Mới đây, trên 1 nhóm diễn đàn lớn mạng xã hội, 1 tài khoản đã đăng tải thông tin phản ánh 1 cây xăng ở Hà Nội đã trưng biển 'hết hàng' đóng cửa không bán xăng: 'Tình hình căng đét, chỗ em mấy cây hết xăng từ tối qua. Mai nhân dân về HN nhớ nếu đổ được thì đổ đầy bình nhé'.
Thông tin cây xăng ở Hà Nội treo biển 'hết hàng' không bán được phản ánh trên mạng xã hội (ảnh FB).
Tìm hiểu được biết đây là cây xăng Trần Vỹ thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sau khi thông tin này được đưa lên, nhiều tài khoản cũng cho biết, cây xăng này tuần trước cũng treo biển 'mất điện' không bán hàng, khi hỏi nhân viên cây xăng thì họ bảo do hết xăng từ tối hôm trước.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, qua phản ảnh của người dân, kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường đã ghi nhận 19/492 cây xăng trên địa bàn dừng bán xăng hoặc dầu.
Riêng trong ngày 3/9 cơ quan này đã ghi nhận thêm 16 cây xăng trên địa bàn dừng bán xăng RON 95, E5 RON 92 hoặc dầu DO với lý do hết hàng, nhà phân phối chưa có hàng để cung cấp.
Ngay sau đó, cơ quan quản lý thị trường và lực lượng chức năng đã kiểm tra bể chứa của các cây xăng này và lập biên bản xác định bể hết xăng, dầu. Đồng thời, thương nhân phân phối chưa có hàng để cung cấp.
Ngoài ra, có 2 cây xăng ngừng bán hàng đã được Sở Công Thương Hà Nội chấp thuận và 1 cây xăng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hết hạn, đang chờ cấp lại.
Theo cơ quan QLTT Hà Nội, hiện chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi đầu cơ, găm hàng, tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa không hoạt động nhưng không thông báo với Sở Công Thương Hà Nội theo quy định. Đồng thời, cũng không phát hiện trường hợp nào giảm thời gian bán hàng hay giới hạn số lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Vì sao hàng loạt cây xăng treo biển 'hết xăng'?
Những ngày gần đây, do tình hình xăng dầu thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến tình hình cung cấp xăng dầu trong nước. Tình trạng xăng dầu trở thành vấn đề nóng và là tiêu điểm của dư luận bởi nhiều thông tin phản ảnh một số cây xăng đóng cửa không bán hàng.
Thông tin từ báo Bắc Giang cho biết, theo ghi nhận tại cây xăng Khoa Giang (thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khoa Giang), xã Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang) cho thấy, hồi 10 giờ ngày 30/8, cây xăng này rất vắng khách, khác hẳn với mọi khi. Trước cửa hàng có đề biển hết xăng. Tuy nhiên, tại đây vẫn bán dầu diesel.
Nhân viên cây xăng này cho biết, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khoa Giang cho treo biển 'hết xăng' từ 22 giờ đêm 29/8.
Cửa hàng xăng dầu Khoa Giang chỉ bán dầu diesel vì hết xăng. (Ảnh: BGO)
Còn tại cửa hàng xăng dầu số 1 Dĩnh Kế (thuộc Công ty TNHH Phương Thanh Bắc Giang), phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) cũng căng dây, treo biển hết xăng 3 ngày nay. Nhiều khách hàng đến đây đều phải quay đầu tìm nơi khác.
Lãnh đạo Công ty TNHH Phương Thanh Bắc Giang cho biết, nhiều ngày nay đơn vị phải dừng phục vụ là do không đủ khả năng nhập xăng dầu về bán.
Việc công ty không đủ khả năng nhập xăng về theo lãnh đạo công ty này là vì đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu yêu cầu các đơn vị mua phải trả thêm 500 đồng/lít xăng dầu khiến cho giá nguyên liệu khi nhập tại đầu mối tăng.
Mới nhất là ngày hôm qua (3/9), thông tin từ Sở Công Thương Cà Mau cho biết, tính đến sáng 2/9/2022 trên địa bàn tỉnh có 5 cửa hàng xăng dầu hết xăng dầu cục bộ trong thời gian nhất định do thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối cấp xăng dầu chưa kịp thời hoặc không có xăng dầu để cung cấp cho cửa hàng.
Cụ thể, tại huyện Đầm Dơi có 3 cửa hàng và huyện Thới Bình 2 cửa hàng. Trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng.
Theo Sở Công Thương Cà Mau, hiện nay giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng so với kỳ điều hành giá ngày 22/8/2022, dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ tăng vào kỳ điều hành tiếp theo.
Và Sở này cũng thừa nhận có hiện tượng tích trữ xăng dầu. Do vậy, các thương nhân xăng dầu hạn chế bán hàng cho các khách hàng có biểu hiện mua tích trữ. Đối với khách hàng mua xăng dầu bằng can, phuy, các cửa hàng xăng dầu chỉ bán ra với số lượng hạn chế.
Sở Công Thương Cà Mau cũng cho biết, do nguồn cung hạn chế, nhất là mặt hàng dầu D.O, nên khách hàng mua xăng dầu số lượng nhiều mà không ký hợp đồng trước với cửa hàng thì không có xăng dầu để cung cấp.
Cửa hàng xăng dầu chỉ ưu tiên đảm bảo cung ứng cho khách hàng công nghiệp đã ký hợp đồng trước đó và phục vụ cho phương tiện lưu thông, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân trong khu vực.
Trước đó, vào ngày 1/9, lực lượng QLTT tỉnh Gia Lai đã phát hiện, lập biên bản và hoàn thiện hồ sơ xử phạt 15 triệu đồng đối với Cửa hàng xăng dầu Duy Lâm thuộc Công ty TNHH MTV Duy Lâm Gia Lai, địa chỉ Thôn Tân Hòa, xã Tân An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai do cửa hàng này đóng cửa ngừng bán hàng từ 11 giờ đến 16 giờ nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
Cửa hàng xăng dầu Duy Lâm ở Gia Lai tự ý đóng cửa.
Tại tỉnh An Giang, qua giám sát 588 cơ sở bán lẻ xăng dầu, lực lượng QLTT tỉnh này cho biết có 570 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 7 cửa hàng hết xăng; 25 cửa hàng hết dầu; 22 cửa hàng hết cả xăng và dầu; 12 cửa hàng tạm ngưng hoạt động; 5 cửa hàng đã nghỉ hàng hoạt động.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn thị xã Cai Lậy, huyện Tân Phước có 3 cửa hàng hết dầu, 1 cửa hàng hết xăng đang chờ nhập hàng; tại huyện Chợ Gạo có 1 cửa hàng ngưng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả đã thanh lý hợp đồng và được Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang chấp thuận.
Như vậy, tình trạng nhều cây xăng đóng cửa không bán hàng là có thật mà nguyên nhân được các đơn vị cho biết do nguồn cung xăng dầu hạn chế, nhất là mặt hàng dầu D.O, nên khách hàng mua xăng dầu số lượng nhiều mà không ký hợp đồng trước với cửa hàng thì không có xăng dầu để cung cấp.