nấy chịu'.
Ở đây không có sự 'may mắn' hay 'ô mất lượt' diễn ra thường xuyên. Những việc ngẫu nhiên đều chỉ có tỉ lệ và xác suất rất thấp. Tất cả mọi việc trên đời đều có nguyên nhân và kết quả. Lửa bùng lên đều là do những yếu tố có thể lường trước được.
Chẳng hạn dây điện lâu ngày, kém chất lượng; Chẳng hạn thói quen không kiểm tra kĩ càng, lười biếng, để các thiết bị điện cắm, sạc quá lâu mà không rút ra khiến sinh nhiệt, dễ cháy; Chẳng hạn chủ quan sử dụng các nguồn gas sang chiết thủ công, không đảm bảo; Chẳng hạn việc đun nấu, để các thiết bị điện gần với vật dễ bắt cháy, dẫn nhiệt; Chẳng hạn sự lơ là, chưa bao giờ coi phòng chống cháy nổ là chuyện của bản thân...
Những 'chuồng cọp' bịt kín lỗi thoát hiểm
Ngay cả từ trong ý thức vẫn ít ai coi hỏa hoạn là việc của mình cả nên phần đa việc xây nhà cũng ít ai nghĩ đến việc phòng cháy, chữa cháy. Trừ các cơ quan công sở, những tòa nhà hiện đại, cao cấp được trang bị thiết bị chữa cháy, những chung cư mini hay nhà dân hầu như 'bê nguyên' tư duy nhà lá của ông bà mình ngày xưa.
Không có con số thống kê cụ thể nhưng cứ dựa vào thói quen thì ta có thể suy ra, khi về nhà mới, người ta sẽ sắm ti tỉ thứ như điều hòa, TV, đồ trang trí, chổi, thảm, giường, tủ, mành rèm... nhưng ít người nghĩ đến việc mua bình chữa cháy. Nếu có thì những chiếc bình ấy cũng nằm ở góc mà rất ít khi được 'động' đến.
Việc bảo trì, kiểm tra xem còn sử dụng được không hay thay mới hàng năm là điều lại càng hiếm hoi xảy ra. Bởi thế, việc trông chờ may rủi, phó mặc cuộc sống và sự an toàn của mình cho những 'thế lực siêu nhiên' vẫn còn tồn tại khá nhiều trong cộng đồng.
Coi phòng cháy, chữa cháy như việc hàng ngày
Tại các khu dân cư, để xảy ra cháy nổ, nhất là những vụ việc thương tâm, trách nhiệm của ai, đơn vị nào, tổ chức hay cá nhân nào, pháp luật sẽ công minh, rạch ròi, cho người dân câu trả lời thỏa đáng. Còn tại mỗi gia đình, có những 'bản án lương tâm' hối lại cũng không kịp. Có những câu hỏi 'giá như' đặt ra thì đã quá muộn, có những sự nuối tiếc phải trả giá rất đắt.
Dù gì đi chăng nữa, có cháy là có thiệt hại và người trực tiếp gánh chịu là chính chúng ta. Vì thế, nếu chính mỗi người không tự ý thức, nâng cao cảnh giác, trang bị các kiến thức và kĩ năng phòng cháy, chữa cháy cho mình.
Chỉ mất chút thời gian kiểm tra những vật dụng trong nhà là ta có thể loại trừ được các nguy cơ gây cháy
Trước hết, phải đặt ra câu hỏi: Tại sao trong nhà mình, ta chuẩn bị thuốc hạ sốt, cảm cúm, tiêu hóa; Ta chuẩn bị tiền nong dự trữ lúc ốm đau; Ta mua thức ăn đề phòng mưa bão... mà việc chuẩn bị phòng, chống cháy nổ thì lại không? Phòng cháy, chữa cháy liên quan đến an toàn, tính mạng, tài sản của cả gia đình, người còn, nhà còn thì những thứ kia mới còn, tại sao ta lại không lo đến điều đó.
Tất nhiên trong cuộc sống có rất nhiều thứ bức thiết, khó có thể đặt cái gì quan trọng hơn cái gì, cái gì trước cái gì nhưng có những thứ không quá tốn thời gian và công sức, chỉ cần chú ý hơn một chút thì cuộc sống của mình chất lượng hơn, an toàn hơn. Vì thế, đã đến lúc chúng ta coi việc phòng cháy, chữa cháy như việc làm hàng ngày, thường xuyên, liên tục.
Điều đó không hề khó khăn mà đơn giản chỉ là thay đổi các thói quen, hành vi mà thôi. Trước hết, hãy ý thức thường xuyên, liên tục, nhắc nhớ trong đầu mình về sự nguy hiểm của cháy nổ để chọn lựa cho mình những không gian, môi trường sống an toàn, có các thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Không cần phải là chuyên gia hay tìm hiểu kiến thức chuyên sâu chúng ta cũng có thể chủ động được việc quan sát quanh nơi mình ở, tìm và tạo các lối thoát hiểm khi cần thiết, việc này cũng không mất quá nhiều thời gian. Trong khi đó, chúng ta tiếp tục rà soát, kiểm tra các thiết bị điện, đường dây trong nhà. Nhà cửa để gọn gàng, thoáng đãng, tránh các vật dễ cháy đặt gần nhau không chỉ hạn chế lửa lan xa khi có hỏa hoạn mà còn giúp không gian sống sạch đẹp, đảm bảo sức khỏe.
Có một thói quen rất nhiều người mắc phải đó là vừa dùng vừa sạc điện thoại hoặc tệ hơn là rút điện thoại nhưng dây sạc vẫn còn nguyên trên ổ cắm. Tương tự như vậy, những vật dụng như máy sấy tóc, bình siêu tốc, lò vi sóng... cũng dùng xong để nguyên không rút điện. Điều đó cũng làm gia tăng nguy cơ gây cháy nổ rất nguy hiểm.
Thực tế cho thấy, 'cái sảy nảy cái ung', nhiều khi đám cháy lớn bùng lên chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ nên cẩn thận không thừa. Chị Thu Hiền (Đống Đa, Hà Nội) nhớ mãi có lần tủ điện ở khu tập thể cũ nhà chị bốc cháy. Dù được dập tắt ngay sau đó, không có thiệt hại về người nhưng chị cảm nhận rõ sự nguy hiểm cận kề bên mình.
Vì thế, thành thói quen, cứ đi đến đâu chị cũng quan sát xem có nguy cơ gì về cháy chập, mất an toàn không. Trước khi đi ra khỏi nhà, trước khi ngủ, bao giờ chị cũng đi một vòng quanh nhà xem có thiết bị điện nào chưa rút ổ cắm không.
Chị Minh Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) thì ám ảnh lần chiếc máy sấy tóc để trên giường bốc cháy, lan xuống cả đệm, may là chị vừa mở cửa vào phòng thì nhìn thấy nên kịp thời hô hoán và dập tắt ngay được. Từ đó, chị luôn nhắc nhở cả nhà nâng cao cảnh giác, cẩn thận không bao giờ thừa. Bên cạnh đó, chị cũng tìm hiểu các kĩ năng thoát hiểm, chữa cháy để phổ biến cho cả gia đình, việc này được lặp đi lặp lại thành các trò chơi để mọi người thực hành và tập rượt.
Rõ ràng, việc chúng ta kiểm soát kĩ tất cả những nguy cơ có thể xảy ra sẽ hạn chế được những rủi ro có thể xảy đến trong cuộc sống, trong đó có cháy nổ. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và sự cảnh giác hơn nữa để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh.