Theo ghi nhận thực tế của phóng viên ngay trong ngày hôm nay (30/5), hai chiếc máy bơm chạy hết công suất, bên dưới tầng hầm của Trường Mầm non Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm Hà Nội mưa lớn, nước đã rút một nửa nhưng vẫn còn ngập sâu đến gần 50cm. Không chỉ toàn bộ hệ thống tủ điện và máy phát điện bị hư hỏng, trận mưa lớn chiều 29/5 cũng đã khiến cho khu bếp bị úng ngập nặng. Nhà trường đã phải huy động toàn bộ cán bộ giáo viên tham gia làm tổng vệ sinh từ sáng sớm.
Nền nhà dù đã được tôn cao hơn 30cm so với cốt nền đường nhưng cũng chẳng ăn thua. Ông Vũ Văn Cảnh (phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cả đêm qua mất ngủ vì lo nước mưa ngập hết thành giường. Đến sáng nay nước rút, cả gia đình thay nhau dọn dẹp mãi vẫn chưa xong.
'Trận mưa hôm qua đúng là to quá, khủng khiếp quá. Lúc đầu mưa nhỏ còn lấy bao cát chặn, sau mưa to quá không kịp trở tay, cả gia đình dọn từ đêm qua đến giờ chưa xong' - ông Cảnh nói.
Mưa lớn chiều qua cũng đã khiến cho nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh dù ở mặt đường cũng không kịp trở tay. Như với cơ sở làm biển bảng quảng cáo này, nước dâng cao hơn 20cm so với mặt đường, tràn vào khu nhà xưởng bên trong đã gây hư hại một số thiết bị máy móc trị giá hàng chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Dương Tuấn (phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: 'Khi mưa tràn vào thì 4 - 5 người mới lấy xô chậu để hắt ra nhưng thực ra hắt ra chỉ là để cho đỡ tràn vào thôi chứ không xử lý được nên toàn bộ máy móc hỏng hết. Tôi đang nghĩ là do cái đường của mình vấn đề thoát nước quá kém nên tất cả ở đây đều bị ngập'.
Tại Gara ô tô Việt Sun, sau trận mưa lớn chiều qua, lượng xe đến sửa tăng đột biến. Thường ngày chỉ có 1-2 khách hàng thì chỉ trong buổi sáng nay, đã có hơn chục xe chờ sửa chữa. Đa số đều là xe hỏng do bị ngập nước trong trận mưa lớn chiều qua.
Cho đến sáng nay về cơ bản, nước đã rút hết ở phường Mỹ đình 2 cũng như các khu vực khác trên địa bàn thành phố bị úng ngập nặng do ảnh hưởng của trận mưa lớn chiều tối qua. Tuy nhiên công tác khắc phục hậu quả vẫn còn đang tiếp diễn. Điều khiến người dân lo lắng là Hà Nội được dự báo sẽ còn tiếp tục có mưa lớn trong 1-2 ngày tới.
Trận mưa diễn ra vào chiều 29/5 tại Hà Nội vượt ngưỡng lịch sử?
Mưa ngập như ngày hôm qua khiến nhiều người liên tưởng đến trận lụt kỷ lục năm 2008 tại Thủ đô. Và theo những số liệu khí tượng, mưa ngày hôm qua cũng cực kỳ hiếm khi xảy ra.
Nhiều người phải dắt bộ xe trong nước ngập để tránh xe bị chết máy. Ảnh: PLO.
Chiều qua, chỉ trong khoảng 2 tiếng, lượng mưa tại Láng lên tới 138mm - đây là lượng mưa ngày lớn chưa từng có trong gần 40 năm qua, vượt kỷ lục cũ năm 1986. Ở Cầu Giấy, lượng mưa còn ghi nhận 182mm, xấp xỉ lượng mưa của cả tháng 5 cộng lại. Theo tính toán của các chuyên gia khí tượng, tần suất xuất hiện lượng mưa 180mm trong 2 giờ như vậy phải 100 năm mới xảy ra 1 lần.
Tổng lượng mưa trong chiều qua nếu so sánh với trận lụt lịch sử 2008 ở Hà Nội thì không bằng. Nhưng do mưa rất to trong thời gian ngắn nên hệ thống thoát nước của thành phố đã bị quá tải.
Cơ sở hạ tầng thoát nước hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn tồn tại 12 điểm úng ngập khi mưa to, với trận mưa chiều qua số điểm ngập lụt đã tăng lên gần 40 điểm, mở rộng hầu khắp 12 quận và một phần huyện Thanh Trì. Kể cả những tuyến phố có địa hình cao và thoáng rộng cũng không thoát khỏi cảnh ngập nặng. Mức độ ngập có nơi tới 1 mét nước và thời gian ngập cũng rất lâu, mãi tới 22h, tức 6 tiếng kể từ khi dứt mưa lớn, nhiều điểm vẫn chưa hết ngập.
Hiện tại các hạng mục, công trình thoát nước của Hà Nội chỉ đáp ứng được những trận mưa dưới 100mm/2 giờ.
Rõ ràng công tác dự báo chính xác lượng mưa là rất quan trọng. PV đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia để có thêm thông tin về công tác dự báo mưa giông.
PV: Vâng thưa ông, với trận mưa lớn hôm qua ở Hà Nội, tại sao chúng ta không dự báo được lượng mưa cụ thể?
Ông Mai Văn Khiêm: Dự báo mưa là bài toán khó nhất trong lĩnh vực dự báo khí tượng, do mưa là một yếu tố có mức độ biến động rất lớn, phân bố rất không đồng đều, đặc biệt là mưa dông. Một cơn dông gây ra 01 trận mưa cả trăm mm nhưng cũng có những cơn dông chỉ gây ra sấm chớp và không mưa giọt nào mà chúng ta hay gọi là dông khan. Do đó việc dự báo có hay không có dông thì đã dự báo tốt, nhưng việc dự báo cụ thể dông gây ra mưa chính xác bao nhiêu mm, ở đâu và khi nào là một bài toán rất khó đối với khoa học hiện nay.
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu sau trận mưa lớn chiều 29/5. Ảnh: SKĐS.
Với đợt mưa hôm qua, 13h10 ngày 29/5, Cơ quan KTTV đã phát tin cảnh báo mưa dông cho khu vực Hà Nội và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Như vậy là cảnh báo được trước khoảng 30-40 phút.
PV: Tình trạng ngập úng do mưa đang xảy ra nhiều nơi, kể cả là tại các đô thị lớn. Vậy, thưa ông khả năng mưa lớn như vậy còn xuất hiện trong thời gian tới nữa không?
Ông Mai Văn Khiêm: Về thống kê, các giá trị lịch sử đã xuất hiện sẽ còn lặp lại trong tương lai với chu kỳ khác nhau, dài hay ngắn mà thôi. Các nghiên cứu cho thấy mưa thời đoạn ngắn với cường suất lớn sẽ ngày càng xuất hiện nhiều trong tương lai do tác động của BĐKH. Trong thời gian mùa hè, các cơn mưa dông thường xuất hiện vào buổi chiều và tối, sau thời gian nắng và nóng vào ban ngày. Mưa dông sẽ còn xảy ra nhiều lần trong mùa hè năm nay khi các dự báo cho thấy khu vực Bắc Bộ sẽ có mưa nhiều hơn những năm gần đây.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!