Năm 2021, các trường đại học trên phạm vi cả nước thực hiện đa dạng phương thức tuyển sinh. Ảnh minh họa: Q.Anh
Có chứng chỉ ngoại ngữ là một lợi thế
Thời điểm này, nhiều trường đại học đã rục rịch công bố Đề án tuyển sinh năm 2021, trong đó bổ sung nhiều phương án tuyển sinh so với năm 2020. Theo ghi nhận, để giảm phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học áp dụng từ 4 - 6 phương thức tuyển sinh, đa số có xu hướng tổ chức kiểm tra riêng, xây dựng phương án tuyển sinh ưu tiên, tuyển thẳng những thí sinh trường chuyên, giỏi ngoại ngữ… Trong đó, phổ biến nhất là ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Cụ thể, tuyển sinh 2021, Trường ĐH Việt Đức sử dụng 3 phương thức xét tuyển. Đáng chú ý nhất là phương thức xét tuyển thẳng, trường sử dụng các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế, hoặc thí sinh đạt giải học sinh giỏi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia. Với tất cả các phương thức tuyển sinh, thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tương đương IELTS học thuật 5.0/TOEFL 42 (iBT) còn hiệu lực; hoặc đạt ít nhất 71 điểm trong bài thi tiếng Anh onSET; Đạt ít nhất 7,5 điểm bài thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia; Điểm trung bình môn tiếng Anh trong 3 năm THPT đạt ít nhất 7,5 điểm.
Đại học Công nghiệp TPHCM dự kiến xét tuyển năm 2021 với 4 phương thức, tổng chi tiêu nằm trong khoảng 7.000 - 8.000 thí sinh. Trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển chiếm 10% tổng chỉ tiêu, ngoài xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT còn ưu tiên cho học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải kỳ thi Olympic (môn đạt giải có trong tổ hợp xét tuyển), học sinh trường chuyên, lớp chuyên, có Chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc các Chứng chỉ quốc tế khác tương đương trong thời gian còn hiệu lực tính đến ngày 31/07/2021.
Theo đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021 của ĐH Thái Bình Dương, trường dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu của 8 ngành đại học theo 3 phương thức. Đáng chú ý, ở phương thức xét tuyển kết hợp học bạ THPT đạt từ 6,0 trở lên cộng với thành tích nổi bật của thí sinh, chiếm khoảng 9% chỉ tiêu. Thành tích nổi bật của thí sinh như: Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS 5.0, TOEFL iBT 55, TOEIC 550), hoặc đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh trở lên trong các kỳ thi (học sinh giỏi, Khoa học kỹ thuật, Olympic truyền thống 30/4)…
Chấp nhận kết quả kỳ thi quốc tế
Bên cạnh ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ, nhiều trường đại học cũng công nhận và sử dụng kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực quốc tế. ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức thi đánh giá năng lực, quy mô khoảng 10.000 thí sinh bên cạnh vẫn giữ các phương thức tuyển sinh truyền thống. Ngoài ra, trường vẫn xét tuyển theo phương thức khác như tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELST và tương đương, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, năm 2021 chỉ tiêu dự kiến của Trường là 7.000 thí sinh. Trường dự kiến tuyển sinh theo 3 hình thức. Trong đó, phương thức 1 xét tuyển thẳng (dự kiến 10 - 20% tổng chỉ tiêu) theo hồ sơ năng khiếu dành cho đối tượng là học sinh lớp chuyên, học lực giỏi; Xét tuyển thẳng vào tất cả các ngành/chương trình đào tạo đối với thí sinh có chứng chỉ ACT, SAT, A-level đạt ngưỡng quy định của Trường; Xét tuyển thẳng vào các ngành/chương trình Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương); Phương thức này sẽ được triển khai sớm, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra.
Trường ĐH Mở TPHCM năm 2021 thực hiện phương thức ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh: Có tổng điểm 26 trở lên ở bài thi tú tài quốc tế (IB) hoặc Chứng chỉ quốc tế A-level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge (Anh) theo điểm 3 môn thi (trở lên) đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ C trở lên. Hoặc thí sinh có kết quả kỳ thi SAT đạt từ 1.100/1.600. Cùng với đó, Trường tiếp tục thực hiện các phương thức xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và ưu tiên xét tuyển thẳng học bạ có kèm theo tiêu chí về ngoại ngữ.
Liên quan tới công tác tuyển sinh đại học năm 2021, tại cuộc họp Hội nghị trực tuyến Giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức vào cuối tháng 12/2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong 5 năm qua, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm đã được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, đúng hướng, giúp giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường. Thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng đáng kể cơ hội trúng tuyển. Năm 2021, các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh nên có nhiều hình thức thi, kiểm tra riêng. Bộ GD&ĐT lưu ý, các trường cần tăng cường công tác tư vấn truyền thông, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, sát thực, nhất quán đối với thí sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, tới đây, Cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp từng bước vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước. Nhằm tăng vai trò tự chủ và trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập. Khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung, tích hợp các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.