Sáng 1/8, UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã làm việc với Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ xác định nguyên nhân dẫn đến thực trạng nứt nẻ, đứt gãy nhà cửa của người dân tại các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp trong thời gian qua.
Nhiều nhà dân bị bong tróc, nứt nẻ. Ảnh: SK&ĐS
Nguyên nhân là do địa hình địa mạo tại các xã này khá phức tạp dẫn đến chế độ thủy văn nước mặt và nước ngầm bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, việc khai thác khoáng sản đã tác động mạnh mẽ của tầng chứa nước áp lực trong đới karst đã phá vỡ lớp sét cách nước nên dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa.
Đặc biệt, nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng nên khiến hàng trăm giếng khoan bị khô cạn nước. Dù đơn vị này đã xác định nguyên nhân gây sụt lún là do tụt nước ngầm nhưng nguyên nhân dẫn đến sụt nước ngầm vẫn chưa rõ.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra hiện trạng sụt lún tại nhà dân ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: SK&ĐS
Lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp cũng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp trước mắt và lâu dài để ổn định đời sống cho nhân dân vùng sụt lún.
Trước đó, theo báo Sức khỏe và Đời sống, sau khi trực tiếp đến kiểm tra tình trạng sụt lún các giếng nước khô cạn tại xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cũng như hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang vào ngày 29/5, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo sẽ điều tra các doanh nghiệp nếu có dấu hiệu vi phạm.
Đoàn kiểm tra hiện trường khai thác quặng thiếc của Công ty CP Tân Hoàng Khang. Ảnh: SK&ĐS
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nhấn mạnh, trước mắt phải chăm lo, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm giải quyết, xử lý tình trạng này để ổn định đời sống nhân dân.
Hiện tượng sụt lún, giếng khô cạn, nhà cửa bị nứt... bắt đầu xuất hiện trên địa bàn xã Châu Hồng từ cuối năm 2020 đến nay và đang tiếp diễn. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến 232 hộ dân trên địa bàn 6 bản (Na Hiêng, bản Công, bản Pòong, Na Noong, bản Hy, bản Ngọc). 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, người dân không có nước sinh hoạt khiến cuộc sống rất bất an.
Hố tử thần xuất hiện trên địa bàn khiến người dân bất an. Ảnh: SK&ĐS
Tại buổi đối thoại, người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân cũng như cách khắc phục. Để xảy ra tình trạng này thì ai là người phải chịu trách nhiệm? Ngoài ra, trong khi chờ cơ quan chức năng tìm nguyên nhân, đã có hiện tượng san lấp các hố, người dân đặt câu hỏi về việc ai là người chỉ đạo thực hiện việc này?
Bên cạnh đó, hàng ngày các công ty khai thác khoáng sản hoạt động gây tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, làm hư hỏng các tuyến đường giao thông. Hiện tượng xe chở quá khổ, quá tải vẫn diễn ra bình thường.
Một số người dân phản ánh khi xuất hiện hiện tượng sụt lún, nứt nẻ, khô giếng, xã đã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh nhưng tình trạng giải quyết chậm mà không rõ lý do. Đồng thời, người dân đề nghị tỉnh thành lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn và yêu cầu các công ty khai thác thực hiện đúng quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ với những khó khăn, những bức xúc của bà con về tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, khô giếng nước thời gian qua.
Ông Trung thừa nhận trong quá trình phối hợp tham mưu, chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa nhịp nhàng, chặt chẽ nên có sự chậm trễ trong việc giải quyết, UBND tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan.
Về hiện tượng tổ chức san lấp các hố sụt lún khi cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân theo phản ánh của người dân, tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc điều tra để biết ai là người thực hiện việc này, nếu vì động cơ che giấu sẽ xử lý nghiêm.
Đặc biệt, khi làm rõ nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún, nứt nẻ, khô cạn giếng nếu có trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản, cụ thể là Công ty CP Tân Hoàng Khang thì tỉnh sẽ yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường cho người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra làm rõ những vấn đề liên quan, đặc biệt là những vấn đề tác động đến môi trường, gây ảnh hưởng và đe dọa đến tính mạng của người dân. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, phải đặt sự ổn định, an toàn của người dân là trên hết, trước hết. Quan điểm chung của tỉnh là không đánh đổi lợi ích kinh tế đổi lấy an toàn, cuộc sống ổn định của người dân và môi trường. Và phải luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước mắt tạm dừng tất cả các hoạt động bơm hút, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng; yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm cho đến khi có kết luận chính thức về nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún.