Trong những năm gần đây, khu vực phía đông Trung Quốc xuất hiện 'hôn nhân kiểu mới', mà theo đó sau khi làm đám cưới, cô dâu và chú rể vẫn có thể tiếp tục sinh sống cùng với bố mẹ đẻ của mình. Hai vợ chồng cùng nuôi hai con, nhưng một đứa trẻ sẽ được đăng ký khai sinh theo họ mẹ và đứa còn lại theo họ bố.
'Hôn nhân kiểu mới' sẽ giúp không gia đình bên nào phải trả tiền cho các món quà hứa hôn. Điều này hoàn toàn khác so với kiểu cưới xin truyền thống mà lâu nay người dân Trung Quốc thực hiện.
'Hôn nhân kiểu mới' tạo ra nhiều luồng ý kiến trong dư luận Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Điểm nhấn chính trong 'hôn nhân kiểu mới' là cặp đôi có thể có 2 con. Một đứa sẽ theo họ mẹ và đứa còn lại theo họ cha. Trong tương lai, quyền thừa kế tài sản gia đình sẽ căn cứ vào việc đứa trẻ được đặt tên theo họ mẹ hay bố.
'Hôn nhân kiểu mới' là loại hình đang được thực hiện rộng rãi ở các khu vực nông thôn ở tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, theo luật sư ở địa phương ông Du Peng.
Chia sẻ với tờ China Women hôm 20/12, ông Du nhận định 'hôn nhân kiểu mới' đáp ứng cả nhu cầu tài chính và cảm xúc, khi mà gánh nặng không nghiêng về nhà trai hay nhà gái quá nhiều.
Theo các nhà quan sát, sự xuất hiện của 'hôn nhân kiểu mới' chủ yếu xuất phát từ nhịp sống hiện đại quá gấp gáp trong cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Theo đó, các cặp vợ chồng trẻ không có nhiều thời gian để chăm sóc con cái, mà phụ thuộc vào sự hỗ trợ lớn của cha mẹ hai bên gia đình từ việc chăm bẵm cho tới giáo dục.
Trên thực tế, một số cặp vợ chồng mới cưới đã 'sướng từ trong trứng nước' nhờ được sinh ra trong các gia đình giàu có. Do đó, chuyện chăm lo cho cá nhân, họ cũng không thể làm được vì đã quá quen phụ thuộc vào bố mẹ đẻ. Những cặp đôi này thường có xu hướng chọn 'hôn nhân kiểu mới' để có thể duy trì mối quan hệ mật thiết với bố mẹ đẻ và dòng họ.
Một số ý kiến trên mạng xã hội của Trung Quốc còn gọi 'hôn nhân kiểu mới' là 'tân tiến và bình đẳng'. Theo họ, đây là giải pháp tuyệt vời đối với những gia đình chỉ có 1 con. Nhưng không ít người lại có ý kiến, việc áp dụng 'hôn nhân kiểu mới' sẽ đặt ra gánh nặng sinh con đối với người phụ nữ, cũng như làm nảy sinh những mối bất hòa giữa họ nội và họ ngoại.
'Ý tưởng xây dựng cuộc hôn nhân hiện đại như trên là tiền đề buộc người vợ phải sinh 2 con. Đây là sức ép 'vô hình' buộc người phụ nữ sinh thêm con. Trong khi, vấn đề này thường bị mọi người bỏ qua', một cư dân mạng Trung Quốc viết.
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 21/12, một người đàn ông họ Xu sinh sống ở thành phố Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang cho biết, anh và vợ đã thực hiện 'hôn nhân kiểu mới'. Nhưng sau 7 năm kết hôn, họ đang trong giai đoạn chuẩn bị ly hôn.
'Vợ tôi chỉ quan tâm tới mỗi đứa con được đặt theo họ của cô ấy, điều này không công bằng đối với đứa trẻ mang họ của tôi', anh Xu nói.
Trong khi đó, gia đình vợ của anh Xu cho hay, khi thực hiện 'hôn nhân kiểu mới', anh Xu không phải gánh vác vấn đề kinh tế lo cho cả gia đình. Bản thân anh Xu cũng chưa bao giờ lao động hết mình kể từ ngày hai vợ chồng kết hôn. Và hai đứa con của anh Xu hoàn toàn do ông bà bên nội cùng vợ chăm sóc.
Chuyên gia bình đẳng giới Luo Ruixue cho rằng, dù 'hôn nhân kiểu mới' vẫn có những mặt thất bại, nhưng nhìn chung nó đã đáp ứng được xu thế của thời đại.
'Hôn nhân kiểu mới đã phá bỏ tư tưởng phổ biến lâu nay rằng, đàn ông là trụ cột của gia đình theo lối suy nghĩ của hôn nhân truyền thống', chuyên gia Luo chia sẻ.