Đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết
Thời gian gần đây, thông qua mạng xã hội Facebook, PV ĐS&PL được 1 tài khoản có tên 'Phar Tee Marh' kết bạn, làm quen. Người này giới thiệu mình là phụ nữ, đến từ nước Úc và có chồng là người Việt Nam.
Theo Phar Tee Marh, sau khi kết hôn, người chồng qua Úc sinh sống cùng với bà này và gia đình tại thành phố Sydney. Tháng 8/2018, sau khi chồng mất vì tai nạn, người phụ nữ này sống một mình tại quê nhà.
Không lâu sau đó, bà này mắc một số căn bệnh hiểm nghèo như tiểu đường, u xơ, phải nhập viện điều trị và tình trạng sức khỏe ngày càng yếu. Các bác sĩ thông báo, cuộc sống của bà ta chỉ có thể kéo dài trong vài tháng.
Trước khi chết, người chồng có để lại cho Phar Tee Marh một số tiền rất lớn tại ngân hàng và tâm nguyện của ông này là sẽ dùng số tiền ấy để làm công tác từ thiện ở Việt Nam. Và PV 'vinh dự' là người được bà ta lựa chọn để thực hiện 'dự án' từ thiện tại quê hương theo di nguyện của chồng.
Nhận thấy đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để 'bóc trần' sự thật, PV tiếp tục vào vai 'con mồi' đã cắn câu, nhiệt tình trò chuyện với người phụ nữ này với hi vọng sớm nhận được số tiền 'khủng' trên.
Để tạo lòng tin, người phụ nữ bắt PV nhiều lần 'thề thốt' sẽ sử dụng số tiền này làm công tác từ thiện cho những người nghèo, người ăn xin, những hoàn cảnh bất hạnh … trên khắp đất nước.
Sau khi thấy 'con mồi' đã cắn câu, Phar Tee Marh yêu cầu PV gửi số tài khoản ngân hàng, họ và tên, địa chỉ, số điện thoại… để bà ta ủy quyền làm thủ tục chuyển tiền về Việt Nam. Số tiền người phụ nữ này dự định sẽ chuyển về cho PV làm từ thiện là 925.000 USD, tương đương gần 22 tỷ đồng.
'Tôi muốn bạn gửi cho tôi dữ liệu cá nhân của bạn như tên đầy đủ của bạn, địa chỉ đầy đủ, số điện thoại, hình ảnh của bạn và cho tôi biết loại công việc bạn đang làm hiện tại. Hãy giữ bí mật, đừng nói cho ai biết về số tiền này cho đến khi bạn nhận tiền và đây là địa chỉ của tôi: 50 Kepnock Road, Bundaberg Qld 4670' – Tài khoản Phar Tee Marh yêu cầu PV cung cấp thông tin cá nhân.
Sau khi gửi các thông tin theo yêu cầu, PV được người phụ nữ trên thông báo, sẽ nhờ cơ trưởng chuyến bay của 1 hãng hàng không quốc tế 'xách tay' tiền về Việt Nam theo đường ngoại giao. Để khiến PV tin, Phar Tee Marh thông báo, PV sẽ được sử dụng 20% trong số tiền gần 1 triệu USD để phục vụ cho nhu cầu cá nhân vì đã bỏ ra nhiều công sức, thời gian để làm từ thiện.
'Bạn sẽ lấy 20% tổng số tiền cho việc sử dụng cá nhân của bạn. Bởi vì tôi biết rằng dự án sẽ gây cho bạn một số căng thẳng, sau đó sử dụng 80% còn lại cho công việc từ thiện. Chúa sẽ phù hộ cho bạn và gia đình bạn' – Một chiêu trò đánh vào lòng tham và sự cả tin của người khác.
Đây là hình ảnh kèm theo thông tin mà Phar Tee Marh gửi cho PV kèm theo lời nhắn số tiền 1 triệu USD đã được cho vào két sắt để gửi bằng đường ngoại giao từ Úc đến Việt Nam
Kế hoạch bài bản, chuyên nghiệp của kẻ lừa đảo!
Khi thấy con mồi đã chắc chắn 'cắn câu', người phụ nữ kia mới bắt đầu giở chiêu trò moi tiền của PV. Theo bà ta, gần 1 triệu USD là số tiền quá lớn, để tránh bị chính phủ nước sở tại quy kết tội rửa tiền, tiền sẽ được cho vào két sắt, chuyển qua con đường ngoại giao tới Việt Nam cho PV.
Tuy nhiên, để việc giao dịch diễn ra thuận lợi, PV phải chi trả phí mua 'Giấy chứng nhận xuyên biên giới'. Số tiền để mua 'tấm giấy thông hành' này là 1.000 USD, tương đương 24 triệu đồng.
'Tôi được cho biết rằng, tài liệu chứng nhận xuyên biên giới sẽ chỉ gây ra (1000 USD đến VND = 24 triệu đồng). Chi phí của 1 chứng chỉ xuyên biên giới là cao. Bởi vì hành lý của tôi chứa tiền. Do đó, bạn nên trả tiền cho mỗi lần kiểm tra và tránh việc kiểm tra hành lý của cơ quan chức năng Việt Nam. Sau khi bạn trả phí xuất nhập cảnh, bạn sẽ bàn giao Giấy chứng nhận xuyên biên giới cho đại lý để anh ta có thể hoàn thành hành trình đến địa chỉ nhà của bạn' – Thêm 1 tin nhắn thuyết phục PV chuyển tiền từ Phar Tee Marh.
Sáng hôm sau, PV nhận được cuộc điện thoại từ số máy '843849011373'. Bên kia đầu dây, 1 người phụ nữ giới thiệu tên là Trang, hiện đang công tác tại Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất. Người này giới thiệu, mình đang giữ bưu kiện của PV từ London (Anh) chuyển về.
Nếu muốn nhận kiện hàng trên, PV phải thanh toán số tiền 24 triệu đồng phí thông hành trước 15h cùng ngày. Hình thức thanh toán là chuyển khoản vào số tài khoản sẽ được gửi vào số điện thoại của PV sau khi cuộc gọi kết thúc.
Không lâu sau đó, PV nhận được tin nhắn từ số 843849011373 đề nghị chuyển tiền vào số tài khoản: 1903577444xxx, chủ tài khoản là Nguyễn Thị Tuyết Ng., ngân hàng Tecbank TP.Hồ Chí Minh.
Cắt ghép hoặc sử dụng hình ảnh của các phi công đăng tải trên Facebook cá nhân để lừa đảo các nạn nhân thiếu hiếu biết, nhưng lại hám lợi.
Sau 15h cùng ngày, không thấy PV chuyển tiền, tài khoản Phar Tee Marh tiếp tục nhắn tin hỏi thăm, hối thúc thanh toán 24 triệu đồng mua 'Giấy chứng nhận xuyên biên giới' để đại lý sớm chuyển số tiền 1 triệu USD tới tận nhà.
PV viện lý do đang khó khăn về kinh tế, phải có thời gian vay mượn tiền từ người thân thì Phar Tee Marh tiếp tục có những lời chia sẻ, động viên là sau khi nhận được tiền từ thiện mọi khó khăn sẽ được giải quyết. Bà ta mong muốn 'con mồi' nhanh chóng thanh toán phí để sớm nhận được gần 1 triệu USD từ người vận chuyển.
Xác định đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, PV đã liên hệ với phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa để trình báo sự việc. Một lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự nhận định, đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị PV không chuyển tiền vào số tài khoản trên.
Hình ảnh đối tượng lừa đảo gửi cho PV để chứng minh mình đang bị bệnh hiểm nghèo và muốn dành gần 1 triệu USD để làm từ thiện
PV đã cung cấp đầy đủ thông tin về vụ lừa đảo cho Công an tỉnh Thanh Hóa phục vụ công tác điều tra.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Bùi Lê Hùng – Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Tân Sân Nhất cho biết: 'Tôi có thể khẳng định với anh luôn đây là lừa đảo. Hải quan không bao giờ có chuyện như vậy. Nếu có trường hợp như vậy, nhờ anh phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết. Tất cả là lừa đảo hết'.