Tây Nguyên: Đặc sản bơ, sầu riêng tồn kho lớn
Theo số liệu từ UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có trên 9.000 ha bơ các loại, trong đó, tổng sản lượng dự kiến 82.000 tấn. Tính đến giữa tháng 8-2021, số lượng bơ đã thu hoạch được khoảng 50%. Từ nay đến hết tháng 8, sản lượng bơ còn lại khoảng 40.000 tấn, trong đó chủ yếu là bơ Booth và bơ Hass. Tuy nhiên giá bơ hiện xuống thấp, đầu ra bị nghẽn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Năm nay, bơ truyền thống giảm chỉ còn có 2.000 đồng/kg, thậm chí không bán được. Còn đối với bơ Booth và bơ Hass sắp thu hoạch, dự kiến giá sẽ thấp xoay quanh mốc 10.000 đồng/kg. Trong khi những năm trước, có thời điểm loại bơ này từng đạt mức 100.000 đồng/kg.
Tại Đắk Nông, theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có 2.837 ha sầu riêng, sản lượng năm nay ước đạt 12.938 tấn. Phần lớn diện tích sầu riêng tập trung ở các huyện Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk R'lấp, Đắk Glong...
Hiện nay mức giá sầu riêng Thái Lan dao động từ khoảng 35.000 - 45.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg. Mức giá này so với vụ năm ngoái, thấp hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg đối với mỗi loại sầu riêng.
Tại các huyện Đắk Mil, Tuy Đức, giá sầu riêng trên các địa bàn này thấp hơn vụ năm ngoái từ 10.000 - 20.000 đồng tùy loại. Như giá sầu riêng truyền thống trung bình chỉ khoảng 10.000 đồng/kg.
Nhiều doanh nghiệp không sản xuất bánh trung thu
Chỉ còn khoảng tháng nữa là đến rằm Trung Thu nhưng nhiều thương hiệu lớn như Kido, ABC... đã bất ngờ thông báo hủy kế hoạch kinh doanh dịp Trung thu này.
Sức mua giảm, kênh phân phối gặp khó, trong khi chi phí sản xuất được đẩy lên cao khiến nhiều doanh nghiệp và xưởng bánh quyết định dừng kinh doanh bánh Trung thu trong năm nay.
Theo đó, mới đây, Tập đoàn Kido, ABC Bakery, cho biết, năm nay sẽ không sản xuất bánh trung thu do tác động của dịch Covid-19 như nhân viên phải cách ly y tế, cửa hàng bánh thì tạm thời ngừng hoạt động.
Còn một số siêu thị lại thông báo sẽ không tổ chức bán bánh trung thu như mọi năm. Trong khi đó đơn hàng từ các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được…
Nha Trang triển khai mô hình 'đưa chợ ra phố' tại 27 xã, phường
Bên cạnh việc cung ứng hàng hóa theo hình thức đặt hàng online, TP Nha Trang đã chỉ đạo triển khai mô hình 'đưa chợ ra phố' ở tất cả 27 xã, phường; tiếp tục triển khai mô hình bán hàng bằng xe lưu động.
27 xã, phường ở TP Nha Trang sẽ có 'chợ trên phố'.
Các hộ gia đình ở thôn, tổ 'vùng xanh' được phát phiếu đi chợ 3 ngày/lần theo 2 khung giờ (buổi sáng và buổi chiều); được phép trực tiếp đi chợ hoặc nhờ tổ cứu trợ mua hộ. Các thôn, tổ 'vùng đỏ, cam, vàng' tiếp tục mua hàng bằng đặt online, hoặc nhờ tổ cứu trợ mua hộ.
Thành phố khuyến khích các đơn vị cung ứng hàng hóa tổ chức mô hình đưa 'siêu thị, cửa hàng ra phố' và chỉ hoạt động khi đáp ứng các điều kiện sau: Xây dựng phương án và được UBND các xã, phường thông qua; địa điểm bán hàng chỉ bố trí 1 lối vào và 1 lối ra, tại lối vào bố trí lực lượng đo thân nhiệt, hướng dẫn người đi chợ rửa tay sát khuẩn, thực hiện đúng quy định 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m; các gian hàng được kẻ ô với khoảng cách tối thiểu 2 m, trước cửa hàng phải kẻ vạch hoặc giăng dây đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người bán và người mua...
Theo UBND TP. Nha Trang, đến chiều 22/8, trong tổng số 363 thôn, tổ dân phố tại thành phố, có 152 thôn, tổ ở mức 'bình thường mới' (vùng xanh), 56 thôn, tổ ở mức nguy cơ (vùng vàng), 35 thôn, tổ ở mức nguy cơ cao (vùng cam) và 120 thôn tổ ở mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
TP.HCM: Đi từng ngõ, gõ từng nhà trao thực phẩm
Từ 0h ngày 23/8 đến 6/9, người dân toàn TP.HCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. Theo đó sẽ có lực lượng đi chợ và đưa thực phẩm đến từng hộ dân.
Hàng nghìn túi thực phẩm đã được lực lượng quân đội đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát miễn phí cho các gia đình.
Ngày hôm qua, hàng nghìn túi thực phẩm đã được lực lượng quân đội đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát miễn phí cho nhiều gia đình ở các hẻm nhỏ, khu vực phong toả, khu trọ nghèo, hỗ trợ người dân.
Ước tính, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh đang cần gần 11 nghìn tấn thực phẩm và lượng hàng này cơ bản được đảm bảo.
Số liệu công bố mới đây của UBND TPHCM, nhu cầu hàng tiêu dùng bình quân tại thành phố được tính trên 9,4 triệu dân cần khoảng 10.964 tấn/ngày, trong đó cần khoảng 1.980 tấn gạo; 660 tấn mì, bún, phở; 755 tấn thịt gia súc và 660 tấn thịt gia cầm; 236 tấn thực phẩm chế biến; 108 tấn trứng gia cầm (2,1 triệu quả)…
Về các loại rau củ quả, nhu cầu tiêu dùng mỗi ngày tại TPHCM cần hơn 4.200 tấn. Cùng với đó, các mặt hàng như sữa, dầu ăn, đường, muối, nước chấm có nhu cầu bình quân mỗi ngày cũng lên tới từ hàng chục đến hàng trăm tấn, hoặc từ hàng chục ngàn đến hàng triệu lít.
Việc triển khai 'đi chợ hộ' người dân nên ngay trong ngày đầu TP Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách, các siêu thị trên địa bàn Thành phố là vắng người, thậm chí có siêu thị chủ động đóng cửa. Lượng hàng tồn trong ngày lên tới 70% - 80% ở hầu hết các hệ thống.
Hà Nội trưng dụng 5 điểm tập kết hàng nông sản
Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa, giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối hoặc trong trường hợp các chợ đầu mối của thành phố tạm đóng cửa, UBND TP Hà Nội nhất trí chủ trương trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết nông sản, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa
Cụ thể, 5 địa điểm gồm:
- Khu Công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên)
- Khu tái định cư ở xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn)
- Ô đất trống ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm)
- Bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông)
- Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm).