Hẳn nhiều bậc phụ huynh vẫn nhớ câu chuyện Tốt-tô-chan - Cô bé bên cửa sổ mà chúng ta yêu thích. Thầy hiệu trưởng nổi tiếng của trường Tomoe đã nói: Hãy mặc cho con bộ đồ xấu nhất đến trường! Vì sao? Vì như thế bé sẽ tha hồ vui chơi đồ nghịch lăn lê mà không lo quần áo bị rách hay bẩn. Bé sẽ thực sự tự do để khám phá thế giới thay vì ngồi yên hay chăm chăm lo lắng bẩn mất bộ quần áo trắng mới.
Nhiều phụ huynh có nhiều tiền và vẫn thích con mình mặc bộ đẹp nhất tới trường. Tuy nhiên, ngoài chuyện đối diện với những vết bẩn trên quần áo của con vào cuối ngày hay hạn chế việc vui chơi khám phá, còn có những nguy cơ khác xuất phát từ việc cho con 'mặc quá đẹp'.
Nhiều bà mẹ biến trường học thành 'sàn diễn thời trang' cho con gái. (Ảnh minh họa)
Con gái của Bình Bình (Trung Quốc) rất dễ thương, có làn da trắng, đôi mắt to và sáng, khuôn mặt tròn. Khi con hơn hai tuổi, cô thường cho con gái mặc nhiều quần áo đẹp để chụp ảnh đăng lên mạng. Bình Bình rất vui vì con gái trở nên 'nổi tiếng', được nhiều cư dân mạng yêu thích, ngày nào cũng khen con xinh đẹp tuyệt vời.
Do đó, bé càng thích hóa trang, chụp hình, trang điểm. Khi bé đi học mẫu giáo, Bình Bình đã cố tình dậy sớm hơn để tạo dáng, và quả thực cô bé đã gây sốc cho toàn trường trong ngày đầu tiên đi học vì quá lộng lẫy.
Kết quả là hơn một tháng sau, cô giáo hẹn gặp Bình Bình. Trong buổi nói chuyện, giáo viên mong người mẹ đừng nói với con quá nhiều về chuyện ăn mặc bởi đứa trẻ không chăm chú trong lớp, không chịu tham gia trò chơi vì sợ không đẹp. Đó là lý do khiến đứa trẻ bị 'cô lập'. Giáo viên nói thêm: 'Quần áo của bé rất đắt, tôi không dám chạm vào cô bé!'.
Người mẹ này cuối cùng cũng hiểu tại sao con mình không bao giờ kể về chuyện ở trường và luôn nói rằng nó không muốn đi học, chỉ muốn ở nhà.
Điều gì xảy ra nếu trẻ ăn mặc quá cầu kỳ?
Giáo sư Lý Mai Cẩn, một nhà tâm lý trẻ em nổi tiếng ở Trung Quốc từng nói rằng việc cho trẻ ăn mặc quá đẹp không phải là điều tốt bởi 3 nguyên nhân sau:
1. Ảnh hưởng đến việc học
Về ngoại hình, việc thay đổi với trẻ thường đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức, không chỉ cha mẹ phải vất vả mà trẻ cũng cần hợp tác. Trong quá trình này, cha mẹ có thể sẽ truyền cho trẻ quá nhiều suy nghĩ của người lớn, một cách có ý thức hoặc vô thức.
Trẻ đi học cần gọn gàng là được. (Ảnh minh họa)
Ví dụ: 'Đẹp trai có thể được nhiều người thích hơn'; 'Đẹp trai quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác'; 'Con gái chỉ cần biết chăm sóc bản thân là được!'...
Nếu dành quá nhiều thời gian cho việc ăn mặc, thời gian rèn luyện của trẻ về các khía cạnh khác có thể bị giảm xuống. Cùng với sự ảnh hưởng của cha mẹ, trẻ có thể rất quan tâm đến ngoại hình của mình và không chịu học hỏi.
Cha mẹ không nên gieo rắc những suy nghĩ lo lắng của người lớn vào con em mình như: 'Nỗ lực không bằng ngoại hình ưa nhìn'; 'Vẻ đẹp ngoại hình quan trọng như thế nào', để tránh cho trẻ những lo lắng, mặc cảm ngoại hình.
2. Bị cô lập
Ngay cả trẻ em cũng thích chơi với những đứa trẻ giống mình. Nếu ngoại hình và quần áo của trẻ quá đặc biệt có thể khiến những đứa trẻ khác cảm thấy xa cách và cô lập.
3. Dễ yêu sớm
Không phân biệt nam nữ, trẻ đẹp luôn dễ thu hút người khác phái, trẻ coi trọng ngoại hình từ nhỏ cũng sẽ ăn mặc đẹp khi học cấp 1, cấp 2 và cấp 3.
Những cô gái ăn diện với tướng mạo nổi trội thường có rất nhiều 'đuôi' đeo bám. Họ thường được nam giới yêu chiều nên dễ tin vào những lời đường mật và chẳng mấy chốc vướng vào 'lưới tình' của các chàng. Dù cha mẹ có nói với con cái về sự nguy hiểm của việc yêu sớm như thế nào thì trẻ ở tuổi vị thành niên vẫn thiếu tự chủ, dễ có những hành động bốc đồng.
Trên thực tế, những đứa trẻ phục trang gọn gàng, sạch đẹp, gương mặt sáng sủa có thể gửi gắm một thông điệp tích cực cho người đối diện qua chính diện mạo của chúng. Ngược lại, trẻ ăn mặc tềnh toàng, kém vệ sinh lại gửi một thông điệp tiêu cực.
Bởi vậy, dù không cho con ăn mặc quá cầu kỳ nhưng cũng không thể quá luộm thuộm. Những đứa trẻ bị kìm hãm quá mức về thẩm mỹ khi còn nhỏ có thể có tâm lý bù trừ khi lớn lên, theo đuổi vẻ đẹp bên ngoài một cách mù quáng, hoặc có thể trở nên cẩu thả trong cách ăn mặc.
Trang phục phù hợp không có nghĩa là cha mẹ cần 'dát vàng' lên trẻ, hay đổi mốt từng ngày. Đồ trẻ mặc cần đảm bảo yếu tố sạch sẽ, thẩm mỹ, không lôi thôi lếch thếch, tóc tai cần gọn gàng. Điều này không chỉ khiến trẻ tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người, mà còn là việc rèn luyện cho trẻ một tác phong sống hiện đại, chỉn chu.
Đừng quên, diện mạo bên ngoài giống như một tấm danh thiếp, để trẻ cơ hội tiếp cận và giới thiệu mình với mọi người.