Ngày 27/12 là thời điểm cuối cùng của Bộ LĐ-TB&XH để báo cáo về tình hình lương, thưởng cuối năm cho người lao động. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin gì từ phía các doanh nghiệp. Theo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết năm nay có thể muộn hơn nhiều so với mọi năm. Bên cạnh đó, thưởng Tết năm nay cũng khó có thể được như các năm trước do dịch COVID-19 tác động mạnh tới hầu hết các doanh nghiệp và đời sống người lao động.
Chờ kết quả kinh doanh
Với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như các ngành dệt may, gia giày, thủy sản…, việc thưởng Tết cho hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lao động là một khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh doanh thu sụt giảm rất mạnh do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 năm nay. Chính vì thế, khi đề cập đến chuyện thưởng Tết cho người lao động, không ít doanh nghiệp cho biết phải chờ kết quả kinh doanh của cả năm mới có thể xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động.
Báo cáo về tình hình thưởng Tết cho người lao động năm nay sẽ muộn hơn so với mọi năm.
Nói về chuyện thưởng Tết cho người lao động, ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Linh Hân cho biết, hiện công ty đang có hơn 100 cán bộ hành chính và gần 3.000 công nhân. Đơn hàng may mặc chủ yếu xuất khẩu sang thị trường chính là Hàn Quốc. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời điểm giữa năm, công ty còn phải cho công nhân làm việc luân phiên, chỉ thực sự hoạt động ổn định khoảng 3 tháng trở lại đây.
'Thực tế là hiện nay công nợ từ phía đối tác chưa giải quyết xong. Bên cạnh đó, hàng tồn kho cũng còn khá nhiều nên công ty chưa chốt được kết quả kinh doanh của cả năm. Việc thưởng rất quan trọng, bởi đó là động lực để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng cân đối bằng mọi nguồn lực để có một khoản thưởng Tết cho người lao động. Thế nhưng có lẽ cũng phải sát Tết Âm lịch mới có con số cụ thể', ông Hùng cho hay.
Trong khi đó, chia sẻ về phương án thưởng Tết cho người lao động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Intexco cho biết, Ban giám đốc Công ty cũng đã tính toán đến việc bố trí nguồn để lo thưởng Tết cho người lao động. Không chỉ là việc chăm lo đời sống cho người lao động, mà việc thưởng Tết này cũng đã được đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Do đó, dù có thua lỗ thì cũng phải tính toán để có một phần thưởng cho công nhân.
'Chưa có con số cụ thể nhưng cũng sẽ khó để được như mọi năm. Chúng tôi sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, chắc đến gần Tết mới có quyết định thưởng như thế nào cho phù hợp nhất. Lý do là doanh thu giảm đến gần 50% do ảnh hưởng của COVID-19. Thời điểm dịch bùng phát, hoạt động kinh doanh bị đứt gãy, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, dù chuyển sang may khẩu trang chống dịch nhưng vẫn ảnh hưởng mạnh đến nguồn thu. Chúng tôi cũng luôn động viên người lao động và mong rằng người lao động chia sẻ với khó khăn của công ty trong lúc này', ông Hùng chia sẻ.
Báo cáo thưởng Tết sẽ muộn hơn mọi năm
Thời điểm này các năm trước, không ít các doanh nghiệp đã rầm rộ công bố thưởng Tết cho nhân viên. Con số thưởng Tết 'khủng' ở nơi này, nơi kia rầm rộ trên các nguồn thông tin. Thế nhưng năm nay, do khủng hoảng dịch COVID-19 kéo dài nên các đơn vị kinh doanh khá dè dặt, thậm chí chưa bàn đến chuyện thưởng dù Tết đã đến gần.
Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đã rất gần thời hạn 27-12 để các địa phương gửi về Bộ báo cáo tình hình lương năm 2020 và thưởng Tết năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì từ doanh nghiệp.
Theo lý giải của ông Hưng, do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp dù cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp báo cáo lương, thưởng Tết ở thời điểm này. Do đó, ông Hưng cho biết, chắc chắn năm nay sẽ có báo cáo muộn hơn các năm và dự kiến cuối tháng 1-2021 mới có báo cáo tổng hợp thưởng Tết chung trên phạm vi cả nước.
Đánh giá về tình hình thưởng Tết, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, thưởng Tết năm nay sẽ khó khăn hơn so với nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, ông Quảng nhận định, dù khó khăn thế nào, các doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng để có một khoản thưởng cho người lao động, vì việc thưởng Tết hiện nay đã trở thành một văn hóa của doanh nghiệp.
'Qua theo dõi hằng năm, chúng tôi nhận thấy rằng, người sử dụng lao động cũng ngày càng coi thưởng Tết như là một điều kiện tất yếu để động viên người lao động và giữ chân họ gắn bó lâu dài, từ đó hoạt động có hiệu quả hơn với doanh nghiệp. Tiền lương, tiền thưởng cho người lao động năm sau càng được đảm bảo và tốt hơn trước, nhưng riêng năm nay qua theo dõi hoạt động của doanh nghiệp và dự báo của phía công đoàn chúng tôi thì sẽ khó khăn hơn', ông Quảng cho hay.
Theo ông Quảng, mặc dù dịch COVID-19 gây khó khăn chung cho nền kinh tế, song một số doanh nghiệp lại có hoạt động tốt hơn nên có cam kết sẽ thưởng cho người lao động ở mức xứng đáng, tuy nhiên số này là không nhiều. Còn lại một số doanh nghiệp khó khăn thực sự do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 dẫn đến sản xuất đình đốn, người lao động phải nghỉ việc hoặc việc làm không đầy đủ khiến tiền lương sụt giảm như: ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch, vận tải…
Tuy nhiên, dù gặp khó khăn, nhưng qua nắm bắt từ phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn cố gắng cam kết đảm bảo tiền lương và sẽ có một khoản để động viên người lao động. Dưới góc độ là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận đây là một sự nỗ lực rất lớn từ phía doanh nghiệp.