Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở Hà Nội
Hà Nội có thể đóng cửa hàng ăn uống tùy theo cấp độ dịch
Xã, phường, thị trấn ở Hà Nội có thể dừng hoạt động cửa hàng ăn uống tùy theo cấp độ dịch.
Các địa phương ở Hà Nội căn cứ cấp độ dịch có thể hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sự kiện tập trung đông người…
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm '4 tại chỗ'.
Theo đó, TP đề nghị các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai Trạm Y tế lưu động để thu dung, cách ly, quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại các cơ sở thu dung của quận, huyện, thị xã.
Thành lập 'Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà' để hỗ trợ cho các Trạm Y tế lưu động gồm các lực lượng tình nguyện của phụ nữ, Đoàn Thanh niên, sinh viên, giáo viên... (tuổi dưới 50, đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19) thực hiện nhiệm vụ.
Các công việc của Tổ hỗ trợ như: Tiếp nhận thông tin từ người nhiễm COVID-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm y tế lưu động và các nhiệm vụ khác được giao.
Sở Y tế phân công các bệnh viện trên địa bàn chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn cho các Trạm Y tế lưu động.
TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị rà soát, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc cách ly tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1) theo hướng dẫn của TP và theo Công văn của Bộ Y tế về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19.
Văn bản của Hà Nội cũng nêu rõ, các quận, huyện, thị xã đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ bao gồm việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tùy theo cấp độ dịch (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...); báo cáo Ban Chỉ đạo TP phòng, chống dịch theo quy định.
Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị huy động nguồn lực tại địa phương, phối hợp với Sở Giao thông vận tải chủ động thực hiện việc điều phối, vận chuyển người bệnh COVID-19 nhẹ và không triệu chứng (tầng 1), vận chuyển mẫu bệnh phẩm, người tiếp xúc gần (F1)... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi cần vận chuyển.
Học sinh THPT ở Hà Nội trở lại trườngSáng 6/12, một nửa số học sinh khối 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại 30 quận, huyện, thị xã thuộc vùng an toàn của TP Hà Nội đã đi học trực tiếp. Trong ảnh, học sinh Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) tới trường. (nguồn: Tổ Quốc)
Sáng 6/12, một nửa số học sinh khối 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại 30 quận, huyện, thị xã thuộc vùng an toàn của TP Hà Nội đã đi học trực tiếp. Trong ảnh, học sinh Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) tới trường. (nguồn: Tổ Quốc)
Em Nguyễn Thu Huyền (trường THPT Việt Đức) bày tỏ bản thân hào hứng vì sau 7 tháng được đi học trở lại. Dù có chút lo sợ vì dịch bệnh, song chứng kiến việc phân luồng đón học sinh, công tác khử khuẩn..., em có phần yên tâm hơn (nguồn: Lê Phú/ báo Tin tức)
Hơn 80% F0 Hà Nội không triệu chứng hoặc nhẹ
Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khoảng 80% bệnh nhân COVID-19 hiện nay tại Hà Nội không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Số liệu cập nhật đến ngày 4/12, trong đó 4.651 F0 đang điều trị ở bệnh viện; 3.902 F0 không triệu chứng hoặc nhẹ (chiếm 83,8%). Bệnh nhân mức độ trung bình là 699 người; 50 ca nặng và nguy kịch; 46 người thở oxy mask, gọng kính; hai người thở máy không xâm lấn; một người thở máy xâm lấn và một người lọc máu.
Hà Nội hiện không có bệnh nhân nào phải thở HFNC (thở oxy dòng cao) hay EMCO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) - 'vũ khí' hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho trường hợp nguy kịch do Covid-19. Trong công điện hôm 2/12, chính quyền thành phố cho biết hiện số ca nghiêm trọng điều trị tại các bệnh viện tầng 3 chỉ chiếm tỷ lệ dưới 0,8%.
Như vậy, tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng hoặc nhẹ tại Hà Nội tương đương với tỷ lệ chung cả nước được Bộ Y tế ghi nhận từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay.
Hàng loạt F0 khỏi bệnh ở TP.HCM đi khám vì 1 triệu chứng ảnh hưởng 'nghiêm trọng' đến cuộc sống
Ảnh: Sơn Phượng
Theo Vietnamnet, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hôm nay cho biết, phòng khám Tai mũi họng mỗi tháng tiếp nhận khoảng 150 F0 khỏi bệnh tới vì gặp các vấn đề về khứu giác, vị giác.
Bệnh nhân N.M.T. (20 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bày tỏ, anh làm công việc pha chế nước hoa, việc mất khứu giác ảnh hưởng không nhỏ. Các bác sĩ nhận định anh bị mất khứu giác ở mức độ nặng, được điều trị thuốc kết hợp bài tập ngửi mùi tại nhà.
Theo các bác sĩ, mất khứu giác và vị giác là những triệu chứng thường gặp ở người mắc COVID-19. Khoảng 90% bệnh nhân có thể tự hồi phục sau 4 tuần. Một số ít phải can thiệp điều trị hậu COVID-19.
Cũng theo nguồn trên, một nghiên cứu tại châu Âu năm 2020 cho thấy, khoảng 53% người nhiễm COVID-19 bị mất hoặc giảm khứu giác, vị giác. Còn báo cáo bước đầu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho thấy, thay đổi khứu giác và vị giác ở F0 hậu COVID-19 chiếm khoảng 70%.
Theo tờ Pháp luật TP.HCM, các nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 liên kết với một protein gọi là ACE2 được tìm thấy trên tế bào chủ thể. ACE2 tập trung ở các tế bào trong mũi và miệng. ACE2 được tìm thấy trên các tế bào nâng đỡ bao quanh tế bào thần kinh khứu giác ở mũi và các tế bào vị giác ở lưỡi. Sự tổn thương của các tế bào này dẫn đến phản ứng viêm và tổn thương thần kinh dẫn đến rối loạn mùi vị.
Nguồn trên dẫn thông tin từ ThS-BS Trần Thanh Tài cho hay, triệu chứng mất mùi vị do COVID-19 thường là tạm thời, khứu giác và vị giác sẽ tự cải thiện trong vòng 4 tuần, người bệnh không nên quá lo lắng.
TP HCM tiếp tục vận động phụ huynh cho học sinh lớp 1 đến trường
Hàng nghìn học sinh vẫn đang là F0 trước thời điểm đi học trở lại
Chiều 6/12, tại buổi họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết qua khảo sát có 70% phụ huynh không đồng ý cho học sinh lớp 1 đến trường.
Ông Dũng cho biết theo kế hoạch ngày 13/12, các em sẽ quay lại học trực tiếp, tuy nhiên 70% phụ huynh không đồng ý cho học sinh lớp 1 đến trường. Nguyên nhân do phụ huynh lo lắng, khi tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp.
Theo ông Dũng, để phụ huynh an tâm khi con em mình đến trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành y tế đảm bảo các kế hoạch an toàn cụ thể cho từng nhóm đối tượng học sinh.
'Các trường học, địa phương cần phải tuyên truyền hơn nữa với phụ huynh học sinh về cơ sở vật chất đảm bảo an toàn để cha mẹ các em yên tâm. Làm sao để sự lo lắng của phụ huynh biến thành động lực, hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo khi học sinh đi học trở lại' - ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng cho biết thêm Sở Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị phương án đi học, kế hoạch học tập trở lại cụ thể sau khi có kế hoạch của UBND TP HCM cho phép một số cấp lớp đến trường với từng cấp học, bậc học cụ thể.
Song song với việc học trực tiếp trong thời gian thí điểm, sở vẫn duy trì các kênh học trực tuyến qua internet, truyền hình, các clip hướng dẫn. 'Đây là kênh hỗ trợ không thể thiếu trong thời điểm vẫn còn một bộ phận học sinh chưa tới trường, đảm bảo trẻ bắt nhịp với kế hoạch chung của TP HCM. Ngoài ra, sở còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Sở Y tế, Đại học Y dược TP HCM, Đại học Sư phạm nhằm đảm bảo tâm lý cho phụ huynh và học sinh khi quay lại trường' - ông Dũng thông tin.
Về việc một số học sinh chưa quay lại trường do tâm lý, sở cũng giao cho trường, giáo viên chủ nhiệm và các bộ phận liên quan theo dõi. Đặc biệt là kích hoạt lại tổ tư vấn tâm lý tại trường học để xử lý tình huống khi học sinh hay phụ huynh có vấn đề về sang chấn tâm lý, đồng thời, nâng đỡ tâm lý cho học sinh thuộc nhóm yếu thế.
Về việc học sinh lớp 1, 9, 12 trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Y tế bồi dưỡng đội ngũ, thẩm định phương án về an toàn phòng chống dịch tại các đơn vị.
'Hôm nay, chúng tôi đã thẩm định mẫu phương án phòng chống dịch tại một trường THPT của quận 1 để làm mẫu cho các địa phương. Dựa trên kết quả sau 2 tuần thí điểm và căn cứ tình hình thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế TP HCM sẽ tính toán, trình UBND TP phương án mở rộng việc đi học trực tiếp từ ngày 3-1 sao cho linh hoạt trong phòng, chống Covid19' - ông Dũng cho biết thêm.
Ngành Giáo dục cũng sẽ linh hoạt trong việc cho học sinh đang mắc kẹt tại các địa phương, vùng dịch chưa thể đến trường sẽ học trực tuyến, đảm bảo về thường lượng học tập cho học sinh cả về học tại trường hay học trực tuyến, linh hoạt không cứng nhắc khi các học sinh phải nghỉ học đối với tình hình y tế và tình hình sức khỏe của các em.
Hải Phòng hỏa tốc 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' vì xuất hiện ổ dịch 'nóng'
Xuất hiện thêm ổ dịch mới hơn 80 ca tại chợ Sắt, TP Hải Phòng ban hành công văn hỏa tốc thực hiện cách ly (Ảnh: CTV).
UBND TP Hải Phòng chiều tối 6/12 đã ban hành công văn hỏa tốc chỉ đạo về việc thực hiện cách ly phòng chống dịch COVID-19.
UBND TP Hải Phòng yêu cầu thực hiện cách ly y tế các đối tượng F1 tại nhà/nơi lưu trú (nếu đáp ứng các điều kiện) 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu và ngày kết thúc cách ly.
Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR ít nhất 2 lần đều âm tính với SARS-CoV-2 thì kết thúc việc cách ly tại nhà/nơi lưu trú, chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo. Không tự ý ra khỏi nhà khi chưa thông báo với chính quyền địa phương, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K.
Tổ chức cách ly F2 tại nhà/nơi lưu trú trong khi chờ kết quả xét nghiệm Real time RT- PCR của F1. Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR lần 1 của F1 và của F2 (nếu có) đều âm tính với SARS-CoV-2, F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế và Tổ COVID cộng đồng.
UBND TP Hải Phòng giao quận Hồng Bàng thực hiện thành lập các Tổ COVID cộng đồng (được thành phố chi trả kinh phí hoạt động) với nhiệm vụ hàng ngày 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để thực hiện tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng chống dịch tại từng hộ gia đình; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hàng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình (nếu gia đình có nhiệt kế); cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, ốm hoặc các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Các tổ này thực hiện thẩm vấn, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; viêm đường hô hấp… để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Nắm bắt tình hình dịch bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ tại từng hộ gia đình.
Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; người nhập cảnh trái phép; người đi từ vùng dịch về...
Tổ COVID-19 cộng đồng cũng được yêu cầu trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách; thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã/phường phân công.
Ngăn chặn Omicron, bảo vệ học sinh
Học sinh chích vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Vân Sơn
UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho Sở Y tế thành phố phối hợp Bộ tư lệnh thành phố, Công an thành phố xây dựng thế trận ngăn chặn Omicron, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các nguy cơ từ người nhập cảnh. Theo đó, tất cả những người sau khi nhập cảnh bắt buộc phải cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm. Những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được thực hiện giải mã trình tự gien.
Ngày 13/12, TPHCM sẽ chính thức cho học sinh đến trường học trực tiếp trở lại. Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT TPHCM cùng các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hướng dẫn tạm thời phương án kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học.
Ngành y tế thành phố đề nghị các trường rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường tại nơi rửa tay, nhà vệ sinh có đủ xà phòng và nước sạch, thùng đựng chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, cung cấp nước uống an toàn, ly uống nước riêng... cho học sinh, tăng cường các biện pháp thông khí cho phòng học, phòng làm việc, bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế.
'Thành trì' cuối cùng bị dịch COVID-19 xâm nhập: Ghi nhận 1 ca tử vong
Nhân viên y tế test COVID-19 tại xã Trường Hà (Hà Quảng). Ảnh: báo Cao Bằng
Ngày 5/12, Cao Bằng ghi nhận 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh tính tới 17h cùng ngày lên 195 trường hợp.
Theo báo Cao Bằng, đến nay, toàn tỉnh đã có 47 trường hợp được điều trị khỏi bệnh, 147 bệnh nhân đang cách ly điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, 1 bệnh nhân tử vong.
Ca tử vong là bệnh nhân A.V.B. (SN 1938, trú tại xóm Nà Luông, xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm), được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 từ ngày 28/11/2021 và được điều trị tại nhà có sự giám sát, hỗ trợ của Tổ y tế lưu động thuộc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm.
Tỉnh đã tiêm được 545.426 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, 327.224 người được tiêm mũi 1; có218.202 người được tiêm mũi 2; có 25.314 trẻ từ đủ 12 - 15 tuổi được tiêm mũi 1, có 11.924 trẻ từ 16 - 17 tuổi được tiêm mũi 1.
Cao Bằng được coi là 'thành trì' cuối cùng bị dịch COVID-19 xâm nhập ở nước ta, sau gần 2 năm không có ca nhiễm nào. Tờ Sức khỏe&Đời sống cho hay, tròn một tháng trước, tỉnh ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại xã Yên Thổ (huyện Bảo Lâm) sau 4 đợt dịch bùng phát tại nước ta. Ca này có lịch trình phức tạp, di chuyển giữa Hà Giang và Cao Bằng.
Công an truy tìm người trốn khỏi khu cách ly ở Bắc Giang
Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) vừa phát thông báo tìm người bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung ở trụ sở UBND thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên.
Người bỏ trốn là Vàng A T. (SN 2003, ở xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, đăng ký tạm trú tại thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên). Vào trưa 5/12, nhân viên y tế khi lấy mẫu không thấy T. đâu. Qua kiểm tra xác định người này trốn khỏi nơi cách ly lúc 9h38 phút sáng cùng ngày.
Trước đó, T. đi từ vùng dịch Bắc Ninh về, được đưa vào cách ly ngày 4/12.