Cùng với sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết, một số bệnh khác như tay chân miệng, đặc biệt là cúm A đang lan nhanh bất thường. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng đang có dấu hiệu tăng trở lại với biến thể mới BA.4, BA.5 được nhận định luôn thường trực. Dịch chồng dịch đã là nguy cơ hiển hiện.
1. Thống kê đến ngày 27/7, TP.HCM có hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 293% so với cùng kỳ năm ngoái với 1.888 ca. Trong đó có 502 ca nặng, chiếm 1,57% tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Từ đầu năm đến nay, đã có 16 người tử vong do sốt xuất huyết ở TP.HCM. Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, dịch sốt xuất huyết năm nay vào mùa sớm, ca nặng tăng, tỷ lệ người lớn mắc bệnh nhiều hơn trẻ em, hiện thành phố phát hiện trên 100 ổ dịch/tuần.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân cúm A nặng, 78 tuổi, tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Tại nhiều địa phương khác, tình hình dịch sốt xuất huyết cũng phức tạp không kém. Đơn cử như số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng mạnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Từ đầu năm đến nay tỉnh này ghi nhận trên 1.200 ca, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng. Bệnh sốt xuất huyết cũng đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Bình Thuận.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, tính đến ngày 17/7, Bình Thuận ghi nhận khoảng 2.400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 122% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ trong tháng 7/2022, Bình Thuận ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết. Theo Bộ Y tế, đến ngày 18/7, cả nước ghi nhận trên 113.400 ca sốt xuất huyết, 39 trường hợp tử vong.
2. Không chỉ “dính sốt xuất huyết”, số ca mắc tay chân miệng, đặc biệt là cúm A đang gia tăng với tốc độ chóng mặt tại Hà Nội. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 20/7, thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội từ đầu năm đến hết ngày 17/7 cho thấy thành phố ghi nhận tổng cộng 2.605 trường hợp mắc cúm.
Đáng chú ý, trong tháng 6, Hà Nội phát hiện tới 887 ca mắc, tăng 60% sau chỉ một tháng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết khoảng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện tăng cao với tổng cộng gần 100 trường hợp. Trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng.
Điều đáng nói là số người mắc cúm A thậm chí tạo thành các ổ dịch, chuỗi lây truyền, cá biệt có một số trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Tại một khu công nghiệp ở huyện Đông Anh xuất hiện chùm ca bệnh cúm A gồm 20 công nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngoài ra còn nhiều người khác có triệu chứng tương tự.
3. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khoảng 1-2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng so với giai đoạn trước, trong số này, nhiều trường hợp có diễn biến nặng. Ngày 26/7, số ca mắc mới COVID-19 của cả nước là 1.460 ca (tăng thêm 564 ca so với ngày trước đó) - mức cao nhất tính từ ngày 21/5 cho tới nay. Cùng với đó, số ca bệnh COVID-19 nặng cũng tăng từ mức 29 ca của ngày trước đó lên thành 46 ca.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm BA.2.12.1, BA.4 và BA.5 đi kèm với số ca mắc mới gia tăng. Trong tháng 7, miền Bắc phát hiện 6 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5, miền Nam ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng BA.2.12.1.
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4. Ảnh: TTXVN.
4. Theo Bộ Y tế, hiện có 4 loại dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam là COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng và cúm. “Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ dịch chồng dịch”, đại diện Viện Pasteur TP.HCM khẳng định.
Trước nguy cơ dịch chồng dịch, PGS. Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng riêng đối với COVID-19, giải pháp hiện nay khá rõ ràng khi Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine cho nhóm nguy cơ cao và trẻ em nếu có thể.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian tiêm mũi 3 của đại bộ phận người dân đến lúc này đã quá 6 tháng. Do đó, việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 có ý nghĩa rất quan trọng để bổ sung lá chắn trước dịch bệnh. “Theo các nghiên cứu của thế giới, biến chủng mới né vaccine nên càng cần phải bao phủ vaccine”, đại diện Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo.
Với dịch cúm A, theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, người dân cũng nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm A nhằm giảm bớt mức độ nặng của bệnh. Với dịch sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị thì “diệt lăng quăng, diệt muỗi” vẫn được xem là biện pháp đơn giản, hiệu quả và căn cơ.
Nhưng trên tất cả, theo các chuyên gia y tế, dù là dịch bệnh nào, thì ý thức của người dân được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Mọi thái độ chủ quan, coi thường dịch bệnh đôi khi sẽ phải trả bằng những cái giá rất đắt.