Bệnh nhân bị phong lâu ngày không điều trị dẫn đến biến chứng biến dạng mặt, lở loét bàn chân (ảnh BSCC)
Căn bệnh bị lãng quên
BS. Lê Thị Mai, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến-BV Da liễu Trung ương cho biết: Những năm gần đây, số ca bệnh nhân phong mới có xu hướng xuất hiện trở lại. Điều này cho thấy, 63/63 tỉnh, thành của Việt Nam đã được công nhận loại trừ bệnh phong nhưng chưa thể thanh toán hoàn toàn. Nhiều người nghĩ bệnh phong chỉ tồn tại ở các địa bàn xa trung tâm, tuy nhiên các bác sỹ cũng khá bất ngờ khi phát hiện một số ca bệnh phong ngay tại nội thành Hà Nội.
Điển hình là trường hợp một bệnh nhân nữ N.T.L, 47 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đi khám tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội với thương tổn ban đầu là các ban đỏ ở mặt. Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị theo hướng Lupus ban đỏ hệ thống.
Trong suốt thời gian gần 3 năm, các triệu chứng của bệnh dai dẳng và xuất hiện nhiều thương tổn hồng ban nút, bệnh nhân đã đến khám tại BV Da liễu Trung ương và được các bác sỹ khám, làm xét nghiệm tìm thấy trực khuẩn phong tại tổn thương. Ngay lập tức bệnh nhân được đa hóa trị liệu và hiện tại bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên, đến nay bệnh phong gần như đang bị lãng quên nên người bệnh khi có dấu hiệu không nghĩ đến việc mình mắc phong. Vì vậy, khi đi khám và được phát hiện bệnh thì đã gặp nhiều biến chứng.
Một trường hợp đáng tiếc là trường hợp bệnh nhân T.V.Q, 49 tuổi ở Bắc Giang có triệu chứng rát đỏ, mẩn nốt... suốt một thời gian dài nhưng không đi khám dù gia đình động viên, thúc giục. Đến khi toàn thân ông xuất hiện các u, cục, nốt sần, mặt bị biến dạng do sập cầu mũi, hở mi mắt…thì ông mới chịu đến BV Da liễu Trung ương khám. Ông Q, cũng vô cùng bất ngờ khi bác sỹ kết luận ông bị mắc bệnh phong, tàn tật độ II.
Ngay sau khi được chẩn đoán xác định, ông Q, đã được điều trị theo phác đồ đa hóa trị liệu. Trực khuẩn phong bị tiêu diệt hoàn toàn, tuy nhiên những di chứng tàn tật do bệnh phong để lại thì không thể khắc phục được.
"Đây là trường hợp rất đáng tiếc bởi người mắc bệnh phong được điều trị đúng và kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn. Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh phong không gây chết người, tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những tàn tật, di chứng trầm trọng", BS. Mai nhấn mạnh.
Bệnh nhân phong được chẩn đoán và điều trị theo hướng Lupus ban đỏ hệ thống do chính nhân viên y tế cũng lãng quên (ảnh BVCC)
Loại trừ nhưng chưa thanh toán được bệnh phong
Theo thống kê của BV Da liễu Trung ương, số ca mắc mới hàng năm tại Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 748 ca /năm 2011 xuống còn 54 ca /năm 2021. Đến hết năm 2021 cả nước còn 7.535 trường hợp bệnh nhân phong đang điều trị. Trong chiến tuyến chống phong, bên cạnh niềm vui khi số ca mắc mới giảm, các bác sỹ luôn canh cánh trong lòng nỗi niềm đối với những bệnh nhân phong cũ và giờ đây, với cả những bệnh nhân phong mới.
"Bệnh nhân phong trước đây bị kỳ thị do những tàn tật mà căn bệnh mang lại, họ phải chịu đựng những hắt hủi của xã hội do hình hài xấu xí. Đối với những bệnh nhân phong mới, chẩn đoán đúng đã trở nên thách thức hơn khi triệu chứng không điển hình, đa dạng, dễ chẩn đoán nhầm hoặc bị bỏ qua. Yếu tố dịch tễ khó lường khi có những ca bệnh được chẩn đoán ngay tại nội thành Hà Nội", BS. Mai nói.
Bên cạnh đó, thách thức tiếp theo là bệnh nhân có cơn phản ứng phong dai dẳng, không đáp ứng điều trị, thậm chí gặp nhiều tác dụng không mong muốn do dùng thuốc kéo dài.
BS. Mai cho biết, bệnh phong được chữa khỏi hoàn toàn, hiện nay thuốc điều trị bệnh phong được cấp miễn phí toàn bộ cho bệnh nhân. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân hoàn toàn toàn không để lại bất kỳ di chứng nào trên cơ thể. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mắc bệnh lâu mà không được điều trị sẽ dẫn đến những tàn tật vĩnh viễn, không thể phục hồi. Điều này làm tăng gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Đặc biệt, các triệu chứng ban đầu của bệnh phong thường âm thầm nên bệnh nhân và nhân viên y tế dễ bỏ qua, chỉ đến khi xuất hiện tàn tật người bệnh mới đi khám. Chính vì vậy, việc nâng cao hiểu biết cho người dân cho đến thời điểm này vẫn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhân viên y tế nói riêng và toàn xã hội nói chung.
BS. Mai thông tin: Bệnh phong lây truyền trực tiếp từ người sang người do tiếp xúc, tuy nhiên phải tiếp xúc lâu dài mới có khả năng lây. Trực khuẩn phong được bài tiết ra ngoài từ thương tổn da và niêm mạc mũi, họng, đặc biệt là ở các bệnh nhân thể nhiều vi trùng chưa được điều trị. Bệnh phong không lây truyền qua các đường gián tiếp khác.
Trong cơ thể, trực khuẩn phong khu trú ở da, thần kinh, niêm mạc mũi, đường hô hấp trên và một số cơ quan tổ chức khác như mắt, xương, hạch.
Ra khỏi cơ thể, trực khuẩn phong chỉ sống được 1-2 ngày. Nếu được điều trị bằng Rifampicin, trong 5-7 ngày 99,99% trực khuẩn phong bị tiêu diệt nên không còn khả năng lây lan.
Triệu chứng bệnh: thời kỳ toàn phát bệnh nhân gặp tổn thương da (dát, củ, mảng củ, mảng thâm nhiễm); thương tổn thần kinh ngoại biên; rối loạn bài tiết, rối loạn dinh dưỡng, các thương tổn khác. Thương tổn da kèm theo mất cảm giác...