'Các cháu không đứa nào biết mặt mẹ, đều gọi chúng tôi là bố mẹ'
Tại ngôi nhà hơn 10m2, xây 3 tầng lúc này chỉ có ông Đinh Văn Vượng (ông ngoại của bé) đang chăm sóc giỗ dành và cho bé T.A uống thuốc như một người cha nuôi con mọn.
Xung quanh là 3 đứa trẻ khác cũng là con của chị Đinh Thị H. (con gái ông Vượng) lần lượt là chị em ruột của bé T.A (mẹ của các bé hiện đang bị tạm giam).
Lúc này mới chỉ có cháu A - chị cả của T.A đã 13 tuổi nên đủ khôn lớn để phụ giúp 'bố' chăm các em, còn hai cháu trai nữa thì vẫn hồn nhiên, tíu tít với các thứ đồ chơi trong nhà.
Ông Vượng đang tra cho cháu T.A uống thuốc.
Theo ông Vượng, từ nhiều năm nay sống trong ngôi nhà này chỉ có vợ chồng ông và 3 đứa cháu ngoại sinh sống, còn người con trai 27 tuổi đi làm xa thỉnh thoảng mới về.
Dù về đây sinh sống được một thời gian khá lâu nhưng do có phần 'mặc cảm' vì hoàn cảnh, nên gia đình ông Vượng chỉ sống khép kín, không quan hệ với bên ngoài.
Kể từ khi cháu T.A được cơ quan chức năng giao cho ông bà chăm sóc, cuộc sống gia đình ông Vượng bị xáo trộn do liên tục có người ra vào thăm hỏi…
Ông Vượng chia sẻ: 'Tất cả mấy đứa nhỏ này đều chẳng biết mặt mẹ. Vợ chồng tôi nuôi chúng từ lúc đỏ hỏn đến giờ nên chúng đều gọi vợ chồng tôi là bố mẹ. Từ hôm cháu T.A được tạm giao cho chúng tôi về đây nuôi, lúc nào ngôi nhà tôi cũng có người ra vào, điện thoại thì liên tục bận. Người thì thăm hỏi, người thì vì công tác xã hội hoặc chính quyền đến để làm việc'.
Những vết thương do bị bạo hành của bé T.A giờ đã dần xóa mờ.
Nói rồi ông chia sẻ về cuộc sống mới của bé T.A: 'Hai hôm đầu đưa về đây, nó vẫn hoảng loạn, bất cứ ai đến gần là thằng bé quay mặt đi ôm chặt lấy ông bà hoặc đứa chị của nó. Khi nào khóc và mệt thì nó mới chịu nằm thiếp đi. Còn thuốc thang, ăn uống chăm sóc cho cháu hàng ngày, tôi đều làm theo sự hướng dẫn của các bác sĩ'.
Tương lai mù mịt
Chia sẻ thêm về cuộc sống, ông Vượng rướm mắt nói lên suy nghĩ tương lai của bé T.A và các anh chị em của bé: 'Hiện tại trên danh nghĩa thì vợ chồng tôi được cơ quan chức năng tạm giao cháu T.A về nuôi, mọi thủ tục còn phải chờ. Tôi mong muốn nhanh chóng có pháp lý, danh chính ngôn thuận để an tâm nuôi dưỡng cháu và để cháu còn có giấy khai sinh, được nhập khẩu… sau này cháu còn được đi học như bao đứa trẻ khác'.
Ông Vượng cũng tự hào cho biết: 'Bằng này đứa, vợ chồng tôi đều nuôi nấng, cho đi học nhưng được cái là các cháu đều ngoan và học giỏi'.
Rồi ông Vượng lại chỉ tay lên phía bộ loa đài và trải lòng: 'Nhà tôi có vẻ sáng sạch thế này, nhưng chỉ có bộ loa đài là có giá trị, còn cái tivi thì mua khuyến mại. Thỉnh thoảng thằng con đi làm xa về còn có cái mà nghe nhạc. Hôm vừa rồi tôi gọi thợ vào họ trả giá có 800.000 đồng, nghĩ chẳng giải quyết được gì bằng số tiền đó nên cứ để đó thôi.'
Các đứa cháu đều gọi ông bà ngoại bằng 'bố mẹ' rất ngoan và học giỏi.
Ông lại rướm nước mắt với vẻ đầy lòng chắc ẩn: 'Nói thật lòng, các cháu hiện giờ đang sống nhờ bằng của ‘bố thí' từ họ hàng, mỗi người giúp một chút. Lương hưu của tôi hơn 3 triệu, vợ tôi đi rửa bát thuê có được đồng nào đều đổ vào các cháu. Nhưng được cái là thằng cậu (con trai ông) làm nghề du lịch, nay đây mai đó thi thoảng mới về cũng góp chút nuôi các cháu. Dù đã 27 tuổi nhưng không chịu lấy vợ, có lẽ vì nó nghĩ về hoàn cảnh gia đình nhà tôi nên chưa dám có người yêu'.
Người cha bất đắc dĩ cũng không ngần ngại nói thêm về cuộc sống đầy khó khăn của mình: 'Cuộc sống của vợ chồng tôi bây giờ đã quá bi đát rồi, nhất là từ khi bé T.A về đây, hàng ngày phải bận rộn lo cho cháu ăn và thuốc thang. Nhưng không vì vậy mà chúng tôi nản lòng, tôi quyết tâm chăm sóc cho cháu được tốt nhất để cháu trưởng thành như những đứa trẻ khác'.
Cũng theo ông Vượng, kể từ hôm bé T.A được đưa về gia đình chăm sóc, chị Hằng – người ban đầu đưa bé đến BV Nhi Trung ương cấp cứu rồi bỏ đi, đã thường xuyên đến thăm hỏi bé. Còn phía gia đình 'nội' của bé tuyệt nhiên không có ai đến thăm, có lẽ vì cháu T.A được sinh ra trong hoàn cảnh quá 'đặc biệt'.
Trước đó, Chiều 3/8, cháu Trần T.A được chị Nguyễn Thanh Hằng (SN 1978, trú tại phố Yên Phụ, quận Ba Đình) đưa vào BV Xanh Pôn cấp cứu trong tình trạng nhiều vết thương tích trên khắp cơ thể rồi bỏ đi.
Sau đó, cơ quan Công an đã triệu tập chị Hằng và chị này đã khai nhận được bạn nhờ nuôi hộ cháu T.A nhưng phủ nhận những vết thương trên người cháu do mình gây ra.
Từ lời khai ban đầu của những người liên quan, cơ quan Công an đã xác minh, làm rõ, mẹ của cháu T.A là Đinh Lan H. (SN 1983, HKTT ở phố Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm).
Tại buổi tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Anh (58 tuổi, ở An Dương, Tây Hồ, Hà Nội) – mẹ đẻ anh Trần Hồng T. cho biết: 'Năm 2015 con tôi đi tù (vì đánh nhau), lúc đó H. có nói rằng có thai với T. tôi cũng chỉ biết vậy thôi. Hiện tại, nếu tính ra chính xác thì cháu T.A thiếu 1 tháng nữa mới được 1 tuổi. Bởi vậy, tôi vẫn đang phân vân 50-50 chưa biết có phải cháu nội của mình thật không. Nếu thử ADN đúng là cháu tôi, tôi sẵn sàng nhận về nuôi', bà Anh nói.
Đến chiều 10/8, cháu T. T. A sau gần 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ổn định, sức khỏe tốt và được xuất viện, phía bệnh viện cùng cơ quan chức năng đã tạm giao cho ông bà ngoại cháu đưa về chăm sóc.
Gia đình ông Vượng mong cơ quan chức năng sớm hoàn tất thủ tục pháp lý để bé T.A chính thức trở thành thành viên trong gia đình.
Tương lai của 4 bé nhỏ sẽ còn rất dài, chắc chắn cuộc sống của các bé cần phải nương nhờ vào đôi vợ chồng già chư biết khi nào mới vượt qua được khó khăn. Quý độc giả có lòng hảo tâm giúp cho các bé có được điều kiện và cuộc sống như các bạn đồng lứa.
Xin vui quý vị lòng liên hệ trực tiếp với ông Đinh Văn Vượng theo số điện thoại: 091.330.9059.
Hoặc ủng hộ vào tài khoản: 1420208019546 - Ngân hàng Agribank- Ông Đinh Văn Vượng.