Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám cho bệnh nhân bị dập nát tay do pháo nổ tự chế - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Số ca nhập viện do pháo nổ tăng hơn 51%
Bộ Y tế cho hay, trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn ghi nhận tổng số 604 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (315 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 15% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).
Tổng số khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác là 87 trường hợp, tăng 56 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (39 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 17 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023; tử vong: 04 trường hợp, tăng 02 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).
Tổng số khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa: 616 ca, giảm 9,5% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, trong đó số nhập viện theo dõi điều trị: 341 ca, giảm 19,6% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Số liệu tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc từ ngày 8/2 - sáng 14/2 các cơ sở tiếp nhận thăm khám, cấp cứu 416.932 người, tăng 33% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023;
Tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 151.550 người, tăng 4,3% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023' Tổng số ca phẫu thuật là 16.572 bệnh nhân; trong đó có 3.364 ca phẫu thuật cấp cứu, giảm 8% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023
Tổng số ca đỡ đẻ, mổ đẻ tại bệnh viện: 16.624 ca, giảm 7,1% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023; Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 133.641 trường hợp, tăng 11,1% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Tổng số bệnh nhân ra viện là 119.366 trường hợp, tăng 5,9% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.
Không ghi nhận ca mắc COVID-19, sởi, đậu mùa khỉ, cúm A
Về tình hình dịch bệnh dịp Tết Giáp Thìn, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, tình hình dịch bệnh trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024 cho thấy từ ngày 8/2 - 14/2/2024, ghi nhận 357 trường hợp mắc bệnh. Sốt xuất huyết được báo cáo trên phạm vi cả nước; không ghi nhận trường hợp tử vong.
Hiện có 5 địa phương đang có ổ dịch sốt xuất huyết phải theo dõi gồm: Tiền Giang (11 ổ dịch), An Giang (09 ổ dịch), Tây Ninh (08 ổ dịch), Bến Tre (06 ổ dịch), TP. Hồ Chí Minh (03 ổ dịch).
Cũng trong khoảng thời gian này ghi nhận 225 trường hợp mắc tay chân miệng trên phạm vi cả nước; không ghi nhận trường hợp tử vong.
Từ ngày 8/2 - 14/02/2024 không ghi nhận ca mắc COVID-19, sởi, đậu mùa khỉ, cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), MERS-CoV.
Ghi nhận 01 trường hợp bệnh Dại trên người đã tử vong tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tổ chức điều tra, giám sát và tham gia xử lý theo quy định.
Về tình hình ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, theo báo cáo và kết quả giám sát an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm/Ban Quản lý an toàn thực phẩm/Sở Y tế/Sở An toàn thực phẩm của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, 05 Viện khu vực gửi về Cục An toàn thực phẩm từ ngày 08/02/2024 đến 12 giờ ngày 14/02/2024 không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc, không có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, vẫn còn ghi nhận một số ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ tại một số cơ sở điều trị trên toàn quốc (hệ thống cơ sở điều trị đã tổng hợp báo cáo). Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương để theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Cũng theo Bộ Y tế, các cơ sở y tế đã chuẩn bị đầy đủ thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.
Đến ngày 14/02/2024, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) không nhận được các phản ánh thiếu thuốc, tăng giá thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
2 người tử vong do ngộ độc rượu
Theo báo cáo ban đầu chiều ngày 14/02/2024 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bạc Liêu, tại Bạc Liêu ghi nhận 01 vụ nghi ngờ ngộ độc rượu (tại bữa tiệc gia đình) xảy ra vào ngày 11/02/2024 làm 04 người nhập viện điều trị, trong đó có 02 người đã tử vong.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tại địa phương tập trung cấp cứu và điều trị bệnh nhân, tiến hành điều tra, xác định rõ nguyên nhân gây ngộ độc; phối hợp với cơ quan chức năng ngành Công Thương truy xuất nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc, kịp thời ngăn chặn việc đưa ra lưu thông trên thị trường và tiêu thụ các loại rượu có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm (nếu có).