Cách đây 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Hà Nội đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân, phát xít, góp phần quan trọng quyết định nhanh chóng kết thúc cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. 78 năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn phát triển vững mạnh về mọi mặt. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội cũng sáng bừng tinh thần 'vì cả nước, cùng cả nước' và là 'lá cờ đầu' trong thực hiện mọi nhiệm vụ...
Lá cờ đầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Nội là nơi đặt trụ sở của Thống sứ Pháp ở Bắc kỳ, đại diện triều đình nhà Nguyễn, Bộ Chỉ huy quân Nhật ở Việt Nam và Chính phủ (thân Nhật) Trần Trọng Kim. Hà Nội là nơi tập trung đông đảo các tầng lớp Nhân dân, thanh niên, sinh viên, trí thức... Bởi vậy, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ xác định đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng; Đồng thời, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi hành động của các phe phái, nhất là quân Nhật, để lãnh đạo, chỉ đạo Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền, tạo cơ sở, tiền đề cho các địa phương khởi nghĩa.
Trung ương đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm, giỏi nắm bắt thực tiễn, chỉ đạo cách mạng để tăng cường cho Hà Nội. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ, Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ mọi việc; Trong đó, chú trọng phát triển lực lượng chính trị, vũ trang và bán vũ trang để khi có điều kiện chớp thời cơ khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội năm 1945, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh tư liệu
Thực hiện kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội được diễn ra nhanh, gọn, ít đổ máu. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn lao, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa thắng lợi trên phạm vi cả nước, dẫn tới sự kiện lịch sử trọng đại: Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng từ đây, Hà Nội chính thức trở thành Thủ đô của nước Việt Nam mới, trở thành thành trì đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do và chính quyền non trẻ vừa giành được.
Khởi nghĩa ở Hà Nội thành công là kết quả của một quá trình chuẩn bị mọi mặt của Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội, từ tổ chức, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, đến tập dượt quần chúng. Đó là thắng lợi của nghệ thuật biết giành thời cơ cách mạng và năng lực tổ chức, phát huy sức mạnh vô địch của Nhân dân 'đem sức ta mà giải phóng cho ta'.
Đặc biệt, ở thời điểm có tính chất quyết định, Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã chủ động, táo bạo tìm ra phương thức khởi nghĩa phù hợp, tổ chức thành công các cuộc đấu tranh ngoại giao, vô hiệu hóa kẻ thù để giành được thắng lợi lớn nhất với tổn thất ít nhất. Đó còn là thành công to lớn của Đảng bộ Hà Nội trong việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chiến lược, sách lược của Đảng vào thực tiễn Hà Nội.
'Trái tim hồng' không ngừng lớn mạnh
Từ bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển, TP Hà Nội luôn chủ động, sáng tạo, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
TP luôn duy trì tăng trưởng cao và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 1% diện tích cả nước và 8,1% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp 12,59% về GRDP, 17,07% về thu ngân sách Nhà nước...
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. TP tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Một góc Hà Nội hôm nay
Cùng với đó, công tác chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chuyển biến tích cực. Các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy. Tiềm lực khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư phát triển...
Những năm gần đây, để tạo động lực phát triển cho Thủ đô, trong khi kiên trì thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên trong bối cảnh khó khăn, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã kịp thời triển khai những chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược, tạo tiền đề cho Thủ đô phát triển trong 5, 10, 20 năm, thậm chí là 30 năm tới.
Nổi bật là Hà Nội đã đề xuất và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về 'Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Cụ thể hóa Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình hành động xác định 132 nhiệm vụ, đề án thực hiện; Đồng thời kiến nghị các cơ quan trung ương triển khai 74 nội dung liên quan.
Đặc biệt, Hà Nội đã chủ động đề xuất và được Trung ương thông qua chủ trương Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện dự án; Trực tiếp đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ngày 25/6, dự án đã chính thức khởi công, đánh dấu mốc quan trọng và chứng minh một con đường của 'ý Đảng, lòng dân'.
TP cũng đã ban hành nghị quyết về ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa với tổng mức đầu tư hơn 49.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Sau hơn 1 năm thực hiện, khoảng 1.000 công trình đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới. Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả những chủ trương lớn thể hiện tầm nhìn, ý chí quyết tâm, đổi mới, sáng tạo như: Phân cấp, ủy quyền; Đề án quản lý tài sản công; xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ; Đề án cải tạo chung cư cũ...
Hiện, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô.
Những bài học thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội về tư tưởng cách mạng tiến công, đoàn kết, trí tuệ, không rập khuôn, máy móc để đạt được mục tiêu thắng lợi; Về xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng dân; Về bản lĩnh trong lựa chọn phương thức đấu tranh phù hợp hoàn cảnh cụ thể vẫn là bài học vẹn nguyên tính thời sự. Đây mãi là nguồn tư liệu quý để Hà Nội vận dụng một cách sáng tạo, tỏa sáng trong thời đại mới.