Gitanjali Rao, sinh năm 2005, hiện đang sống ở bang Colorado (Mỹ). Tuy mới 15 tuổi nhưng cô bé đã là một nhà khoa học và phát minh trẻ xuất sắc. Mới đây, Rao được tạp chí TIME vinh danh là 'Thiếu niên của năm' nhờ nhiều phát minh.
Cụ thể Rao đã phát minh ra công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thiết bị xác định chì trong nước uống, một ứng dụng và tiện ích mở rộng của Chrome sử dụng trí thông minh nhân tạo để phát hiện bắt nạt trên mạng.
Được biết tạp chí Time chọn Rao từ 5.000 ứng viên người Mỹ có độ tuổi từ 8-16. Một ủy ban thanh thiếu niên đã chọn ra 5 người vào chung kết trong chương trình do diễn viên hài kiêm người dẫn Trevor Noah chủ trì. Cô bé và 4 thí sinh còn lại sẽ được vinh danh trong chương trình truyền hình đặc biệt vào thứ 6 tuần sau.
Mới đây, Rao đã có cuộc phóng vấn trực tuyến trên phần mềm Zoom với diễn viênAngelina Jolie. Cô bé 15 tuổi nói về phương châm sống của mình. Đó là 'quan sát, động não, nghiên cứu, xây dựng và giao tiếp'. Rao cũng chia sẻ về các công việc đáng kinh ngạc mà bản thân đã làm từ khi còn bé.
Bên cạnh đó, cô gái 15 tuổi cũng nhận sứ mệnh của mình là tạo ra một cộng đồng bao gồm các nhà đổi mới trẻ tuổi để giải quyết các vấn đề trên toàn thế giới.
Trong suốt cuộc trò chuyện, sự thông tuệ, tinh thần hào phóng của Rao đã tỏa sáng cùng với thông điệp gửi đến những người trẻ tuổi khác: Đừng cố gắng khắc phục mọi vấn đề, bạn chỉ nên tập trung vào một vấn đề khiến bạn thích thú. 'Nếu tôi có thể làm được thì ai cũng có thể làm được', Rao nói.
Nhà khoa học và phát minh trẻ xuất sắc, Gitanjali Rao, đã được Tạp chí TIME bình chọn là người có sức ảnh hưởng tích cực nhất trong năm 2020.
Cuộc trò chuyện giữa diễn viên Angelina Jolie và Gitanjali Rao - nhà khoa học và phát minh trẻ xuất sắc:
Angelina Jolie: Con biết khoa học là niềm đam mê của mình từ khi nào?
Gitanjali Rao: Con không thể xác định được thời gian cụ thể. Con vốn là người luôn muốn nhìn người khác tươi cười, và đó đã trở thành mục tiêu hàng ngày của con. Đơn giản là làm cho ai đó hạnh phúc. Rồi sau đó, con nghĩ đến việc làm thế nào để chúng ta có thể mang lại sự tích cực đến cho cộng đồng nơi mình đang sống.
Đến khi con học lớp 2, lớp 3 thì con bắt đầu nghĩ về cách sử dụng khoa học công nghệ để thay đổi xã hội. Lên 10 tuổi, con nói với bố mẹ rằng con muốn nghiên cứu công nghệ cảm biến ống nano carbon tại phòng nghiên cứu chất lượng nước Denver. Lúc đó, mẹ con đã kinh ngạc hét lên 'A, cái gì?'.
Angelina Jolie: Cô thích điều đó. Cô còn biết được một trong số những cải tiến mới nhất của con là giúp ngăn chặn đe dọa trực tuyến. Con có thể chia sẻ thêm về điều này được không?
Gitanjali Rao: Đó là một ứng dụng có tên Kindly. Nó có thể phát hiện bắt nạt trên mạng ở giai đoạn đầu dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. Con đã viết mã cho một số từ được coi là bắt nạt, sau đó, con lấy những mã đó là cơ sở để ứng dụng xác định thêm những từ tương tự. Khi một người nào đó sử dụng những từ hoặc cụm từ này trên mạng, Kindly sẽ nhận ra đó là hành vi bắt nạt và nó cung cấp cho họ những từ hoặc cụm từ khác thay thế.
Mục đích của ứng dụng không phải là trừng phạt. Thay vào đó, nó cho bạn cơ hội để suy nghĩ lại những gì bạn đang nói để bạn biết phải làm gì vào lần sau.
Angelina Jolie: Vậy là chỉ cần tải ứng dụng này về điện thoại hoặc máy tính là dùng được phải không Rao?
Gitanjali Rao: Vâng ạ. Con cũng đã đưa ra một cuộc khảo sát cho phụ huynh, giáo viên và học sinh, và con thực sự mong muốn rằng học sinh không muốn bị quản lý quá chặt.
Angelina Jolie: Đúng vậy. Các con của cô thường nói 'Mẹ đừng chạm vào điện thoại của con, con sẽ tự làm'.
Gitanjali Rao: Vâng ạ. Đó chính xác là những gì con muốn làm. Nhiều bạn nói với con rằng họ rất vui khi không bị quản lý quá chặt bởi cha mẹ hay thầy cô và họ đã học được nhiều điều từ sự thất bại của mình. Từ đó, họ hiểu mục tiêu của mình là gì.
Angelina Jolie: Có vẻ như con đang nói về công nghệ như một công cụ để nhắc nhở mọi người và giúp họ phát triển theo một cách mới lạ và khác biệt. Thật thú vị khi có một nhà phát minh trẻ là phụ nữ có tư duy tiến bộ như vậy. Cô thật sự tự hào về con. Cô biết phụ nữ là người giỏi giang nhưng riêng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thì họ lại chiếm quá ít.
Gitanjali Rao: Con không giống như một nhà khoa học mà mọi người vẫn biết. Con thường thấy trên tivi các nhà khoa học luôn là những người lớn tuổi và da trắng. Thật kỳ lạ khi mọi người phân công vai trò của một người dựa trên giới tính, tuổi tác và màu da của họ. Mục tiêu của con là không chỉ tạo ra các thiết bị của riêng mình để giải quyết các vấn đề của thế giới, mà còn truyền cảm hứng cho những người khác cũng làm như vậy. Từ kinh nghiệm cá nhân, con biết thật không dễ dàng gì khi bản thân khác biệt với mọi người. Vì vậy, con thực sự muốn đưa ra thông điệp: Nếu tôi có thể làm được, bạn cũng có thể làm được và bất cứ ai cũng có thể làm được.
Angelina Jolie: Cô biết con có những 'buổi đổi mới' này. Con có thể kể cho cô nghe về những điều này không?
Gitanjali Rao: Con chỉ chia sẻ những gì mà con làm được với mọi người mà thôi. Con đã tự tạo ra cho mình một quy trình: Quan sát – Động não – Nghiên cứu – Xây dựng – Giao tiếp, và con đã áp dụng nó cho đến bây giờ.
Con thường bắt đầu với một bài thuyết trình đơn giản, sau đó, con sẽ thêm các phòng thí nghiệm và cuộc thi mà các bạn học sinh có thể làm. Hiện tại, con còn hợp tác với các trường học nông thôn, nữ sinh trong các tổ chức STEM, bảo tàng trên toàn thế giới và các tổ chức lớn hơn như nhóm Khoa học và Công nghệ Thanh niên Quốc tế Thượng Hải và Học viện Kỹ thuật Hoàng gia ở London để điều hành các buổi hội thảo đổi mới.
Những sinh viên mà con làm việc cùng, họ đều không biết bắt đầu từ đâu. Con nghĩ rằng nếu cho họ tia sáng, họ sẽ có thể tạo ra nhiều điều và điều đó sẽ thay đổi mọi thứ.
Vào cuối mỗi hội thảo, mọi người đều có một cái gì đó mà họ có thể bắt đầu làm việc. Con chỉ nhắc nhở mọi người hãy kiên trì với việc làm của mình vì mỗi ngày bạn chỉ cần dành cho nó từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ thôi. Và con rất vui khi nhận được những email thông báo về những thành phẩm mà mọi người đã tạo ra.
Angelina Jolie: Thật là ấn tượng. Đối với rất nhiều người trẻ, họ cần rất nhiều sự tự tin để có thể đưa ra ý tưởng. Con có một bộ óc thông minh kiệt xuất nhưng lại rất hào phóng để chia sẻ điều đó với mọi người. Điều này thật sự tuyệt vời. Bây giờ thì con đang làm gì?
Gitanjali Rao: Con đang nghiên cứu để tìm ra phương thức dễ dàng để giúp phát hiện các chất gây ô nhiễm sinh học trong nước như ký sinh trùng chẳng hạn. Con hy vọng sẽ làm ra một công cụ rẻ tiền nhưng hiệu quả chính xác để người dân ở các nước, kể cả thế giới thứ ba, cũng đều được sở hữu nó nhằm xác định được những gì có trong nước mà họ đang dùng.
Điều thứ 2 mà con tự hào là con đang dìu dắt 30.000 học sinh, sinh viên. Đây giống như một cộng đồng những người đổi mới vậy. Con thực sự hy vọng tất cả mọi người trong cộng đồng này sẽ xác định sự đổi mới là điều cần thiết chứ không còn là sự lựa chọn nữa.
Angelina Jolie: Cô biết là có rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải đối mặt hiện nay. Với con, ngoài ô nhiễm nước, thì ô nhiễm môi trường có là vấn đề mà con quan tâm không?
Gitanjali Rao: Dạ có ạ. Hiện nay, tất cả chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mà chúng ta chưa thấy trước đây như đại dịch vừa qua hay các vấn đề về nhân quyền. Đồng thời, chúng ta còn phải đối mặt với các vấn đề cũ còn đang tồn tại, ví dụ biến đổi khí hậu,…
Con nghĩ rằng mỗi người nên tự tìm ra cho mình một vấn đề mà mình đam mê để giải quyết, ngay cả khi đó là một việc rất nhỏ như phân loại rác thải. Mọi thứ đều tạo nên sự khác biệt. Đừng cảm thấy áp lực khi nghĩ ra điều gì đó lớn lao.
Công việc của con hiện nay là đang cố gắng tìm ra các chất gây ô nhiễm sinh học dựa trên các giải pháp trị liệu thông qua gen. Con cũng đang nghiên cứu một sản phẩm giúp chẩn đoán chứng nghiện opioid – một loại thuốc giảm đau theo toa ở giai đoạn đầu dựa trên việc sản xuất protein của gen thụ thể. Con thực sự rất quan tâm đến di truyền học. Đó là những gì con thích, vì vậy, con đã quyết định nghiên cứu về nó.
Angelina Jolie: Con biết không, cô đã từng làm việc trong các trại tị nạn và cô đã bị choáng ngợp khi có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Nhưng cô thích cách làm việc của con: Hãy tìm những gì bạn đam mê và đừng cố gắng giải quyết mọi thứ một mình. Mọi giải pháp đều là một phần của bức tranh lớn hơn về những gì chúng ta phải làm. Cô thực sự đánh giá cao những gì con đã làm. Nhưng con lấy tin tức và nghiên cứu ở đâu?
Gitanjali Rao: Con thường xuyên đọc tin tức trên MIT Tech Review. Đó là một kho văn hóa đại chúng và đây chính là nguồn cảm hứng của con khi được nghe về tất cả những người tuyệt vời ở các trường MIT và Harvard – những người đang làm những công việc tuyệt vời với công nghệ. Và con cố gắng kết nối nó với những gì con thấy ngoài thực tế.
Angelina Jolie: Cô không thể tin được là mình đang nói chuyện với một đứa trẻ 15 tuổi đâu đấy. Con có biết nấu ăn không?
Gitanjali Rao: Không ạ. Nói thật thì con không thích trứng và bột mì. Vì vậy con thích lên mạng mà tìm những chiếc bánh quy không trứng, không bột, không đường. Con cũng có thử làm loại bánh mà mình thích và con đã làm thành công. Con tự hào về bản thân mình.
Angelina Jolie: Chà, cô rất vui khi được biết về con. Cô chắc chắn là sẽ sử dụng những phát minh của con trong nhiều năm tới và sẽ hãnh diện khoe với mọi người rằng 'Tôi đã gặp Gitanjali Rao một lần'. Cô chúc con sẽ ngày càng làm được nhiều việc hơn cho cuộc sống của mình và cho cộng đồng. Xin cảm ơn con!