11:35: Một số hình ảnh hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 từ trên cao
10 giờ 44 phút, sau khi đi thị sát kiểm tra và cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3, Phó Tư lệnh quân chủng phòng không không quân, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn đã gọi về Bộ Tư lệnh báo cáo tình hình.
Trả lời PLO, Tướng Sơn cho biết là khi bay vào khu vực hiện trường thì đã thấy người trong khu vực thủy điện. Trực thăng tiếp cận khoảng 30 mét và thả một số nhu yếu phẩm, hàng hóa y tế cho những người đang mắc kẹt.
Khu vực này là hẻm núi, tầm nhìn hạn chế, đang có sương mù.
Ngoài ra khu vực này bị sạt lở rất nghiêm trọng, kéo dài. 'Hiện nay chúng tôi huy động nhiều lực lượng cùng tham gia cứu hộ', Tướng Sơn nói.
Một trực thăng khác cũng đang chuyển hàng để tiếp tục di chuyển lên thủy điện Rào Trăng 3.
Phó Tư lệnh quân chủng phòng không không quân, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn cùng các chiến sĩ chuyển nhu yếu phẩm cho các công nhân (Ảnh: PLO)
Hiện trường Rào Trăng 3 (Ảnh: PLO)
11:23: Chia nhiều hướng tiếp cận cứu hộ 30 người ở thủy điện Rào Trăng 3
Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã chia thành hai hướng đường thủy và đường bộ tiến vào khu vực sạt lở để đưa những người bị thương và thi thể nạn nhân vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 ra ngoài.
Hướng đường bộ tiến theo đường 71 đã được khai thông cơ bản, đến gần vị trí xác định có thi thể các nạn nhân và người bị thương để đưa ra ngoài. Sáng 14-10, thời tiết tại hiện trường tương đối thuận lợi, các xe ôtô của đoàn cứu hộ có thể di chuyển để tiếp cận hiện trường.
Hướng đường thủy do lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai, sử dụng xuồng và ca-nô vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Điền tại xã Hương Bình, huyện Phong Điền để vận chuyển hàng hóa cho công nhân đang tập trung ở thủy điện Rào Trăng 4 và triển khai đưa những người mắc kẹt tại đây ra ngoài.
10:50: Các lực lượng cứu hộ lên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 cứu người
Lúc 10 giờ 20 phút, một đoàn xe quân sự nối đuôi nhau rẽ vào tuyến đường dẫn đến thủy điện Rào Trăng 3, thủy điện Rào Trăng 4.
Cả 2 chiếc trực thăng đã xuất hiện trên bầu trời khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3
Trước đó, 9 giờ 30 phút ngày 14-10, một chiếc trực trăng có mặt tại xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và đang bay về hướng thủy điện Rào Trăng 3, nơi có nhiều người đang mất tích.
Ngày 14-10, trên địa bàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã hết mưa, sự cố lưới điện vẫn chưa khắc phục được. Lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương tiếp cận khu vực những người mất tích khi tham gia cứu hộ và nhóm công nhân gặp nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, Thừa Thiên - Huế). Trong khi đó, nhiều gia đình công nhân đang lo lắng ngóng trông tin tức. Tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại UBND xã Phong Xuân có rất đông lực lượng chức năng và phương tiện vào ra.
10:28: Cân nhắc sử dụng trực thăng tìm kiếm cứu nạn vì tầm nhìn hạn chế
Sáng 14-10, tại Sở chỉ huy tiền phương đã diễn ra cuộc họp nhanh. Tại cuộc họp phương án sử dụng máy bay trực thăng và chó nghiệp vụ được đưa ra với hy vọng nhanh chóng tiếp cận được khu vực bị nạn.
Trực thăng bay trên bầu trời vùng cứu hộ (Ảnh: Tuổi trẻ)
Dù máy bay trực thăng đã có mặt tại sân bay Phú Bài nhưng do trời ở vùng núi Phong Xuân đang có sương mù nên phương án sử dụng máy bay trực thăng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Tất cả lực lượng tập kết ở trung tâm chỉ huy tiền phương chờ lệnh lên đường (Ảnh: Tuổi trẻ)
Theo đó, Sở chỉ huy đã xây dựng phương án tìm kiếm 30 người mất tích, trong đó có 13 cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng tinh nhuệ của quân đội với sự giúp đỡ của người dân đi rừng ở địa phương thông thạo đường sá đã lên đường vào hiện trường.
Mục tiêu được đưa ra là tranh thủ thời tiết đã tạnh mưa, các lực lượng nhanh chóng khơi thông các điểm sạt lở đến tiến hành về hiện trường nơi có 13 người bị nạn trong sáng nay.
10:00: Phó Tư lệnh Không quân tham gia cứu hộ ở Huế
Từ hôm qua (13-10), hai máy bay trực thăng của sư đoàn 372 đã bay từ Đà Nẵng ra Huế để tham gia công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tại Thừa Thiên - Huế. Hai trực thăng đã có mặt tại sân bay Phú Bài sẵn sàng chờ lệnh.
Trực thăng Sư đoàn 372 chuẩn bị cất cánh cứu hộ (Ảnh: PLO)
Đến sáng 14-10, mọi công tác chuẩn bị cho chuyến bay đã được Sư đoàn 372 chuẩn bị sẵn sàng. Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân Phạm Trường Sơn đã có mặt tại sân bay Phú Bài để trực tiếp chỉ đạo.
Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân Phạm Trường Sơn đã có mặt tại sân bay Phú Bài để trực tiếp chỉ đạo (Ảnh: PLO)
Các lực lượng tiền trạm của Sư đoàn 372 do Đại tá Vũ Hồng Sơn (Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 372) đã có mặt trực tiếp tổng chỉ huy tại Bộ chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn đặt tại khu vực xã Phong Xuân để trực tiếp thị sát tình hình, chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3.
Ngoài công tác tìm kiếm cứu hộ, lực lượng Sư đoàn 372 dự kiến còn bay cứu trợ lương thực cho khu vực đồng bào bị lũ lụt nghiêm trọng, cô lập ở Huế và tỉnh Quảng Trị.
09:55: Sự cố thủy điện Rào Trăng 3: Quân đội chủ trì việc giải cứu, đang mở đường vào hiện trường tìm 30 người mất tích
Sáng 14/10, hàng trăm lực lượng chức năng cùng phương tiện, thiết bị tiếp tục tiến về khu vực các nhà máy thuỷ điện Rào Trăng để cứu hộ cứu nạn. Toàn bộ kế hoạch này do quân đội chủ trì.
Theo thông tin ban đầu, tổng số người đang bị mất liên lạc hiện nay liên quan đến sự cố thuỷ điện Rào Trăng 3 là 30 người. Trong số đó, sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 công nhân mất tích.
Ngoài ra, 13 người là thành viên đoàn cán bộ cứu hộ thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, chiến sĩ quân đội hiện tại vẫn chưa liên lạc được.
Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại khu vực các nhà máy thủy điện trên sông Rào Trăng và đường 71 tỉnh Thừa Thiên - Huế do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 làm Trưởng ban và ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế làm Phó Trưởng ban.