Rước họa vì tự chữa bệnh vảy nến
Mới đây, một nữ bệnh nhân ở Hà Nội bị tổn thương toàn thân, bội nhiễm với nhiều vùng da dát đỏ, bong vảy sau khi sử dụng thuốc của một thầy lang chữa bệnh vảy nến.
Theo thông tin trên báo Người Lao Động, bệnh nhân 37 tuổi bị vảy nến từ nhiều năm trước. Do mong muốn được chữa trị tận gốc căn bệnh này, theo lời giới thiệu, bệnh nhân đã đến một thầy lang ở tỉnh ngoài để cắt thuốc uống, tắm, ngâm và bôi thuốc để trị bệnh.
Thời gian đầu bôi, ngâm và tắm xong, da đỡ ngứa. Nhưng một thời gian sau, tổn thương dày lên, xuất hiện viêm nhiễm vùng tổn thương và chảy nước, tổn thương lan rộng khắp người. Da đầu bị tróc vảy, các tổn thương da lan rộng, gây ngứa, đau rát... Không thể chịu được, nữ bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Tổn thương vảy nến bùng phát sau đợt điều trị bằng thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc. Ảnh: Báo Người Lao Động.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc vảy nến có bội nhiễm và dị ứng nghi do thuốc đang sử dụng. Sau một thời gian điều trị tích cực, hiện bệnh đã được kiểm soát.
Trước đó, vào tháng 11/2022, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết đơn vị đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân vảy nến bị biến chứng nặng do tự ý mua thuốc trên mạng để điều trị.
Một trong những bệnh nhân khi đó là ông P.N.T (64 tuổi, ngụ Phú Yên). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da toàn thân bong tróc, rỉ dịch ở 2 chân đi kèm với các khớp ngón tay, ngón chân, mắt cá, khớp gối… sưng to và đau nhức nhiều khiến bệnh nhân đi lại khó khăn.
Bệnh nhân T. cho biết, ông bị
vảy nến nhiều năm nhưng chỉ khô và tróc vảy nhẹ một ít ở đầu ngón tay, ngón chân và gót chân. Trước khi nhập viện khoảng 8 tháng, ông lên mạng và đọc được thông tin có loại thuốc 'trong uống ngoài bôi' chấm dứt vảy nến, ông T. đặt mua và sử dụng.
'Hai mươi ngày đầu uống thấy bình thường, đến ngày 21 thì vảy nến bùng phát từng mảng, rỉ dịch, các khớp gối, khớp ngón tay ngón chân và mắt cá chân sưng to đau nhức, đi lại khó khăn',
Vietnam Plus dẫn lời kể của ông T.
Lo sợ, ông T. gọi điện cho người bán thì được “trấn an” càng bong càng tốt. Đến khi không thể chịu nổi, ông được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương và chuyển đến Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào tháng 5/2020, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận một
trường hợp mắc bệnh vảy nến bị biến chứng nặng do tự mua thuốc trên mạng để điều trị.
TTXVN đưa tin, bệnh nhân này là ông N.V.V (64 tuổi, trú tại tỉnh Đắk Lắk), được đưa đến Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/5 trong tình trạng toàn thân đau nhức, sưng phù, da đỏ, nứt nẻ, đi lại khó khăn.
Được biết, ông V. mắc bệnh vảy nến đã 4 năm, cũng đi khám bệnh vài nơi, mua thuốc uống song bệnh tình không thuyên giảm. Sau đó, người thân của ông nghe tin có một loại thuốc của đồng bào dân tộc Dao được rao bán trên mạng internet, có thể chữa khỏi hẳn vảy nến. Ông V. đã đặt mua qua mạng loại thuốc này.
Sau khi bôi thuốc, da của bệnh nhân trở nên khô, đóng vảy. Tuy nhiên, 2 ngày sau, da bệnh nhân bắt đầu sưng đỏ, toàn thân sưng vù, nứt da, đóng vảy. Tình trạng bệnh của ông V ngày càng nặng, gây đau đớn không chịu nổi nên người nhà đã đưa ông đến Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị.
Tháng 10/2017, một bệnh nhân suy thận vì tự ý điều trị bằng thuốc lá chữa bệnh vẩy nến.
Báo Nhân Dân đưa tin, bệnh nhân này mắc bệnh 16 năm. Ban đầu, bệnh nhân chọn cách điều trị bằng dùng thuốc lá cây của một thầy lang. Sau đó, anh bị bội nhiễm, toàn thân chảy mủ phải cấp cứu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Sau một tháng điều trị, da toàn thân bong như “bóng bì”. Chưa hết, bản thân anh cũng bị suy thận phải chạy thận ba lần/tuần. Đây là một trường hợp khá nặng tự ý điều trị bằng thuốc lá không rõ nguồn gốc dẫn tới hậu quả đáng tiếc chỉ vì căn bệnh vảy nến.
Ảnh minh họa: Istock.
Bác sĩ khuyến cáo gì?
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết vảy nến là bệnh mãn tính, cần điều trị dài ngày, do đó bệnh nhân dễ nản lòng, tìm đến các bài thuốc truyền miệng, thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh nặng hơn.
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như vảy nến khớp, vẩy nến đỏ da toàn thân,...Hoặc nếu bệnh nhân tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc có chứa corticoid có thể gây ra tổn thương thận hay các cơ quan khác, làm tăng gánh nặng bệnh tật cho người bệnh.
Đến nay, y học vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh vảy nến hoàn toàn mà chỉ có thể quản lý bệnh tốt hơn, từ thể nặng sang thể nhẹ và ổn định. Bác sĩ khuyên người bệnh nên tới những phòng khám chuyên khoa da liễu uy tín để được thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh, áp dụng đúng liệu trình điều trị.
Hiện nay, y học có nhiều loại thuốc uống, thuốc thoa giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kể, giúp bệnh nhân có cuộc sống gần như người bình thường.
Bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân không được tự ý mua thuốc vì có nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc, có thể gây ra tình trạng kích ứng tại chỗ, nặng nề hơn là sẽ gây ra nhiễm trùng da, thậm chí nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mời độc giả xem thêm video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19
Nguồn video: THĐT