Nhiều phương thức xét tuyển có giảm áp lực?
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thời điểm này, thí sinh cả nước đã trải qua những ngày đầu tiên của giai đoạn đăng nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GDĐT hoặc Cổng dịch vụ công Quốc gia.
So với năm trước, mùa tuyển sinh năm nay có nhiều điểm mới. Trong đó, các trường đại học đã áp dụng nhiều phương thức xét tuyển mà không phụ thuộc nhiều vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo thống kê của Bộ GDĐT, có khoảng 20 phương thức xét tuyển khác nhau được các trường áp dụng.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Việc đa dạng các phương thức xét tuyển nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho người học tuy nhiên lại đang gây cho thí sinh lúng túng trong đăng ký nguyện vọng. Nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng, băn khoăn về vấn đề chọn ngành, chọn trường, cũng như cách sắp xếp nguyện vọng theo quy chế mới để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, mặt tích cực của việc đa dạng hoá các phương thức tuyển sinh là giúp các thí sinh có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, cơ hội đỗ vào trường mong muốn. Tuy nhiên, việc làm này cũng có mặt tiêu cực. Bởi khi học sinh chưa xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, các em có thể luôn “đứng núi này trông núi nọ”, mơ hồ xác định nghề nghiệp. Có em tham gia rất nhiều các kỳ thi khác nhau. Lúc đó, các em bị phân tán sức lực, thời gian và công sức dẫn tới kết quả ko tốt.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: 'Về lâu dài các trường sẽ có lộ trình để làm thế nào ổn định các phương thức tuyển sinh, giúp cho thí sinh dễ theo dõi tìm được phương thức tuyển sinh phù hợp nhất đối với tình hình hiện nay'.
Lo ngại “loạn” tuyển sinh
Thực tế tuyển sinh đại học những năm qua đã có sự thay đổi. Mỗi năm đều có cải tiến nhằm khắc phục những bất cập trong năm trước và phát huy ưu điểm trong công tác tuyển sinh.
Các trường đại học dần được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh. Thế nên, không chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, trong một vài năm trở lại đây, các trường đã thực hiện nhiều phương án tuyển sinh khác nhau như: Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, xét điểm học bạ, xét tuyển thẳng… để xét tuyển sao cho phù hợp với mục tiêu đào tạo khác nhau của các trường đại học.
Trường đại học tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.
Tuy nhiên, có thể thấy, việc nở rộ các phương thức tuyển sinh đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Nhìn lại mùa tuyển sinh năm 2021, theo báo cáo của Bộ GDĐT, các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội.
Ngoài ra, các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nhưng không có biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh, tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn, đồng thời chưa tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, có năng lực nhất.
Để khắc phục những bất cập của mùa tuyển sinh trước, năm nay, Bộ GDĐT yêu cầu thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ cho tất cả các phương thức xét tuyển và lưu ý các trường không được gọi thí sinh nhập học sớm theo phương thức tuyển sinh riêng.
Tuy nhiên, bất chấp quy định của Bộ, trước thời điểm thí sinh đăng ký nguyện vọng, một số trường đại học đã yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm và gửi bản xác nhận này về trường trước thời hạn đăng ký xét tuyển chung; hoặc yêu cầu thí sinh tạm nộp học phí học kỳ 1 như cam kết giữ chỗ và nhà trường chỉ trả lại học phí tự nguyện nộp đối với thí sinh không tốt nghiệp THPT.
Một số trường đại học yêu cầu thí sinh đã được công nhận đạt điều kiện trúng tuyển sớm phải cam kết đăng ký nguyện vọng 1 lên hệ thống lọc ảo chung của Bộ GDĐT nếu không thí sinh sẽ không còn trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển. Việc làm này của các trường khiến nhiều phụ huynh, thí sinh hoang mang, lo lắng.
Trước vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT khẳng định, việc các trường đưa ra các yêu cầu đối với thí sinh trúng tuyển sớm là vi phạm các quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2022. Thí sinh được quyền xác định nguyện vọng nào là nguyện vọng ưu tiên trong số các chương trình đào tạo mà các em đã đủ điều kiện trúng tuyển.
Trước những bất cập nêu trên, một chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GDĐT nên có giải pháp, kiểm soát chặt chẽ hơn quyền tự chủ của các trường nếu không sẽ xảy ra hiện tượng “loạn” tuyển sinh.