Thông tin mới nhất về dịch COVID-19 ở Hà Nội
Hà Nội nâng cấp độ dịch 31 xã, phường, trong đó 1 phường 'nguy cơ rất cao'
Theo đó, hiện thành phố ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch COVID-19, tức màu vàng, nguy cơ trung bình.
- 30 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2.
- 293 xã, phường ở cấp độ 2 (tăng 29 xã, phường so với công bố 6 ngày trước đó).
- 281 xã, phường ở cấp độ 1 (giảm 40 xã, phường).
- 4 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng thêm 1 phường), gồm 3 xã Phù Đổng, Yên Thường và Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), phường Cống Vị (quận Ba Đình).
- Duy nhất phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) ở cấp độ 4. Đây là ổ dịch mới nhất của Hà Nội phát sinh hàng chục F0.
Hà Nội dựa vào 2 tiêu chí gồm tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và độ bao phủ vaccine để đánh giá cấp độ dịch.
Công an điều tra vụ 3 quán karaoke hoạt động chui có nhân viên nhiễm SARS-CoV-2
Ngày 13/11, một lãnh đạo UBND huyện Ba Vì (TP Hà Nội) cho biết công an huyện đã vào cuộc điều tra vụ 3 quán karaoke hoạt động chui trên địa bàn, sau đó phát hiện có nhân viên dương tính SARS-CoV-2.
Theo vị lãnh đạo này, Công an huyện Ba Vì sẽ thực hiện rà soát, điều tra vụ việc, vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ lập tức khởi tố vụ án.
Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện Ba Vì đã phát đi thông báo tìm người đến 3 quán karaoke: Diamon, Royal và Ngọc Lan ở xã Đồng Thái từ ngày 6/11 đến ngày 9/11 để phòng, chống dịch COVID-19.
3 quán karaoke này sau đó đã lén lút hoạt động dù theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, loại hình kinh doanh dịch vụ này vẫn chưa được phép hoạt động bình thường trở lại. Bước đầu xác định chủ cơ sở đã hoạt động 'chui' trong vài ngày gần đây. Họ hoạt động theo kiểu 'du kích', đón khách hát một vài tiếng rồi nghỉ chứ không tiếp đón khách cả ngày.
Hà Nội tìm người đến cửa hàng Zara Vincom Bà Triệu và nhiều địa điểm khác
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Ba Đình, Hà Nội tối 13/11 thông báo khẩn tìm người từng đến những địa điểm sau:
- Từ ngày 1/11 đến 3/11, tại tầng một nhà D - Viện Đo lường Việt Nam, số 8 Hoàng Quốc Việt (8h - 17h30).
- Từ ngày 6/11 đến ngày 8/11 tại cửa hàng Head Honda Hồng Hạnh 1, 252 phố Huế, phường Phố Huế.
- Sáng 6/11, tại cửa hàng 19 Trúc Khê.
- 6h - 7h tối 8/11 tại quán cháo sườn sụn, 142 Đội Cấn.
- Trưa 8/11 tại quán Kệ, 271 Kim Mã.
- Ngày 9/11, tại các điểm:
+ Khoảng 13h - 14h tại Nasco Express, 65 Quán Sứ.
+ 14h30 - 17h tại quán Dream Beans Coffee, 79 Lý Nam Đế.
+ 17h - 18h tại quán Miến Lươn Hoa (khoảng 116 hoặc 118 Đội Cấn).
+ 19h - 20h tại cửa hàng Lacoste số 1 Bà Triệu.
+ 2h30 - 21h tại cửa hàng Zara tại Vincom Bà Triệu.
Ngày 10/11, 8h - 11h tại Mandarin Garden, số 5 Nguyễn Thị Thập, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Tất cả những người từng đến các địa điểm trên được yêu cầu tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội (0969.082.115/ 0949.396.115)
CDC Hà Nội cho biết, tính đến 18h ngày 13/11, đợt dịch thứ 4 đến nay, quận Ba Đình có tổng 274 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 18 ca thuộc chùm sàng lọc ho, sốt cộng đồng và 119 người thuộc các ổ dịch cũ/đã được kiểm soát. Quận phát sinh ổ dịch mới tại đường La Thành, hiện có tổng 58 ca.
Ngoài ra trên địa bàn quận có nhiều F0 liên quan nhiều ổ dịch, cụ thể:
- Ổ dịch Phú Đô, quận Nam Từ Liêm: 1 ca.
- Ổ dịch đường Bưởi, phường Cống Vị: 30 ca. Phường Cống Vị hiện được đánh giá ở cấp độ dịch 3 - màu cam, nguy cơ cao.
- Ổ dịch đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy: 6 ca.
- Ổ dịch Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh: 33 ca.
- Ổ dịch Sài Sơn, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai: 1 ca.
Ngoài ra, quận Ba Đình có 3 người mắc Covid-19 về từ các tỉnh có dịch, từ đó ghi nhận 5 ca nhiễm thứ phát do tiếp xúc gần hoặc liên quan những người này.
Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có tổng 5.924 ca dương tính, trong đó 2.229 ca ngoài cộng đồng và 3.695 người đã được cách ly. Thành phố hiện có 12 ổ dịch COVID-19, cấp độ dịch 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình).
Trường học vắng lặng nhiều tháng trời chờ học sinh đến lớp
Hiện nay TP tiếp tục hoãn việc đi học trực tiếp khi số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng
Sau nhiều lần rục rịch cho học sinh trở lại trường, TP Đà Nẵng tiếp tục tạm hoãn việc học trực tiếp từ ngày 15/11 như dự kiến.
Đây là lần thứ 3 TP hoãn việc đi học trực tiếp và chưa có thời gian dự kiến ngày đến lớp trở lại. Thời gian qua, học sinh trên địa bàn TP phải học trực tuyến để đảm bảo phòng chống dịch.
Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: 'Để đảm bảo an toàn khi học sinh đến lớp trực tiếp trường đã có biển yêu cầu những ai không có nhiệm vụ không được đi vào khuôn viên nhà trường. Bên cạnh đó hằng ngày chúng tôi vẫn duy trì việc dọn dẹp vệ sinh'.
Bảo vệ lau chùi trống chờ ngày học sinh trở lại
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến lý do chưa cho học sinh tới trường như dự kiến vì tình hình dịch trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng cho học sinh THPT chưa đủ 14 ngày; học sinh lớp 8, lớp 9 cũng chưa được tiêm.
'Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế đánh giá tình hình cụ thể, đề xuất tham mưu phương án học trực tiếp cho từng cấp học, khối học trong thời gian đến. Thời gian đi học lại phải được thông báo trước ít nhất một tuần để nhà trường, giáo viên, học sinh chuẩn bị...', bà Yến lưu ý.
Bệnh nhân COVID-19 trở nặng tại miền Bắc gia tăng
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện tại có khoảng 50 ca COVID-19 nặng, nguy kịch đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực. Trong số này, 19 bệnh nhân phải thở máy và một người phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Một tuần qua, số bệnh nhân nặng gia tăng, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hoặc phải thở máy. Bình quân, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5 - 6 ca nặng. Đa số các bệnh nhân được chuyển tới từ các tỉnh như Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định và một số ít ở Hà Nội.
'Họ đều cao tuổi, có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, hầu hết chưa được tiêm vaccine COVID-19. Đây đều là các đối tượng nhạy cảm trước COVID-19. Khi mắc bệnh, các bệnh nhân có nguy cơ diễn tiến nặng cao', bác sĩ Phúc nói.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt với những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, bệnh nền, chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine.
Thậm chí, ngay cả với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác nên không được chủ quan, lơ là. Cũng theo chuyên gia này, vaccine chỉ có hiệu quả giúp sản sinh miễn dịch ít nhất 2 tuần sau tiêm, nên người dân cần lưu ý.
Tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Bắc có xu hướng 'nóng' trở lại từ giai đoạn giữa tháng 10 đầu tháng 11, đặc biệt tại Hà Nội. Chỉ sau hơn một tháng kể từ khi nới lỏng các biện pháp để 'thích ứng an toàn với dịch COVID-19', Thủ đô đã ghi nhận hơn 1.500 ca COVID-19 với nhiều chùm ca bệnh phức tạp.
Diễn COVID-19 tăng trở lại ở TPHCM
F0 tăng trở lại, không được chủ quan!
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP HCM
Ngày 13/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM.
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết so với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 10/CT-UBND của UBND thành phố về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, TP HCM đã có tỉ lệ phủ vắc-xin cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền thành phố không được vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng. Nếu từng người dân đều chủ quan thì sẽ gây hậu quả.
Bí thư Thành ủy bày tỏ lo ngại thời gian gần đây, số F0 trên địa bàn thành phố có chiều hướng tăng trở lại và thực tế có thể còn nhiều hơn số liệu đã thống kê. Mặc dù đã phát hiện các ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm… nhưng không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng. Cũng theo Bí thư Thành ủy, tình hình F0 hiện tại của TP HCM tương tự thời kỳ đầu thành phố thực hiện Chỉ thị 10 (cuối tháng 6/2021) và khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8, cũng như xu hướng diễn biến dịch bệnh của thế giới hiện nay. Tức là nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vắc-xin tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát. Do đó, các địa phương cần lưu ý và nhìn lại để có tính toán hợp lý.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; phục hồi đời sống, sinh hoạt của cộng đồng. Trong đó, việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân được đặt lên trên hết. 'Quan điểm quốc gia là thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả. Làm như thế nào, thích ứng linh hoạt ra sao cho an toàn và hiệu quả, đó cũng là thử thách' - Bí thư Thành ủy nói.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Thành ủy quán triệt tất cả quy định, nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách từ cấp trên phải được cụ thể thành các văn bản, trong đó nêu rõ quy định, tiêu chí, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá nhân, đơn vị. Các cơ sở kinh doanh cần có bộ tiêu chí kiểm soát quy định rõ ràng chủ cửa hàng phải làm gì, khách đến cửa hàng kiểm soát ra sao, chính quyền giám sát thế nào, khi vi phạm sẽ xử lý những gì… Từ đó, mỗi người biết được nhiệm vụ của bản thân để làm đúng và chấp hành.
Đề xuất bán rượu bia tại tất cả hàng quán ở TPHCM
Dịch COVID-19 tại TPHCM có xu hướng phức tạp lại khi nới lỏng giãn cách
Cũng tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đề xuất UBND thành phố xem xét 2 phương án kinh doanh đồ uống có cồn (rượu, bia). Phương án 1 là cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố được phục vụ đồ uống có cồn trong điều kiện có kiểm soát. Điều kiện cụ thể là các cơ sở phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, trong đó khách hàng phải tiêm đủ liều vắc xin; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày, mật độ phục vụ bàn ăn cách nhau 2 m. Ưu điểm của phương án này là bảo đảm tính thực thi thống nhất trên toàn thành phố, còn nhược điểm là chưa linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Phương án 2 là căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch Covid-19 ở từng địa bàn, UBND TP HCM giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép cơ sở kinh doanh sử dụng đồ uống có cồn. Ưu điểm của phương án này là linh hoạt, khai thác hoạt động kinh doanh ăn uống phù hợp với tình hình dịch bệnh; còn nhược điểm là tính thực thi có thể không nghiêm giữa các địa phương.
Cũng theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát việc thí điểm kinh doanh đồ uống có cồn tại TP Thủ Đức và quận 7 được triển khai tốt, chưa phát sinh các vấn đề tiêu cực.
Về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho rằng với nguyên tắc 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19' thì có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với các hoạt động ăn uống kèm theo hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn.
Còn theo đại diện Sở Y tế TP HCM, trong thời điểm này, thành phố nên tiếp tục cho thí điểm mở rộng và có kiểm soát hoạt động sử dụng thức uống có cồn tại hàng quán. Tức là mở rộng, thí điểm thêm ở một số quận, huyện và có kiểm soát chặt, tuân thủ nghiêm bộ tiêu chí đánh giá an toàn và biện pháp phòng chống dịch.
Dịch ở đảo Phú Quý bất ngờ bùng phát, lan nhanh 'ngoài sức tưởng tượng'
Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ báo cáo ngày 13/11 của UBND huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, tình hình dịch COVID-19 vừa bùng phát, lây lan nhanh.
Địa phương cho rằng dịch bùng phát bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng, lây lan nhanh, diễn biến phức tạp.
Ngay khi phát hiện 3 ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 12/11, địa phương đã truy vết và phong tỏa khu vực gò Mây, thuộc thôn Triều Dương, xã Tam Thanh.
Địa phương triển khai truy vết nguyên đêm 12 đến rạng sáng 13/11 thì phát hiện thêm 38 ca nghi mắc mới. Tất cả các trường hợp nghi mắc này đều ở thôn Triều Dương.
Ban đầu, địa phương phát hiện những ca mắc đầu tiên ở khu vực gò Mây. Nhưng khi truy vết thì phát hiện một ổ dịch khác ở một cơ sở sửa chữa tàu thuyền, thuộc thôn Triều Dương.
Đến chiều 13/11, dịch đã lây lan sang các xã khác ở đảo, trong đó có cả thầy cô giáo và học sinh.
Đình chỉ công tác cán bộ công an dùng súng đe dọa nhân viên y tế
Cán bộ công an huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (áo đỏ) rút súng đe dọa cán bộ y tế (Ảnh cắt từ clip).
Chiều 13/11, một lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà cho biết, đơn vị đã có quyết định đình chỉ công tác đối với cán bộ Nguyễn Duy Ngọ - Cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy, trực thuộc đơn vị này, để xử lý vì liên quan đến việc dùng súng đe dọa 2 nhân viên y tế.
'Sự việc này rõ ràng là sai. Quan điểm chỉ đạo của Công an tỉnh và Công an huyện Lâm Hà là phải xử lý nghiêm theo quy định', vị lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà khẳng định.
Thông tin thêm về sự việc, vị lãnh đạo này cho biết, sau khi nhận được tin báo vụ việc từ Công an huyện Đức Trọng, đơn vị đã cử lãnh đạo tiếp nhận thông tin.
'Đơn vị phối hợp với Công an huyện Đức Trọng xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo Sở Y tế, đích thân lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà đã có lời xin lỗi Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng và những nhân viên y tế có liên quan. Chúng tôi hứa sẽ xử lý nghiêm sự việc để không làm ảnh hưởng tới tâm lý của cán bộ, nhân viên ngành y', lãnh đạo này nói.
Vị này cũng cho biết, sáng 12/11, Công an huyện Lâm Hà phối hợp với Công an huyện Đức Trọng yêu cầu ông Nguyễn Duy Ngọ về đơn vị làm giải trình sự việc.
Theo đó, khẩu súng mà ông Ngọ dùng (xuất hiện trong clip) là súng bắn đạn hơi cay, được trang bị để người này thực hiện nhiệm vụ trong chức trách một cán bộ công an.
'Trong lúc đi công tác, ông Ngọ này nghe tin con trai đầu lòng (4 ngày tuổi) bị bệnh nên chạy về đưa đi bệnh viện cấp cứu trong lúc vẫn mang theo khẩu súng. Khi đưa con đến cổng số một của Trung tâm y tế, phát hiện cổng đóng nên ông Ngọ và các thành viên đi cùng có tâm lý hoảng loạn, lo sợ bệnh tình của con chuyển biến nặng, dẫn đến hành vi rút súng đe dọa', lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà cung cấp thông tin.
Hiện Công an huyện Lâm Hà đã quyết định đình chỉ công tác cán bộ Nguyễn Duy Ngọ và báo cáo Công an tỉnh Lâm Đồng để xử lý theo quy định của pháp luật.