Ấn Độ đang tích cực triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. (Ảnh: PTI)
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 843.577 ca mắc và 13.734 ca tử vong mới vì đại dịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (414.433 ca); Brazil (72.559 ca); Mỹ (46.424 ca); Argentina (24.086 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (22.388 ca); Pháp (21.712 ca); Đức (17.014 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (3.920 ca); Brazil (2.531 ca); Mỹ (849 ca); Ba Lan (510 ca); Colombia (399 ca); Argentina (398 ca)…
Châu Á hiện đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới khi châu lục này đã có tổng cộng 42.485.041 ca nhiễm và 552.512 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 519.678 ca mắc và 5.472 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 36.529.766 ca được điều trị khỏi; 5.402.763 ca đang được điều trị tích cực và 33.443 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngày 6/5, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 414.433 ca mắc mới và 3.920 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, liên tiếp nhiều ngày qua quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục trong ngày. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng số bệnh nhân mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 21.485.285 ca và 234.071 ca. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia y tế, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều khi tác động của dịch bệnh đã được cảm nhận rõ ở các bang miền Nam Ấn Độ như Karnataka, Kerala và Tamil Nadu, với số ca nhiễm mới tăng đột biến.
Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Iraq. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có gần 5 triệu ca nhiễm; Iran có hơn 2,6 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận gần 1,7 triệu ca nhiễm COVID-19…
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 18.579 ca mắc mới và 379 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 3.511.277 người mắc COVID-19, trong đó 69.836 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, khối này có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái lan và Campuchia. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực khi ghi nhận có 1.697.305 ca nhiễm và 46.496 ca tử vong vì đại dịch.
Từ sáng 6/5, Campuchia đã chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 650 ca mắc mới COVID-19. Hiện Campuchia có tổng cộng 17.621 ca mắc và 114 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 6/5 cho biết quốc gia này đã có thêm 105 ca mắc COVID-19. Đây là lần thứ 3 kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch COVID-19 bùng phát tại Lào, số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ ở mức 3 con số. Tính tới sáng 7/5, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.177 ca mắc COVID-19, trong đó 105 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Brunei, ngày 6/5, chính phủ nước này công bố không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, đánh dấu một năm không ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng nhờ vào việc duy trì các biện pháp kiểm soát đường biên giới cũng như các quy định đi lại chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tại châu Âu, số ca nhiễm COVID-19 hiện tại được ghi nhận là 45.208.252 người, với 1.028.480 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 116.124 ca nhiễm mới và 2.800 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 5.728.090 ca mắc COVID-19 và 105.850 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 6/5, nước này có thêm 21.712 ca nhiễm mới và 219 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức…
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 65.020 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 38.696.360 ca, tổng số người tử vong là 868.308 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 30.517.233 trường hợp. Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 tại châu lục. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 33.367.797 ca nhiễm và 593.995 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.355.985 ca nhiễm và 218.007 ca tử vong. Tiếp đó là các quốc gia Canada, Panama, Cộng hòa Dominica, Costa Rica…
Khu vực Nam Mỹ ghi nhận có tổng cộng 25.569.774 ca nhiễm; 694.573 ca tử vong và 23.237.895 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 15.009.023 ca nhiễm, trong đó 417.176 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, Ausralia hiện đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 19 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.884 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 910 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, Papua New Guinea là quốc gia ghi nhận có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất tại châu lục, với 223 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên lần lượt 11.630 ca và 121 ca.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.649.033 ca mắc COVID-19, trong đó 123.937 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.590.370 trường hợp, trong đó 54.620 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 2.149 ca mắc mới COVID-19 và 63 ca tử vong vì đại dịch./.