Công an tỉnh Thái Nguyên đang tạm giữ Nguyễn Văn Long (38 tuổi, ở xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi giết người.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: 'Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, với hành vi giết người mà nạn nhân chính là cha của mình thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Chiếu theo phân loại tội phạm quy định tại Điều 9 Bộ luật này, có thể thấy Tội giết người là một trong các loại tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, căn cứ theo tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân cũng như xét trên yếu tố tính chất, mức độ của hành vi thì người phạm tội sẽ chịu những hình phạt khác nhau theo quy định tại Điều 134 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Cụ thể, hình phạt sẽ là cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân.
Thông thường, với hành vi đánh chết người và làm người khác bị thương, chắc chắn sẽ bị khởi tố để điều tra và xác minh, nhằm đảm bảo trật tự an ninh xã hội cũng như để người phạm tội phải chịu trách nhiệm về việc không tôn trọng pháp luật và hành vi tàn ác của mình khi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác'.
'Tuy nhiên trong trường hợp này, người phạm tội là Nguyễn Văn Long, trước đây đã được địa phương xác định thuộc diện tâm thần và có hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng trên thực tế. Như vậy, chiếu theo quy định tại Điều 21 Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, thuộc những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự của BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, nếu Nguyễn Văn Long thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trên thực tế, không phải bất cứ vụ án nào do người có bệnh tâm thần gây ra cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Theo Điều 51 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: 'Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình'.
Điều này chứng tỏ, nếu người phạm tội được xác định chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì vẫn bị xử lý hình sự nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, họ sẽ được chữa bệnh hoặc giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát trước khi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để có thể trả lời được câu hỏi Nguyễn Văn Long có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, cần phải có đáp án cho câu hỏi: Liệu Nguyễn Văn Long mắc bệnh tâm thần nhưng khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của y đang ở mức độ nào?'
Ngoài ra, luật sư Hoàng Tùng cũng nêu quan điểm: 'Hiện nay, số liệu của Bộ Y tế về người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần không điều trị tại các cơ sở y tế mà sinh sống trong cộng đồng không phải là con số ít. Một mặt, chúng ta nên có cái nhìn lạc quan, không phân biệt đối xử và kì thị đối với những người mắc bệnh tâm thần.
Song, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với tính mạng và sức khỏe của những người xung quanh nếu không có những biện pháp quản lý thật tốt người mắc bệnh tâm thần trong xã hội.
Phần lớn bệnh nhân tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải bệnh nhân nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Có rất nhiều trường hợp do khó khăn, thiếu thốn mà không được thăm khám thường xuyên, chữa trị dứt điểm nên bệnh trở nặng, không kiểm soát được hành vi.
Pháp luật hiện hành vẫn thể hiện tính nhân văn và nhân đạo khi chưa có quy định bắt buộc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nên, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức và trách nhiệm để tránh những hậu quả đau lòng xảy ra'.
Từ đó, luật sư Hoàng Tùng kết luận: 'Trong vấn đề này, gia đình là yếu tố đầu tiên đóng vai trò quyết định đối với việc chăm sóc và quản lý người bị tâm thần. Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường về tâm lý và hành vi, dấu hiệu phát bệnh tâm thần, gia đình cần sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Khi được ra viện hoặc điều trị bệnh tại nhà, người nhà và người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của cơ sở y tế. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cũng cần tập trung, chủ động nắm chắc được tình hình người bệnh tại địa phương để đưa ra những phương án phối hợp quản lý và kiểm soát người bệnh một cách tốt nhất.
Pháp luật cũng nên có những quy định riêng về việc bắt buộc cách ly có thời hạn đối với những người mắc bệnh tâm thần trong một vài trường hợp. Ví dụ, nếu người bệnh được phép điều trị tại nhà thì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng với cán bộ y tế cần có những cuộc kiểm tra ngẫu nhiên, quan sát thực tế để đánh giá mức độ tiến triển sức khoẻ tâm thần của bệnh nhân.
Nếu trong một thời hạn nhất định, trong khi đang điều trị tại cộng đồng mà người bệnh bị phát hiện có những hành vi đe dọa sẽ gây nguy hiểm trong tương lai thì cần nhanh chóng đưa người bệnh vào lại cơ sở y tế để theo dõi và điều trị, tránh tình trạng để hậu quả xảy ra trên thực tế rồi mới tính đến chuyện cách ly người bệnh, như thế chẳng khác nào câu chuyện muôn thưở 'mất bò mới lo làm chuồng'.
Trưa 25/5, trao đổi với PV Infonet, ông Ma Thế Thích – Phó chủ tịch UBND xã Thanh Định cho biết: 'Theo thông tin điều tra ban đầu, trước khi xảy ra vụ việc, Long đi mua rượu về uống, ông L do thương con nên can ngăn nhưng không được.
Mua được rượu, Long không mang về nhà. Về đến cầu gần nhà, Long cởi quần ra rồi ngồi đó uống rượu. Ông L đến thấy Long như vậy liền mặc quần cho con rồi kéo con về nhà. Khi đưa Long về nhà thì 2 bố con xảy ra mâu thuẫn, sau đó nghi phạm đã dùng gậy đánh chết bố.
Hàng xóm phát hiện sự việc thì chạy đến can ngăn cũng bị Long dùng gậy truy đuổi, may là người này chạy về nhà khóa trái cửa lại nên không bị Long gây thương tích.
Sau đó, Long tiếp tục cầm gậy lao ra đường. Gặp người phụ nữ, người này bảo Long bỏ gậy xuống. Không những không nghe lời, Long còn dùng hung khí đánh dập ngón tay và làm gãy tay người này.
Vụ việc được người dân trình báo công an địa phương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ Long ở gần hiện trường xảy ra vụ việc', ông Thích thông tin thêm.
Ông Thích cũng cho biết thêm, rạng sáng 24/5, Công an xã Thanh Định đã bàn giao đối tượng Long cho Công an tỉnh Thái Nguyên. Nạn nhân còn sống trong vụ việc đang được điều trị tại bệnh viện.
Cũng theo ông Thích, Long đã có gia đình và có một người con gái đang học cấp 2 nhưng 2 vợ chồng đã ly hôn từ lâu. Con gái Long đang ở với mẹ. Sau khi ly hôn, Long về ở với bố. Địa phương xác định Long thuộc diện tâm thần và có hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.