Bác sỹ Bệnh viện Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thai phụ. (Ảnh: TTXVN)
Theo hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mới được Bộ Y tế ban hành ngày 10/8, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú thuộc đối tượng tiêm vaccine COVID-19.
Đây là tin mừng cho hàng triệu bà mẹ đang mang thai vì tiêm vaccine được coi là cách tốt nhất để hạn chế các nguy cơ suy hô hấp nặng, phải nhập viện hồi sức cấp cứu hay can thiệp kỹ thuật ECMO, thậm chí là tử vong mẹ và con… nếu chẳng may thai phụ mắc COVID-19.
Lợi cho cả mẹ và con
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các thai phụ là rất cần thiết. Thai phụ có nhu cầu ôxy nhiều hơn bình thường. Khi mắc COVID-19, phổi bị tổn thương dễ gây khó thở và suy hô hấp nhanh, nếu không can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.
Tiêm vaccine COVID-19 giúp thai phụ giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh; nguy cơ lây nhiễm cho người khác (do virus khi vào cơ thể sẽ được dung hòa và giảm bớt nồng độ lây nhiễm); nguy cơ chuyển từ mức độ nhẹ, trung bình sang mức độ nặng, nguy kịch.
Đồng thời, khi phụ nữ mang thai được tiêm ngừa, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus, kháng thể đó sẽ đi qua máu cuống rốn và đi tới em bé. Khi em bé được sinh ra cũng sẽ được hưởng kháng thể đó từ mẹ.
Nếu mẹ cho con bú, bé sẽ tiếp tục được hưởng thêm kháng thể thông qua sữa mẹ, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết.
Về vấn đề này, tiến sỹ, bác sỹ Lê Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ nhiều nghiên cứu cho thấy những thai phụ mắc COVID-19 có nguy cơ nhiễm trùng cao gấp 5 lần, nguy cơ suy hô hấp rất cao, nguy cơ phải vào hồi sức tích cực cao gấp 4 lần, tỷ lệ tử vong cao gấp 22 lần những thai phụ không mắc COVID-19. Thai kỳ được xem là yếu tố nguy cơ độc lập, thậm chí được xem là một dạng bệnh lý nền khi mắc COVID-19, vì thế rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, thai phụ mắc COVID-19 sẽ gặp các nguy cơ cao về sảy thai, sinh non, thai chậm phát triển, suy thai, tử vong sơ sinh cao… Tỷ lệ phải nằm hồi sức tích cực cho cả mẹ và con là lớn và thời gian nằm viện lâu.
Bác sỹ Lê Quang Thanh nhấn mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 còn có lợi ích rất lớn trong trường hợp: nếu thai phụ bị nhiễm virus, khả năng bị biến chứng nghiêm trọng nặng hoặc tử vong hầu như không có.
Các nghiên cứu hiện nay cho thấy nếu hoàn tất các liệu trình tiêm 2 mũi và có đủ thời gian để phát huy hiệu quả bảo vệ cơ thể của vaccine thì 100% không có tử vong và 90% không có biến chứng nặng. Hầu hết những người được tiêm chủng đầy đủ không có biến chứng, nếu có thì rất nhẹ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo vaccine là vũ khí tối ưu để chấm dứt đại dịch. Nguy cơ lây lan mầm bệnh sẽ giảm nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70-85%.
Việt Nam đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 có quy mô lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, an toàn, hiệu quả và công bằng, 'tiêm đến đâu, an toàn đến đó.'
Trì hoãn tiêm hay 'kén chọn' vaccine vào lúc này chính là rào cản lớn, làm chậm tiến độ thực hiện mục tiêu sớm tạo miễn dịch cộng đồng nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Giải đáp thắc mắc về các loại vaccine COVID-19 dành cho thai phụ, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ Lê Quang Thanh cho biết tại Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành cho 6 loại vaccine: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Vero Cell, Sputnik V, Janssen. Trong các loại này, duy nhất chỉ có Sputnik V ghi rõ cấm sử dụng trong thai kỳ, còn các loại vaccine khác, đều có thể sử dụng cho thai phụ.
Tích cực triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho thai phụ
Theo chia sẻ của tiến sỹ, bác sỹ Lê Quang Thành, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, ngay trong ngày 10/8, sau khi có quyết định của Bộ Y tế, Bệnh viện Từ Dũ đã triển khai tiêm vaccine cho 21 bà mẹ mang thai là nhân viên của bệnh viện.
Ngày 13/8, bệnh viện bắt đầu triển khai tiêm cho các bà mẹ mang thai trong cộng đồng. Đến ngày 19/8, bệnh viện đã tiêm được cho khoảng 3.000 trường hợp, tất cả đều không ghi nhận biến chứng.
Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện đầu tiên triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 cho thai phụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 12-19/8, bệnh viện đã tiêm được 2.500-3.000 mũi tiêm cho nhân viên y tế bệnh viện và các thai phụ đến khám tại đây.
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ thêm việc chứng kiến cảnh nhiều thai phụ mắc COVID-19 bị diễn tiến nặng dẫn đến thai lưu hoặc tử vong cả mẹ lẫn con đã thôi thúc các y, bác sỹ tại đây triển khai việc tiêm vaccine COVID-19 cho càng nhiều thai phụ càng nhanh, càng tốt.
Bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng lưu ý bất cứ loại thuốc nào đưa vào cơ thể dù ở đường uống hay tiêm thì đều xảy ra tác dụng phản vệ từ mức độ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, tỷ lệ phản ứng ở phụ nữ sau tiêm rất thấp.
Bằng chứng là thực tế trên khoảng 3.000 ca tiêm tại Bệnh viện Hùng Vương chưa có ca nào bị phản ứng phản vệ sau tiêm. Các phản ứng phụ thường gặp như sốt dường như thấp hơn trong cộng đồng với sử dụng cùng một loại vaccine; các tác dụng phụ khác như mệt mỏi, đau đầu cũng ít gặp hơn…
Tiêm vaccine mang lại hiệu quả rất lớn trong việc bảo bệ tính mạng cho mẹ và con. So với những phản ứng phụ này thì lợi ích mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ.
Các thai phụ được khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm vaccine. (Ảnh: TTXVN)
Bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết hướng dẫn, sau tiêm nếu bị sốt thai phụ nên uống nhiều nước, đắp khăn mát, uống paracetamol để hạ sốt. Còn triệu chứng đau tại chỗ tiêm sau 5-7 ngày sẽ mất nên thai phụ có thể yên tâm.
Do phụ nữ mang thai là nhóm có tính đặc thù nên quy trình tiêm vaccine COVID-19 cũng có một số điểm đặc biệt hơn. Các khâu trong quy trình vẫn diễn ra theo các bước: khám sàng lọc, tư vấn, tiêm và theo dõi sau tiêm. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai bắt buộc phải khám thai trước khi được tư vấn tiêm ngừa.
Khâu theo dõi sau tiêm chủng ở bà mẹ mang thai cũng khác thông thường vì phải theo dõi sức khỏe của cả bà mẹ và thai nhi, việc tư vấn cách xử lý những phản ứng bất lợi sau tiêm và liên hệ cho ai khi cần… cũng được đặc biệt chú trọng.
Các chuyên gia khuyến cáo để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai trên 13 tuần nên tiêm vaccine COVID-19 ở các bệnh viện có Khoa Sản.
Trong trường hợp các cơ sở y tế như: Trung tâm y tế, đội tiêm, bệnh viện đa khoa không có Khoa Sản… vẫn có thể tiêm vaccine COVID-19 cho thai phụ nếu đảm bảo đủ điều kiện về thiết bị cấp cứu, có kỹ năng và được đào tạo bài bản trong các khâu, đặc biệt là khám sàng lọc trước tiêm, đảm bảo chỉ định tiêm chủng chính xác…
Các đơn vị tiêm chủng cũng cần được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng những phương án xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế./.