Theo đó, biến thể lần đầu tiên phát hiện ở Anh (B.1.1.7) được liệt kê đầu tiên vào nhóm biến thể đáng lo ngại của WHO, gọi là biến thể Alpha.
Biến thể thứ hai ở Nam Phi (B.1.351) gọi là biến thể Beta. Biến thể phát hiện lần đầu tiên ở Brazil (P1) gọi là biến thể Gamma.
Biến thể mới nhất trong nhóm biến thể đáng lo ngại là B.1.617, phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, được chia thành các dòng phụ: Dòng phụ B.1.617.2 gọi là biến thể Delta, còn dòng B.1.617.1 gọi là Kappa.
Nhân viên y tế Nepal trong những ngày Covid-19 bùng phát.
'Không quốc gia nào đáng bị kỳ thị'
Cơ quan y tế của LHQ cho rằng, tên gọi khoa học có những thuận lợi riêng nhưng lại khó đọc, khó nhớ và dễ bị hiểu sai. 'Do đó, mọi người thường hay gọi các biến thể dựa vào nơi chúng được phát hiện. Điều này gây ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử' -WHO cho biết.
Tuy nhiên, như một cách đáp lại, tờ Guardian dẫn lời giới khoa học cho rằng trong lịch sử các dịch bệnh thường được gọi tên theo địa phương phát hiện ra bệnh lần đầu tiên. Ví dụ, một trong các trường hợp này là virus Ebola, được đặt tên theo sông Ebola ở Congo do virus được phát hiện lần đầu vào năm 1976 gần con sông này. Một trường hợp khác là đại dịch cúm Tây Ban Nha hồi năm 1918.
Trước tình thế đó, WHO cho biết, cách gọi mới sẽ không thay thế hệ thống đặt tên theo khoa học nhưng sẽ cung cấp các tên gọi mới 'đơn giản, dễ đọc và dễ nhớ' đối với các biến thể. 'Không quốc gia nào đáng bị kỳ thị vì việc phát hiện và báo cáo về các biến thể' - bà Maria van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học của WHO, nói.
'Miếng dán vi kim'
Trong cuộc chiến giằng co với Covid-19 suốt từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 đến nay, thì việc nghiên cứu, điều chế vaccine được cho là cực kỳ quan trọng nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, vì nói như Barbara Cyndie - một chuyên gia vi trùng học thì trước sau gì chúng ta cũng không tiêu diệt được SARS-CoV-2 mà phải sống chung với nó. Vì thế, vaccine tạo ra miễn dịch cộng đồng là điều quan trọng nhất.
Mới đây, ngày 5/6, Công ty Vaxxas của Australia thông báo, cuộc thử nghiệm đối với vaccine ngừa Covid-19 Hexapro của Đại học Texas (Mỹ) đã cho thấy những kết quả tích cực. Hexapro là loại vaccine sử dụng miếng dán mà không dùng phương pháp tiêm, nó khác hẳn với tất cả các loại vaccine Covid-19 đã được WHO công nhận và đang lưu hành trên phạm vi toàn cầu.
'Đây là một kết quả nghiên cứu quan trọng, rất có thể sẽ tạo ra bước ngoặt cho cuộc chiến chống Covid-19. Vì vaccine dạng tiêm không phải đã được tất cả mọi người hoan nghênh, cũng như giá thành của chúng là khó với đối với người nghèo'- bà Barbara nói.
TS David Muller tại Trường Đại học Queensland - phụ trách các cuộc thử nghiệm lâm sàng, cho biết các thử nghiệm sử dụng miếng dán vaccine Hexapro trên chuột đang cho kết quả ấn tượng, thậm chí còn tốt hơn so với kết quả sử dụng một loại vaccine dạng tiêm.
Cụ thể, kết quả thử nghiệm cho thấy đã xuất hiện phản ứng trung hòa kháng thể đối với Covid-19 với chỉ một liều duy nhất.
Miếng dán có hàng nghìn 'vi kim' (microprojections) trên bề mặt chứa vaccine Hexapro.
TS Muller khẳng định, những miếng dán này khi đặt lên da sẽ giúp tạo ra phản ứng miễn dịch ngay lập tức và mạnh hơn nhiều so với phương pháp tiêm thông thường.
Không giống như kim tiêm, miếng dán không gây tổn thương và vì chỉ sử dụng một lần nên không có nguy cơ lây nhiễm chéo.
Trong khi đó, Hexapro là loại vaccine tương đối ổn định vì vậy các miếng dán chứa vaccine có thể được bảo quản ở nhiệt độ bình thường. Nó có thể duy trì ổn định trong ít nhất 30 ngày ở nhiệt độ 25 độ C và 1 tuần ở 40 độ C.
Theo GS Robert Booy - Giám đốc Y tế của Vaxxas đồng thời là chuyên gia về vaccine và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney, thì 'miếng dán vi kim' có thể dễ dàng đến được các khu vực rừng núi hoặc quần đảo xa xôi của bất kỳ quốc gia nào ở châu Á hoặc châu Phi, khi mà các vaccine hiện tại đang được sử dụng gặp khó khăn trong việc bảo quản để có thể đưa đến những khu vực này.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, đây cũng chỉ mới là kết quả bước đầu, rất có thể 'miếng dán vi kim' sẽ chỉ có được 'trong tương lai'.
Ứng phó với biến chủng mới
Nói về việc điều chế các loại vaccine ngừa Covid-19, giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng chúng ta đã 'bỏ quên quy định cũ khi ứng phó biến chủng virus mới'. Và đó là điều nguy hiểm vì trong cuộc rượt đuổi này bao giờ vaccine cũng 'chạy theo' virus.
Cơn ác mộng biến chủng Covid-19. Ảnh minh họa của Anadolu.
Tại thời điểm này, các biến thể đáng quan ngại nhất của virus SARS-CoV-2 bao gồm: Biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia, biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia, và biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia. Những biến chủng virus này lây lan nhanh hơn, trong một số trường hợp còn làm cho bệnh nặng hơn.
Đặc biệt, chủng virus từ Ấn Độ lây lan rất nhanh, bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng diễn tiến xấu rất nhanh sau đó.
Theo giới chuyên gia y tế, vì vậy cách ly vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để giảm, cắt đứt đường lây của virus SARS-CoV-2 khi chúng hoàn toàn có thể kết hợp với nhau tạo ra biến chủng mới và biến đổi gene để tự hoàn thiện, né vaccine của chúng cũng sẽ nhanh hơn.
'Quá vui mừng vì đã có vaccine, nhiều người quên mất rằng việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập đông đã là biện pháp vô cùng quan trọng giúp chúng ta khống chế, kiểm soát nguồn lây của Covid-19' - bà Barbara nói và thêm rằng, virus luôn lẩn khuất trong cộng đồng, vì thế nếu không tự bảo vệ mình sự hậu quả sẽ đến rất nhanh.