Ngày 3/7, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên họp sơ thẩm xem xét đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm bà khỏi vị trí người đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) hồi đầu năm 2016.
Phiên họp do thẩm phán Thái Thị Hữu Xuân làm chủ tọa. Viện KSND tỉnh Bình Dương tham gia phiên họp là ông Trần Văn Bé. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) liên quan tới phiên xử trong vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Giám định tài liệu của Trung Nguyên
Theo nội dung vụ kiện, hồi tháng 11/2015, Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) bãi nhiệm chức Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Đến tháng 3/2016, Trung Nguyên IC tổ chức họp Hội đồng quản trị tiếp tục bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của bà Thảo tại công ty này.
Ngày 21/4/2016, Trung Nguyên IC làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để thay đổi nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 8 từ bà Thảo sang ông Vũ. Không đồng ý, bà Thảo kiện ra TAND tỉnh Bình Dương, yêu cầu hủy bỏ quyết định của Trung Nguyên IC vì cho là trái pháp luật và điều lệ công ty.
Ngày 22/7/2016, TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do cần đợi kết quả giải quyết vụ án hành chính của TAND tỉnh Bình Dương về việc yêu cầu hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
Ngày 30/10/2017, TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án. Bởi TAND Cấp cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm vụ án hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
Ngày 10/11/2017, tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, tòa buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ và công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên chưa áp dụng giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương cấp cho công ty công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên về việc thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Cụ thể, sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) và công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên tiến hành khiếu nại quyết định trên của tòa. Sau khi xem xét yêu cầu của ông Vũ và những người liên quan thì tòa ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Hồi cuối năm ngoái, TAND tỉnh Bình Dương tạm ngưng giải quyết vụ việc, theo đề nghị của bà Thảo, để giám định một số tài liệu bị cho là có dấu hiệu làm giả.
Theo bà Thảo, biên bản họp và quyết định của đại hội đồng cổ đông TNG ủy quyền cho ông Vũ đại diện toàn bộ phần vốn góp tại Trung Nguyên IC (tháng 11/2011) bị làm giả. Việc này nhằm thay đổi người quản lý điều hành tại Trung Nguyên IC, đặc biệt là Nhà máy cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương.
Quan điểm trái ngược của ông Vũ, bà Thảo
Kết luận giám định cho thấy, các chữ 'Công ty CP cà phê Trung Nguyên' dòng chữ in thứ 10 từ trên xuống, trên 1 trang tài liệu có dấu vết cắt ghép. Tuy nhiên, Viện Khoa học Hình sự cho rằng không đủ cơ sở xác định tài liệu này được cắt ghép như thế nào.
Trong đơn gửi đến tòa, ông Vũ cho rằng, những tài liệu giám định bị cho là có dấu hiệu cắt ghép, chỉnh sửa về ngày tháng là do bà Thảo nhân danh Trung Nguyên IC cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương hồi năm 2012. Bà Thảo đã thông tin sai sự thật, dùng tài liệu này vu cáo cho Trung Nguyên làm giả.
Ông còn cho rằng, theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty, bà Thảo không có quyền yêu cầu tòa hủy các quyết định của đại hội đồng cổ đông và HĐQT Trung Nguyên IC, bởi chỉ sở hữu 5% cổ phần tại công ty này. Từ đó, ông đề nghị tòa đình chỉ yêu cầu của bà Thảo.
Trong khi đó, trước khi phiên xử diễn ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo công bố các kết luận của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công An) và khẳng định: 'Một thành viên trong nhóm thao túng đã cung cấp bộ hồ sơ giả mạo này để lập ra Giấy đăng ký kinh doanh lần 8 trái pháp luật, cướp tài sản của tôi tại Trung Nguyên IC'.
'Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 8 sai trái ra đời sau khi các biện pháp khẩn cấp tạm thời được ban hành nhằm để bảo vệ tài sản của vợ chồng tôi tại Trung Nguyên, thế nhưng đột ngột bị hủy bỏ vào tháng 1/2016 và từ đó đã gây hậu quả quá lớn cho Trung Nguyên IC, châm ngòi cho các tranh chấp tại Trung Nguyên lên cao.
Đây là mục đích của nhóm thao túng để hãm hại vợ chồng tôi và Trung Nguyên', bà Thảo nói.
Bà Thảo cũng cho biết đã đề nghị Tòa án tỉnh Bình Dương chuyển toàn bộ hồ sơ giả mạo sang cơ quan công an để điều tra làm rõ việc giả mạo theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, bà này cũng đề nghị Tòa án hủy bỏ các quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà tại Trung Nguyên IC và khôi phục lại giấy đăng ký kinh doanh lần 7 mà bà là người đại diện theo pháp luật tại công ty này.
Liên quan việc tranh chấp các quyền và lợi ích của bà Thảo và ông Vũ tại Trung Nguyên, các cơ quan tố tụng đã và đang giải quyết tổng cộng 19 vụ kiện khác nhau.