Đường phố đông đúc những ngày cuối năm trời rét.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay, bộ phận không khí lạnh tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Sáng nay (28/12), không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên độ cao 5.000m, từ chiều và đêm nay, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi rét hại; khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế trời tiếp tục rét.
Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 10-13 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6-9 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế phổ biến 14-17 độ.
Từ đêm nay đến ngày 29/12, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa, mưa rào và có nơi có giông. Từ đêm 28-30/12, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to và giông.
Từ chiều và đêm 28-30/12, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi rét hại. Vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Thời gian nghỉ Tết Dương lịch 2023 bắt đầu từ ngày thứ Bảy (31/12/2022) đến hết ngày thứ Hai (2/1/2023).
Ở miền Bắc, ngày 1/1/2023, thời tiết chủ đạo là mưa rét, nhiệt độ phổ biến từ 13 - 16 độ. Khu vực trung du và núi phía Bắc có nơi giảm sâu xuống 6 - 9 độ. Ngày 2/1, đêm và sáng trời rét đậm, ban ngày ngớt mưa, trưa và chiều hửng nắng. Nhiệt độ phổ biến từ 13 - 16 độ C, riêng vùng núi có thể giảm sâu xuống dưới 10 độ C ở khoảng 6 - 9 độ C.
Trong cả 3 ngày dịp nghỉ Tết Dương lịch, miền Trung duy trì thời tiết lạnh, mưa nhỏ. Nhiệt độ phổ biến từ 12 - 19 độ C.
Thời tiết khu vực miền Nam trong cả 3 ngày Tết dương lịch được dự báo là khá đẹp, trời nắng, khô ráo. Chiều tối và đêm thường có mưa giông cục bộ. Nhiệt độ trong 3 ngày nghỉ Tết từ 18 - 22 độ C.
Khu vực Hà Nội, từ ngày 30/12/2022 đến ngày 3/1/2023 chuyển tạnh ráo, trời rét khô. Ban ngày có nắng gián đoạn, ban đêm trời rét. Nhiệt độ trung bình trong 3 ngày nghỉ từ 16 - 20 độ C.
Đốt than sưởi ấm, cả nhà nhập viện cấp cứu
Hiện nay, trời rét đậm, nhiều khu vực xảy ra băng giá, mưa tuyết, người dân đốt than sưởi ấm, dẫn đến ngộ độc rất nguy hiểm.
Trước đó, ngày 22/12, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã tiếp nhận 3 người trong cùng gia đình nhập viện vì ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm trong nhà.
Theo đó, ba bệnh nhân gồm bé trai N.Đ.T. (gần một tháng tuổi), chị N.T.B. (34 tuổi) và anh N.Đ.P. (34 tuổi, trú xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Cả ba bệnh nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu do biểu hiện mệt, khó thở, có biểu hiện ngộ độc khí CO.
Hiện tại, bệnh nhân N.Đ.P. và N.T.B. vẫn đang thở ô xy, tình trạng ổn định và tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Bệnh nhân N.Đ.T. đã được BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tiến hành hội chẩn trực tuyến với BV Nhi Trung ương đặt nội khí quản, chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh - nơi 3 bệnh nhân trong cùng 1 gia đình đến cấp cứu vì ngộ độc khí CO. Ảnh: SKĐS.
Theo các thầy thuốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, biểu hiện của ngộ độc khí CO có khởi đầu chỉ là các triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu.
Nếu ngộ độc nhẹ thường chỉ thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn, mệt mỏi... làm người bệnh dễ nhầm với nhiều bệnh khác.
Ngộ độc vừa: Nạn nhân thấy đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.
Ngộ độc nặng: Thấy đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, bỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ.
Nạn nhân có thể bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, khó thở, thở trào bọt hồng. Tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.
Nguyên nhân gây nhiễm độc khí CO thường gặp là dùng loại than để đun nấu, sưởi ấm, chạy máy phát điện, ở những nơi không khí kém (phòng kín, khu vực ít lưu thông khí), sử dụng lò nướng bằng khí đốt để sưởi. Tình trạng ngộ độc này hay gặp nhất là vào mùa đông khi thời tiết rét buốt.
Ngộ độc khí CO nếu phát hiện và điều trị muộn sẽ gây ra tử vong, hoặc để lại di nặng nề.