Trong danh sách hơn 100 trường THPT công lập trên địa bàn TP Hà Nội, 3 trường THPT có điểm chuẩn cao nhất năm 2024 gồm: Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) và Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) có điểm chuẩn 42,50 điểm.
Các trường còn lại nằm Top 10 (bao gồm cả 3 trường vừa nêu trên) đều lấy điểm chuẩn dưới 42 điểm gồm: THPT Kim Liên, THPT Phan Đình Phùng, THPT Thăng Long, THPT Việt Đức, THPT Nguyễn Gia Thiều, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Nhân Chính... Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng điểm chuẩn của năm 2023 thì phần lớn các trường đều giảm. Trong đó, trong Top 10 thì Trường THPT Chu Văn An giảm mạnh nhất (giảm 2 điểm) so với năm 2023.
Ở chiều ngược lại, Top các trường có điểm chuẩn thấp nhất năm nay phần lớn nằm ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Trong đó, Trường THPT Minh Quang chỉ lấy 18 điểm. Một số trường như Trường THPT Mỹ Đức C, THPT Bắc Lương Sơn, THPT Lưu Hoàng, THPT Đại Cường lấy 19-21 điểm. Học sinh chỉ cần đạt trung bình khoảng 4,2 điểm/môn có thể trúng tuyển vào trường...
Tuy vậy, điều bất ngờ nhất là Trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng) Hà Nội năm nay bỗng dưng có điểm chuẩn thấp nhất, chỉ 23,75 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn của trường này năm 2023 là 40 điểm, nằm trong Top những trường điểm cao của Hà Nội. Trên một số diễn đàn, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, liệu có hay không việc nhầm lẫn về điểm chuẩn khi mà năm nay Trường THPT Đoàn Kết 'rớt thảm' khi giảm tới 16,25 điểm?
Rất cần những lý giải từ phía Sở GD&ĐT Hà Nội về sự 'trồi sụt' của điểm chuẩn vào lớp 10 năm 2024.
Bình luận về việc điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm 2024 của Hà Nội có sự 'trồi sụt' bất ngờ, một số giáo viên cho biết: Điểm chuẩn vào lớp 10 của Hà Nội biến động do nhiều lý do. Thứ nhất là do mặt bằng điểm thi năm nay nhìn chung giảm so với năm 2023; số lượng bài thi đạt điểm tuyệt đối ít hơn so với năm 2023.
Thứ hai là theo xu thế tuyển sinh, nếu năm trước nhà trường có điểm chuẩn cao, năm sau phụ huynh học sinh sợ khó đỗ nên không nộp hồ sơ vào nữa, dẫn đến nhà trường thiếu chỉ tiêu nên phải hạ điểm chuẩn xuống thấp hơn.
Ngược lại, một số trường năm ngoái điểm thấp, phụ huynh học sinh đổ xô vào nộp hồ sơ khiến điểm chuẩn năm nay tăng lên. Tuy vậy, việc giảm mạnh điểm chuẩn tới 16,25 điểm như trường hợp của Trường THPT Đoàn Kết là trường hợp cá biệt, thậm chí bất thường, rất cần những lý giải cụ thể và thuyết phục từ phía Sở GD&ĐT Hà Nội cho trường hợp này.
Thực tế cho thấy, việc Hà Nội quy định mức điểm chuẩn giữa các nguyện vọng 1 và 3 chênh nhau tới 2 điểm và học sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển rất dễ đẩy học sinh rơi vào tình huống có thể trượt hết các nguyện vọng nếu chiến thuật lựa chọn, đặt thứ tự nguyện vọng không hợp lý và thiếu một chút may mắn do tỷ lệ 'chọi' vào các trường THPT có sự biến động theo từng năm, rất khó lường.
Do đó, nhiều phụ huynh và giáo viên đã nhiều lần đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội nên xem xét tính đến việc cho học sinh được phép đổi nguyện vọng sau khi các trường công bố số lượng học sinh đăng ký hoặc sau khi thí sinh hoàn thành bài thi vào lớp 10 như cách mà một số địa phương đang làm để giảm bớt áp lực, căng thẳng cho học sinh. Bởi ngay cả trong xét tuyển đại học, từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT cũng đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, tăng cường đổi mới trong cách thức xét tuyển bằng cách cho phép học sinh được thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký nhằm tạo thuận lợi hơn các em. Và cách làm này đã hạn chế được tối đa tình trạng học sinh dù có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng vẫn trượt đại học như đã từng xảy ra ở các năm trước đó.
Chia sẻ với PV Báo CAND về đề xuất này, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên của tổ chức giáo dục FPT từng cho biết: Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành nên điều chỉnh quy chế tuyển sinh vào lớp 10 để trao quyền chủ động hơn cho thí sinh, giảm áp lực, giảm tỉ lệ thí sinh 'điểm cao mà vẫn trượt'. Cách thức đăng ký nguyện vọng trước và không thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm như hiện nay đang thể hiện sự bất cập, một trong những nguyên nhân gây tăng áp lực tuyển sinh vào 10, khiến việc đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 càng trở nên may rủi, nhiều thí sinh điểm cao có nguy cơ trượt công lập.
'Tôi không hiểu tại sao, bao năm nay Hà Nội cũng như nhiều địa phương vẫn duy trì cách thức này. Chúng ta hoàn toàn có thể để học sinh thi xong và đăng ký nguyện vọng vẫn theo phân khu vực như hiện tại. Lúc này phụ huynh và học sinh sẽ chủ động hơn rất nhiều, có cơ sở để đặt nguyện vọng cũng như có các phương án dự phòng, thí sinh ước tính được khả năng đỗ, trượt tốt hơn. Nếu tốt hơn nữa, Hà Nội có thể công bố phổ điểm thi 3 môn để từ đó, phụ huynh, học sinh có cái nhìn chính xác hơn, căn cứ tốt hơn cho việc đặt nguyện vọ thầy Hiền nêu quan điểm.