Biến thể này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách 'biến chủng đáng quan tâm' vì nhận thấy có thể mang nhiều khả năng lây nhiễm và chống lại các kháng thể. Cho dù điều đó chưa được kết luận.
Theo WHO, đây là một vấn đề cần được lưu tâm trước tình hình tại nhiều quốc gia có số ca nhiễm với Lambda tăng cao. Điều này có thể thấy thông qua các báo cáo từ Peru khi lần đầu tiên phát hiện chỉ có một số lượng rất nhỏ trong các mẫu xét nghiệm nhưng đến tháng 3 năm nay, tỉ lệ đã lên đến 50% và hiện tại con số này đã vượt mức 80%.
GS Jeff Barrett - Giám đốc Sáng kiến Hệ gene (Anh) cho rằng loại biến thể này so với các biến thể khác lại là một tập hợp đột biến với nhiều bất thường. Điều này cũng sẽ tạo nên những điều kiện bất lợi trong công tác khống chế dịch bệnh.
Biến thể Lambda của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, còn được gọi là C.37, được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 8/2020. Theo báo cáo của WHO, Lambda đã có mặt tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Brazil, Colombia, Ecuador, Pháp, Tây Ban Nha, Chile, Argentina…
Theo TS Anna Durbin (Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg - Mỹ), cả Lambda và Delta đều có 'lợi thế' về khả năng lây nhiễm nhưng thực tế cho thấy Lambda có thể không mạnh bằng Delta. Trong khi đó TS Robert Paine của Trường Đại học Utah (Mỹ) cho rằng chưa có nhiều điều để nói về Lambda vì còn thiếu dữ liệu song điều tích cực là vaccine Covid-19 đến giờ vẫn phát huy tác dụng trước các biến thể.
Tương tự, bà Preeti Malani (Trường Đại học Michigan - Mỹ) nói với CNN rằng việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19 nói chung cũng sẽ giúp kiểm soát Lambda. Tiêm phòng quy mô lớn là giải pháp duy nhất để kiểm soát SARS-CoV-2 và ngăn chặn virus này đột biến.
Tuy nhiên, TS Gregory Poland, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu vaccine thuộc Mayo Clonic cho rằng, giới chức y tế phải cảnh giác ngay khi xuất hiện một biến thể có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. Các biến thể mới vẫn xuất hiện và câu hỏi đặt ra là liệu những biến đổi bên trong gene của virus có giúp chúng mạnh hơn và gây bất lợi cho con người hay không. Theo chuyên gia này, câu trả lời trong trường hợp biến thể Lambda là có.
Chia sẻ trên The Conversation, TS Adam Taylor - chuyên nghiên cứu về các chủng virus mới tại Viện Y tế Menzies ở Queensland thuộc Đại học Griffith (Australia), cho biết hiện nay nhiều cơ quan y tế đang theo dõi diễn biến lây lan của biến thể Lambda. Vị chuyên gia này cho rằng các bằng chứng sơ bộ cho thấy Lambda có thể dễ tác động tới tế bào hơn và có khả năng phản kháng hệ miễn dịch của con người cao hơn một chút nhưng các loại vaccine vẫn phát huy hiệu quả với biến thể này.
Hiện cũng còn quá sớm để xác định liệu biến thể Lambda có dẫn đến nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn hay không. TS Preeti Malani (Đại học Michigan - Mỹ), chỉ ra các kết quả nghiên cứu tới nay đều cho thấy những vaccine hiện hành có hiệu quả bảo vệ trước biến thể Lambda.
Tuy thế thì sự xuất hiện và lây lan của biến thể Delta chính là cảnh báo sớm về tâm lý chủ quan, tự mãn sau khi tiêm vaccine và những nguy cơ từ việc chậm triển khai tiêm phòng. Cho nên với những biến thể mới (cụ thể là với trường hợp của Lambda), cũng không thể chủ quan. Theo TS P.Malani, khi dịch kéo dài sẽ có thêm các biến thể và dần dần sẽ có một hoặc vài biến thể 'học được cách thuần phục hệ đề kháng'. Và như thế, cuộc rượt đuổi vaccine - virus vẫn sẽ diễn ra.
Trước những lo ngại về biến thể Lambda, nhiều người đặt câu hỏi những gì đang diễn ra có phải là điều bình thường? GS Sunil Lal (Đại học Monash) cho rằng, cũng là bình thường trong lĩnh vực nghiên cứu virus học. Virus càng có cơ hội sao chép thì càng dễ biến đổi, trong đó có những đột biến lành tính và cả đột biến ác tính.
Chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát một cách đáng kể, đà lây lan của virus bị kéo chậm lại thì khi đó mới là lúc virus ngừng biến đổi. Cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó là tiêm vaccine phòng bệnh trên diện rộng để kiểm soát tình trạng lây nhiễm, ngăn chặn virus tiếp tục biến đổi, 'lỳ đòn' hơn.