Số nạn nhân từ vụ động đất mạnh 7,8 độ Richter vẫn tiếp tục tăng. Ảnh: AP.
Thiệt hại khó đo đếm
Ở cả hai bên biên giới, trận động đất lúc rạng sáng đã làm người dân phải tỉnh giấc, lao ra ngoài trời mưa tuyết khi các tòa nhà bị san phẳng và các dư chấn mạnh vẫn tiếp diễn. Dự báo, số nạn nhân thương vong sẽ còn tăng mạnh khi lực lượng cứu hộ vẫn đang ra sức tìm kiếm người bị nạn trong những đống đổ nát.
Trận động đất có tâm chấn ở phía Bắc thành phố Gaziantep - thủ phủ một tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ - có thể cảm nhận được ở những nơi xa như Cairo. Nó tấn công một khu vực đã được định hình ở cả hai bên biên giới trong hơn một thập kỷ nội chiến ở Syria. Về phía Syria, khu vực bị ảnh hưởng được phân chia giữa lãnh thổ do chính phủ nắm giữ và vùng đất do phe đối lập nắm giữ. Trong khi đó, lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là nơi sinh sống của hàng triệu người tị nạn từ cuộc xung đột đó.
Các đội cứu hộ hai nước vẫn đang vật lộn với mưa và tuyết để tìm kiếm những người còn sống sót. Ưu tiên là giải cứu những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Con số thiệt hại về người dự kiến sẽ còn tăng cao và hoạt động cứu hộ đang gặp nhiều thách thức do tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn tiếp tục xảy ra các trận động đất mới.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, việc người dân cố gắng rời khỏi các khu vực bị động đất gây ra tắc nghẽn giao thông, cản trở nỗ lực của các đội khẩn cấp đang cố gắng tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng. Các nhà thờ Hồi giáo đã được mở cửa để làm nơi trú ẩn cho người dân.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đo được độ mạnh của trận động đất rạng sáng ngày 6/2 là 7,8 độ Richter và báo cáo một loạt các trận động đất tiếp theo sau cơn chấn động ban đầu. Trong đó, có một trận động đất mạnh 6,7 độ Richter ở thành phố Gaziantep- gần biên giới Syria - và một trận khác mạnh 5,6 độ Richter ở khu vực Nurdag của thành phố.
Dù tâm chấn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, song nhiều khu vực của Syria đã bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có Aleppo và Idlib - nơi chứng kiến hàng nghìn ngôi nhà đổ sập. Theo thông tin từ Liên hợp quốc, nhu cầu viện trợ nhân đạo tại miền Bắc Syria là rất lớn, vì nơi đây có hàng triệu người vốn đã rất khó khăn do mất nhà cửa vì cuộc xung đột vũ trang dai dẳng tại nước này.
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết, gần 900 tòa nhà đã bị phá hủy ở các tỉnh Gaziantep và Kahramanmaras của nước này. Ông cho biết thêm, một bệnh viện ở thành phố ven biển Địa Trung Hải Iskanderoun đã bị sập, nhưng thương vong chưa được xác định ngay lập tức. “Gần 2.800 đội tìm kiếm và cứu nạn đã được triển khai tại các khu vực bị thiên tai” – Phó Tổng thống Oktay nói với báo giới.
Kêu gọi hỗ trợ quốc tế
Trước tình hình khẩn cấp, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả của thảm họa động đất này. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang đề nghị gửi trợ giúp về vật tư y tế, lực lượng tìm kiếm cũng như tiền bạc. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hệ thống các nhóm y tế khẩn cấp đã được 'kích hoạt' để hỗ trợ chăm sóc y tế cho những người bị thương và bị tổn thương nhất do trận động đất.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận, công tác hỗ trợ ban đầu cho Thổ Nhĩ Kỳ đang được tiến hành, trong khi các tổ chức nhân đạo do Mỹ hỗ trợ tại Syria cũng đang ứng phó với các ảnh hưởng của động đất trên khắp quốc gia Trung Đông này. Mỹ cam kết nỗ lực hết sức để giúp những người chịu ảnh hưởng của trận động đất này trong thời gian tới.
Liên minh châu Âu (EU) đã huy động 10 nhóm tìm kiếm cứu nạn từ các nước thành viên triển khai tới khu vực chịu ảnh hưởng của động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh số nạn nhân thương vong liên tục tăng cao. Hiện các đội tìm kiếm cứu nạn đã nhanh chóng được huy động từ các nước Bulgaria, Croatia, Séc, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan, Romania để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Italy và Hungary cũng đã đề xuất cử đội cứu hộ tới nước này.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức cho biết, giới chức nước Đức đang tham vấn với phía Thổ Nhĩ Kỳ về công tác cứu hộ, cứu nạn và đang phối hợp cùng các quốc gia EU khác. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp cho nước này.
Ngay sáng sớm ngày 6/2, đoàn cứu hộ nhân đạo của Israel mang tên “Những cành ôliu” mang theo thuốc men, trang thiết bị y tế và cứu hộ đã lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ động đất.
Trong tuyên bố cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ chia buồn sâu sắc đến đất nước và người dân Thổ Nhĩ Kỳ trước những mất mát về người và thiệt hại về vật chất. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố sẵn sàng cung cấp trợ giúp cần thiết để Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của thảm họa này.
Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chia buồn đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tuyên bố sẵn sàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho hai quốc gia này.
Chính phủ Ấn Độ cùng ngày thông báo, 2 nhóm cứu hộ của nước này gồm khoảng 100 nhân viên cùng các trang thiết bị sẵn sàng tới khu vực thảm họa để tham gia vào các chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ cử các đội chuyên gia y tế và thuốc men tới Thổ Nhĩ Kỳ.