Dự báo vị trí và đường đi của siêu bão.
Hồi 19 giờ ngày 17/4, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc; 129,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 430km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 19 giờ ngày 18/4, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 127,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 380km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 19 giờ ngày 19/4, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 280km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 19 giờ ngày 20/4, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 125,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển phía Đông đảo Lu-dông (Philippines) khoảng 310km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (185-200km/giờ), giật trên cấp 17.
Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
CẢNH BÁO NGUY CƠ SẠT LỞ ĐẤT, LŨ QUÉT, NGẬP ÚNG
Hiện nay (18/4), hội tụ gió lên đến 5000m trên khu vực Bắc Bộ đang hoạt động yếu dần.
Dự báo: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió lên đến 5000m phân tích trên nên trong sáng nay ở Bắc Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông; vùng núi và trung du cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và mưa đá: Cấp 1.
Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hoá trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét.
Gió mạnh trên biển
Vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió đông bắc mạnh cấp 6, đêm có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 1.
Khu vực Hà Nội
Sáng và đêm có lúc có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Trời lạnh.
THEO DÕI CHẶT CHẼ DIỄN BIẾN MƯA, LŨ, SẴN SÀNG ỨNG PHÓ KHI CÓ TÌNH HUỐNG
Trước tình hình mưa lớn xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc, gây lũ quét trên địa bàn huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, làm 03 người chết, hư hại nhiều nhà dân trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ.
Công điện gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Công điện nêu rõ: Từ ngày 16/4/2021 đến nay, mưa lớn đã xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc, gây lũ quét trên địa bàn huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, làm 03 người chết (trong đó có người đến từ Lai Châu), hư hại nhiều nhà dân trong khu vực. Dự báo, trong đêm 17/4 và sáng 18/4, mưa lớn tiếp tục xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có người bị chết. Để khẩn trương khắc phục hậu quả và ứng phó với diễn biến thiên tai tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức thăm hỏi gia đình có người chết; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường; hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu không để người dân thiếu đói.
2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở kiểm tra, rà soát nơi ở an toàn của người dân, đặc biệt là khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó khi có tình huống.
3. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đưa tin diễn biến thiên tai, thiệt hại và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.
4. Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
5. Giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cung cấp tài liệu, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.