Xe mô tô, xe gắn máy là tác nhân trực tiếp gây ra ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) ngày càng gia tăng tại TPHCM.
'Sát thủ' âm thầm
Nghiên cứu của thành viên Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) cho biết, tình trạng ô nhiễm từ khí thải của mô tô, xe gắn máy là một trong những 'thủ phạm' chính gây ra ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề tại hai đô thị có mật độ dân số lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM.
Trong đó, ô nhiễm mụi mịn (PM2.5) và các tác nhân phát thải từ bụi, CO, NO2, SO2, VOC từ xe gắn máy đang ngày càng khiến chất lượng không khí tại hai đô thị này ở mức cảnh báo đỏ. Ước tính, chỉ riêng TPHCM có nguồn phát thải khí nhà kính lớn lên đến 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải trên phạm vi cả nước. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông đô thị chiếm đến 45%.
Chuyên gia Hoàng Dương Tùng từ VCAP trong một nghiên cứu cho biết, số lượng xe ô tô và xe máy đang tăng nhanh, trong đó Hà Nội là 6 triệu xe máy và 7 triệu ô tô. TPHCM năm 2010 có 4,5 triệu xe máy; năm 2017 có 7,5 triệu xe máy; 2020 có 9 triệu xe máy.
Trong quá trình hoạt động, các phương tiện đi lại được cho là 'thủ phạm' thải ra môi trường các bụi khí ô nhiễm, các khí CO, CO2, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì rất độc hại, nhất là các xe động cơ cũ, không có chế độ bảo dưỡng định kỳ.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thực tế trên địa bàn thành phố rất nhiều phương tiện giao thông, trong đó xe gắn máy chiếm đa số hoạt động mỗi ngày. Xe gắn máy và xe thô sơ nói chung đã xả ra môi trường một lượng khí thải kinh khủng và là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bệnh tật cho cư dân đô thị.
Cũng theo đại diện Sở này, TPHCM từng có phương án để thu hồi nhiều phương tiện cũ nát, quá hạn sử dụng, do các phương tiện này không chỉ đe dọa đến sự an toàn giao thông mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí và sức khỏe của người dân.
Khi tổ chức phản biện cho Dự thảo đề án 'Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TPHCM', trong đó Ủy ban MTTQ TPHCM lấy ý kiến tham vấn về đề xuất mức thu phí kiểm định 50.000đồng/xe/năm kể từ năm 2022-2023. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng về lộ trình thực hiện kiểm định, mức phí, đối tượng áp dụng,… khiến giải pháp này chưa được triển khai.
Loay hoay giải pháp
Vào thời điểm Ủy ban MTTQ TPHCM lấy ý kiến tham vấn cho Đề án thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia đồng ý với lộ trình kiểm soát khí thải do sự quá tải về xe cơ giới, trong đó xe máy chiếm tỷ lệ phát thải cao nhất.
Trên thực tế, khi chưa thể áp dụng được đề xuất thu phí kiểm định hàng năm đối với xe mô tô, xe gắn máy, Sở GTVT TPHCM vẫn cho triển khai chuyên đề xử phạt nặng đối với các xe 3-4 bánh tự chế, xe thô sơ, nhất là các xe gắn máy cũ nát, đã qua sử dụng nhưng vẫn được lưu hành trên đường phố.
Qua mỗi đợt cao điểm kiểm tra, xử lý xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe cũ nát, xe tự chế từ tháng 3/2021, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an TPHCM đã thu giữ hàng ngàn các phương tiện xe cơ giới không đảm bảo an toàn, kỹ thuật, xe cũ nát, xe 3 bánh tự chế.
Dù vậy, chính Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng thừa nhận, các giải pháp này chỉ mang tính thời điểm và mới chỉ được xử lý phần ngọn. Mục tiêu lớn nhất của đô thị 13 triệu dân vẫn là hướng tới kiểm soát được hoàn toàn khí thải do xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn gây ra hàng ngày, hàng giờ hiện nay.
Tại Hội thảo 'Tính toán phát thải và xây dựng bản đồ phát thải khí thải' do Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu phối hợp tổ chức mới đây, GS.TS Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM cho biết, không khí bị ô nhiễm là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất ở các khu vực đô thị. Vì vậy, quản lý chất lượng không khí là vấn đề cần thiết, quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người.
Theo chuyên gia này, TPHCM có nhiều cơ sở để triển khai một đề án hoàn chỉnh để kiểm soát ô nhiễm không khí và các phát thải ra môi trường một cách lâu dài và bền vững. Đó là Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 (đã được phê duyệt). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh và quy định 63 tỉnh/thành về kiểm kê khí thải cho từng địa phương. Ngoài ra, Bộ này cũng đã phê duyệt thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ về nghiên cứu xây dựng bản đồ phát thải các chất gây ô nhiễm không khí phục vụ dự báo và kiểm soát ô nhiễm không khí vùng kinh tế trọng điểm…
Về giải pháp lâu dài có tính căn cơ, PGS.TS Hồ Quốc Bằng (Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM) cho rằng, ô nhiễm từ các phương tiện phát thải thô sơ ngày càng trầm trọng và tương lai sẽ càng tăng nếu chúng ta không có các mục tiêu cụ thể, các hành động kịp thời. Chuyên gia này đề xuất chính quyền TPHCM cần triển khai các giải pháp căn cơ, có hiệu quả lâu dài, bền vững hơn cho quy mô một siêu đô thị.
Đó là đưa việc kiểm soát ô nhiễm không khí (trong đó có phát thải của phương tiện giao thông) vào mục tiêu về phát triển bền vững của thành phố. Các mục tiêu này cũng cần được coi là một trong những tiêu chí của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố cho từng giai đoạn, kể cả Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM.