Cảnh tan hoang sau bão ở Tigaon, Camarines Sur, Philippines. (Nguồn: EPA).
Tình trạng 'thảm họa'
Siêu bão được đánh giá là mạnh nhất tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay đã gây ra tình trạng sạt lở đất trên đảo Catanduanes trước thời điểm rạng sáng với sức gió cao nhất là 225 km/giờ và sức gió giật lên tới 310 km/giờ. Gió mạnh gây tốc mái nhà, nhiều cây cối lật gốc và gây ra tình trạng lũ lụt.
Trong vòng 12 giờ tới, sức gió 'kinh hoàng cùng lượng mưa rất cao' được dự kiến sẽ diễn ra tại khu vực Bicol, bao phủ vùng cực Nam của đảo chính Luzon và Catanduanes; theo cơ quan dự báo khí tượng quốc gia. 'Đây là tình trạng đặc biệt nguy hiểm đối với những khu vực này'.
'Goni cơn siêu bão nhiệt đới mạnh nhất trong lịch sử' - ông Jeff Masters, chuyên gia khí tượng học hợp tác với tổ chức Yale Climate Connections và đồng sáng lập tổ chức Weather Underground, nói. Trước đó, cơn bão mạnh nhất chính là siêu bão Merani và Haiyan, từng gây ra tình trạng sạt lở đất ở Philippines trong năm 2016 và năm 2013.
Ricardo Jalad, người đứng đầu cơ quan phản ứng thảm họa của Chính phủ Philippines, nói rằng sẽ còn có thêm nhiều tổn thất do bão. 'Có rất nhiều người đang thực sự mắc kẹt ở những vùng dễ bị ảnh hưởng' - ông nói.
Vị quan chức nói rằng gần 1 triệu người đã được sơ tán tới những trung tâm cứu trợ khẩn cấp trước khi bão ập tới. Nhiều người dân cũng được cảnh báo trước về tình trạng sạt lở đất, lũ lụt diện rộng, mưa bão và nước dâng lên tới 5 m cùng sức gió mạnh có thể thổi bay nóc nhà.
Nhiều trường học khắp các vùng đã được sử dụng làm trung tâm cứu trợ khẩn cấp, ngoài ra còn có trung tâm sơ tán của Chính phủ và các trung tâm thể thao. 'Những người dân đang đi sơ tán đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết, bởi đại dịch Covid-19'- phát ngôn viên của cơ quan phòng vệ dân sự khu vực, Alexis Naz, nói.
Ở Quezon, Thống đốc Danilo Suarez cho hay nguồn cung điện đã bị cắt ở 10 thị trấn, trong lúc siêu bão Goni làm đổ nhiều cây cối vào trưa hôm Chủ nhật.
Diane Joco, một người dân sinh sống ở Quezon, cho hay bà và chồng, cha mẹ, con cái và người thân đã gấp rút tháo chạy khỏi ngôi nhà của họ nằm gần bờ biển ở thị trấn Calauag khi gió bắt đầu tấn công căn nhà gỗ của họ. Joco và người thân của mình đã quyết định không sơ tán mà tới nhà của một người hàng xóm, nằm gần bờ biển để trông coi nhà cửa của họ.
'Chúng tôi nên ở gần đây để có thể sửa chữa mọi hư tổn trong nhà một cách nhanh chóng, bằng không nó sẽ nhanh chóng sụp đổ và bị gió cuốn mất. Chúng tôi không còn ngôi nhà nào khác để ở nữa' – bà Joco nói.
Liên tiếp hứng bão
Sân bay chính của thủ đô Manila đã được ra lệnh đóng cửa trong vòng 24 giờ tính từ ngày Chủ nhật tới hôm đầu tuần này, và các hãng hàng không đã phải hủy hết các chuyến bay nội địa cũng như quốc tế. Lực lượng quân đội và cảnh sát, cùng cảnh sát biển, được đặt trong tình trạng báo động cao.
Các chuyên gia dự báo khí tượng cho hay, tâm bão có thể di chuyển về phía Nam của thủ đô Manila khoảng 70 km, nơi có khoảng hơn 13 triệu người dân sinh sống, trong đêm hôm Chủ nhật. Khoảng 19 đến 31 triệu người có thể chịu ảnh hưởng bởi siêu bão Goni, trong đó có cả những người ở trong vùng nguy hiểm và vùng đô thị Manila; theo cơ quan kiểm soát thảm họa.
Tổng thống Philippines Rodrigo Dutertes hiện đang theo dõi sát sao tình hình và chỉ đạo cách ứng phó siêu bão tại quê nhà là thành phố Davao, theo phát ngôn viên Phủ Tổng thống Harry Roque.
Những đợt sóng mạnh ập tới bờ biển tỉnh Sorsogon hôm 1/11. (Nguồn: AP).
Goni là một trong số những trận siêu bão nhiệt đới mạnh nhất từng đổ bộ vào Philippines kể từ sau siêu bão Haiyan, khiến hơn 6.300 người chết trong năm 2013. Goni xuất hiện ngay sau bão Malave, đổ bộ vào Philippines hồi tháng trước, khiến 22 người thiệt mạng, phần lớn là ở các tỉnh phía Nam thủ đô Manila.
Cơ quan khí tượng Philippines còn cho hay, họ cũng đang theo dõi sát sao một cơn bão khác có tên Atsani, có khả năng sẽ đổ bộ vào các tỉnh ở phía Bắc Luzon trong những ngày tới đây.
Chính quyền các cấp ở Philippines còn đang phải đối mặt với khó khăn khác, bởi vẫn phải duy trì biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch Covid -19 tại các trung tâm sơ tán. Philippines hiện ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid -19 cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Hàng cứu trợ, máy móc hạng nặng và trang thiết bị bảo hộ cá nhân đã được chuyển tới sẵn những khu vực quan trọng - ông Filipino Grace America, Thị trưởng thành phố Infanta thuộc tỉnh Quezon, nói với đài DZBB. 'Nhưng do đại dịch Covid-19, các nguồn quỹ để khắc phục thảm họa của chúng tôi hiện không đủ'- ông nói.