Phải chuẩn bị thật kỹ để "đón khách đến nhà"
Từ 15/3, sau thời gian chờ đợi, Chính phủ Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn (đợt 2).
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới. Thống kê năm 2019, Trung Quốc chi tiêu cho du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới với 255 tỷ USD. Trước dịch Covid-19, Trung Quốc cũng là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam với 5,8 triệu lượt khách, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế. Vì vậy, việc Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ 15/3 là rất tích cực với ngành du lịch.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, để đón bắt cơ hội này, Việt Nam cần rà soát tất cả những gì chưa phù hợp với đặc điểm thị trường Trung Quốc, từ đó cung cấp những dịch vụ, sản phẩm đón khách phù hợp hơn. Nói đơn giản, nếu khách ào ào qua nhưng chúng ta chưa chuẩn bị tốt, khai thác sẽ không hiệu quả.
"Làm du lịch không thể chờ người ta đến, mình có gì cung cấp cái đó. Phải thiết kế, xây dựng được sản phẩm, dịch vụ du khách họ cần. Chúng ta mong muốn đón bắt cơ hội này, bứt tốc thì không còn cách nào, phải chuẩn bị thật kỹ để "đón khách đến nhà". Thái Lan, Indonesia, Singapore… là những đối thủ lớn, họ có nhiều lợi thế và sức cạnh tranh. Chúng ta không thể lơ là", ông Phạm Trung Lương nói.
Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, thị trường Trung Quốc có rất nhiều phân khúc khách khác nhau. Các doanh nghiệp cần xác định nhắm tới phân khúc nào. Khi xác định rõ được vấn đề này thì sẽ có sự chuẩn bị phù hợp với phân khúc đó.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm tốt để rà soát cơ cấu lại, không vì thiếu khách mà buông lỏng. Phần lớn du khách Trung Quốc đến Việt ở phân khúc thấp và trung bình. Một mặt chúng ta rất chào mừng, nhưng mặt khác cũng cương quyết trong quản lý điểm đến, hạn chế các vấn đề tiêu cực từng được phản ánh.
Mặc dù là thị trường du lịch lớn nhưng trong quá trình đón du khách Trung Quốc đã tồn tại những bất cập như xuất hiện tour 0 đồng, lừa đảo trong mua bán hàng hóa... ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành du lịch. Phải quản lý rất chặt doanh nghiệp, không để lặp lại việc này.
Một vấn đề nữa theo PGS.TS Phạm Trung Lương đó là, cần xây dựng đa dạng dịch vụ sản phẩm để có thể đón khách quay lại nhiều lần.
"Mình có vài dịch vụ, sản phẩm thì họ chỉ đến 1 lần, nhưng mình có 100 sản phẩm thu hút chắc chắn họ phải quay lại. Đi kèm với đó là khâu dịch vụ rất tốt", ông Lương nêu quan điểm.
Đoàn khách du lịch đến từ Hồ Nam (Trung Quốc) chụp ảnh lưu niệm tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tháng 1/2023.
Không chỉ du lịch hưởng lợi
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch từ 15/3 không chỉ là tin vui với ngành du lịch mà sẽ còn nhiều ngành liên quan khác được hưởng lợi.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, với Việt Nam, việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3 sẽ kích cầu tiêu dùng rất lớn đối với các ngành, dịch vụ: hàng không, vận tải, lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí.
Theo TS Lê Đăng Doanh, khách Trung Quốc thường thích vùng du lịch miền Trung và ưa chuộng các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí bên biển hay các dịch vụ văn hóa, ẩm thực vùng miền, vì vậy, chuyên gia này dự báo, các điểm du lịch miền Trung sẽ hút khách hơn những nơi khác. Mặt khác, thông tin này cũng khiến các hãng hàng không, các hãng vận tải giảm bớt gánh nặng, khi mà thời gian qua các ngành này gặp nhiều khó khăn do lượng khách quốc tế không đông như kỳ vọng, dù du lịch đã mở cửa từ lâu.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng dự báo lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ hưởng lợi từ việc khách Trung Quốc trở lại Việt Nam. Ngoài ra, các dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu tại chỗ cũng sẽ đón nhận thông tin tích cực.
Theo các chuyên gia, với việc có cơ hội tiếp cận một thị trường đông dân như Trung Quốc, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 của Việt Nam sẽ dễ thành hiện thực hơn. Song dù vậy, vẫn cần sự quyết liệt hơn trong các chính sách, trong đó có vấn đề về visa. Các doanh nghiệp cũng cần nhanh nhẹn, chủ động hơn.
"Cần nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra như vậy nhưng lưu ý không chạy theo số lượng đơn thuần. Quan trọng nhất vẫn thu lại được bao nhiêu. Để đón cơ hội, nhất thiết phải cơ cấu lại, phục vụ ra phục vụ, thu ra thu. Việt Nam không phải điểm đến theo cách xô bồ. Trong chiến lược phát triển du lịch, chúng ta nêu rõ việc quan tâm nhiều đến chất lượng", PGS.TS Phạm Trung Lương bày tỏ.