Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 cũng có một số thay đổi. Trong đó, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng trực tuyến trên hệ thống chung của Bộ GDĐT.
Mùa tuyển sinh năm nay, bên cạnh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, đa số các trường đều đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh riêng như: Xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển qua điểm thi đánh giá năng lực,…
Thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, hiện nay đang phát sinh một thực tế là có không ít thí sinh đã được các trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển và yêu cầu thí sinh phải đăng ký là nguyện vọng ưu tiên đầu tiên trên hệ thống thi chung.
Những yêu cầu này của các trường có sai tinh thần và nội dung của quy chế tuyển sinh? Phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT để làm rõ vấn đề này.
PV: Hiện nay có nhiều trường hợp đã được các trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển riêng. Tuy nhiên, các trường có lưu ý thí sinh, nếu không đăng ký là nguyện vọng 1 trên hệ thống chung của Bộ GDĐT thì được khuyến cáo “chưa chắc đã trúng tuyển”. Như vậy là đúng hay sai theo quy chế tuyển sinh, thưa ông?
TS Phạm Như Nghệ: Nguyên tắc của quá trình xử lý nguyện vọng chung là thí sinh sẽ trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển.
Nếu thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện và lựa chọn để ở nguyện vọng 1 thì đương nhiên sau khi xử lý nguyện vọng chung sẽ trúng tuyển, nhưng nếu thí sinh để ở nguyện vọng thứ n thì ở các nguyện vọng trước nguyện vọng n có thể đã có các nguyện vọng khác đủ điều kiện trúng tuyển và theo nguyên tắc trên thì nguyện vọng n sẽ không được xét đến nữa.
Như vậy, theo quy chế tuyển sinh, việc các trường khuyến cáo “chưa chắc đã trúng tuyển” là không sai vì thí sinh có thể đã trúng tuyển ở các nguyện vọng trước đó.
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT.
Ông hãy cho biết, trong trường hợp các thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào trường nhưng không đặt trường đó lên nguyện vọng 1, thành trượt nguyện vọng sẽ được xử lý như thế nào?
- Nếu trong danh sách đăng ký các nguyện vọng của thí sinh có đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện, mặc dù không phải là nguyện vọng 1 thì sau khi xử lý nguyện vọng chung thí sinh vẫn có thể trúng tuyển, khi các nguyện vọng trước đó không trúng tuyển.
Trường hợp thí sinh không đăng ký nguyện vọng nào trong số các nguyện vọng trúng tuyển có điều kiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh sẽ không trúng tuyển các nguyện vọng đã được xét tuyển sớm dù được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển.
Trường hợp các trường yêu cầu thí sinh bắt buộc phải đặt lựa chọn là nguyện vọng 1 mới trúng tuyển là sai tinh thần và nội dung của Quy chế tuyển sinh, sẽ cần được xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.
Vậy Bộ GDĐT có đưa công văn đề nghị, khuyến cáo gì với các trường lưu ý học sinh về việc đăng ký nguyện vọng trúng tuyển thành nguyện vọng 1 hay không, thưa ông?
- Về phía các cơ sở đào tạo, Bộ GDĐT đã và luôn chỉ đạo, hướng dẫn, truyền thông về việc phải thực hiện đúng quy chế tuyển sinh, đặc biệt đảm bảo nguyên tắc công bằng đối với thí sinh. Cụ thể:
Về cung cấp thông tin: Mỗi thí sinh quan tâm được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, tin cậy, nhất quán và kịp thời để có quyết định phù hợp và chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia tuyển sinh.
Về cơ hội dự tuyển: Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.
Về đánh giá năng lực: Thí sinh phải được đánh giá khách quan, công bằng và tin cậy về khả năng học tập và triển vọng thành công, đáp ứng yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo.
Về cơ hội trúng tuyển: Thí sinh phải được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những chương trình, ngành đào tạo đủ điều kiện trúng tuyển.
Về thực hiện cam kết: Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.
Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Theo kế hoạch, thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 22/7 đến 20/8. Ông có lưu ý gì với thí sinh để tăng cơ hội trúng tuyển?
- Thí sinh cần lưu ý, các em được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển và được điều chỉnh nguyện vọng trong mốc thời gian nêu trên. Việc sắp xếp thứ tự các nguyện vọng do thí sinh tự lựa chọn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Để tránh sai sót khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần thực hiện đúng, đủ, hết quy trình theo hướng dẫn và nộp lệ phí theo quy định; tránh nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển, giữa các mã ngành/nhóm ngành tuyển sinh; giữa các cơ sở đào tạo (đặc biệt là các cơ sở đào tạo có các phân hiệu, hay cơ sở đào tạo ngoài trụ sở chính), đặc biệt là phải kiểm tra các nguyện vọng xét tuyển và trúng tuyển có điều kiện đã được đăng ký chưa.
Sau khi đăng ký xét tuyển xong, thí sinh cần thoát khỏi hệ thống, đăng nhập lại, in danh sách các nguyện vọng đã đăng ký để kiểm tra, rà soát để đảm bảo các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã được cập nhật hợp lệ trên hệ thống.
Trân trọng cảm ơn ông!