Giấu bệnh
PGS. TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 (thuộc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cho biết, đại dịch Covid-19 xảy ra nhu cầu cấp cứu cao hơn bình thường. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Hà Nội cho phép F0 đủ điều kiện được cách ly tại nhà. Vì nhiều lý do, trong đó nhiều gia đình có F0 sợ gọi 115 khó nên họ gọi đến đây như một bệnh lý thông thường.
'Có tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng chỉ nói khó thở mà không biết nguyên nhân, sau đó yêu cầu 115 chuyển bất cứ chỗ nào. Điều này gây ra nhiều nguy cơ', PGS. TS Hoàng Bùi Hải cho hay.
Ông đưa ra dẫn chứng một trường hợp ở La Phù (Hà Đông) rất gần BV Hà Đông, nơi được phân công điều trị Covid-19 tầng 3 nhưng giấu là F0. Gia đình yêu cầu Cấp cứu 115 chạy lên tận BV ĐH Y Hà Nội.
Đến viện họ không hề nhắc đến việc từng test dương tính, do đó bệnh nhân có dấu hiệu nào bệnh viện điều trị dấu hiệu ấy (suy hô hấp cho bóp bóng ổn định lại). Song song với đó, bệnh viện thực hiện việc sàng lọc Covid-19. Kết quả bệnh nhân dương tính.
Sợ bị từ chối vận chuyển đến viện, nhiều F0 giấu bệnh khi gọi 115
'Sau khi đánh giá, xem xét tình trạng bệnh của bệnh nhân chúng tôi phải tìm một chỗ phù hợp với phân tầng của người bệnh. Cụ thể bệnh nhân lại được đưa về Bệnh viện Hà Đông', PGS. TS Hoàng Bùi Hải cho hay.
Cảnh báo bệnh nhân khó thở, suy hô hấp như thế mà lại yêu cầu nhân viên 115 chuyển với khoảng cách khá xa như vậy, PGS. TS Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh 'sẽ nguy rất hiểm cho người bệnh'. Trong khi đó, nếu nói ngay từ đầu là bệnh nhân Covid-19 thì hoàn toàn có thể chuyển đến Bệnh viện Hà Đông (tầng 3) gần hơn, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Không bao giờ từ chối bệnh nhân
Trao đổi với phóng viên, BS Trần Thanh Thắng, PGĐ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thừa nhận từng có tới 90% người nhà/bệnh nhân không thông báo tình trạng dương tính với SARS- CoV- 2 của mình.
Việc người nhà/bệnh nhân không khai báo trung thực tình trạng nhiễm Covid-19 sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Theo BS Thắng, nếu bệnh nhân không khai báo trung thực thì khi chuyển đến các bệnh viện nhân viên 115 có thể sẽ không chuyển đến bệnh viện có điều trị Covid-19 như bệnh viện ngành chẳng hạn.
'Ví dụ, bệnh nhân ở Định Công không khai báo mắc Covid-19 thì chúng tôi sẽ chuyển vào Bệnh viện Bưu điện. Tại đây bệnh viện sẽ phải test, kết quả dương tính lại phải chuyển đến một bệnh viện khác. Như thế rất mất thời gian', BS Thắng dẫn chứng.
Chưa kể việc F0 không khai báo sẽ làm tăng nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên y tế.
'Thực ra người ta chỉ cần báo có ho, sốt, từng test rồi thì sẽ phòng chủ động hơn. Điều này giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ra bên ngoài trong đó có nhân viên cấp cứu 115. Nếu bệnh nhân không chịu khai, không đúng sẽ rất mất thời gian cho bệnh nhân. Thứ nhất chuyển viện không đúng, thứ hai phân tầng không đúng, khi đó khả năng phơi nhiễm của nhân viên y tế nhiều hơn. Hành động này chỉ thiệt cho người bệnh là chính', BS Thắng nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, BS Thắng cho biết đã có bộ phận sàng lọc sớm, do đó trong 2-3 tuần gần đây tỷ lệ bệnh nhân không khai báo đã giảm. Ngoài ra, để chủ động phòng chống cho nhân viên, Trung tâm cũng đã chủ động trang bị phòng hộ cho nhân viên. Theo đó hầu hết những chuyến cấp cứu dù báo lên tổng đài dù không phải Covid-19 nhưng nhân viên vẫn chủ động mang phòng hộ trước.
BS Thắng cũng thừa nhận có sự quả tải về việc đáp ứng cấp cứu 115 so với các nơi. Tuy nhiên, ông khẳng định tất cả cuộc gọi đến 115 sẽ được đáp ứng tối đa có thể mà 'không bao giờ từ chối, không được phép từ chối'.
'Chúng tôi chưa bao giờ từ chối một cuộc gọi cấp cứu nào dù nặng hay nhẹ bởi khi bệnh nhân gọi đến 115 là cần sự hỗ trợ về y tế. Trong trường hợp những bệnh nhân tầng 2, tầng 3 ở xa hoặc khi Trung tâm hết xe thì 115 sẽ gọi các bệnh viện hỗ trợ.
Do đó, người dân nên khai báo trung thực, khi gọi đến tổng đài thì kể hết bệnh, chúng tôi sẽ đáp ứng tốt nhất có thể', BS Thắng nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, PGS. TS Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh, với những bệnh giấu bệnh, dù có đến đúng viện mà gia đình mong muốn nhưng sau khi xác định bệnh nhân bị nhẹ thì sẽ chuyển về chỗ khác. Điều này sẽ làm mất thời gian rất nhiều.
Hiện Hà Nội đã bố trí đồng đều về khoảng cách các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng.
Do đó, 'chúng tôi khuyến cáo F0 khi được điều trị tại nhà nên giữ liên lạc y tế lưu động, y tế phường để cung cấp kịp thời về tình trạng chuyển nặng từ đó xin giải pháp: xe đơn vị y tế theo dõi hay xe của 115'.
'Đặc biệt khi người bệnh test nhanh tại nhà có kết quả dương tính nên báo y tế địa phương hoặc 115 để họ biết trước tình trạng. Việc làm này nhằm để các đơn vị này có thời gian chuẩn bị và tìm nơi phù hợp nhất cho mình.
Điều này chỉ tốt hơn thôi F0 chứ không nên giấu, không nên nghĩ rằng cứ vào viện kiểu gì cũng sẽ được ở lại. Thay vào đó, việc làm này chỉ làm cho bệnh nhân mất thêm thời gian, đi sai tuyến, nguy cơ lây lan cho người khác, đáng lưu ý cũng có thể làm cho bệnh nhân nặng lên…', PGS. TS Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, để người dân trung thực khai báo y tế với 115 (không sợ bị từ chối phục vụ vì quá tải), PGS. TS Hoàng Bùi Hải kiến nghị Thành phố cần đầu tư nhiều hơn cho Cấp cứu 115 (xe, trang bị bảo hộ và các chế độ chính sách…) để anh em làm việc tốt hơn.