Tại buổi tiếp và làm việc vào ngày 8/3 giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh với đại diện các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kì 2024-2027, ông Nguyễn Đức Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait, cho biết quy mô thị trường Halal có giá trị khoảng 7.000 tỉ USD trong năm 2023.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Kuwait nhiệm kì 2024-2027, trong những năm gần đây, Việt Nam và cụ thể là Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn cấp cao tới thăm Trung Đông nhằm tìm hiểu và khai thác dư địa phát triển với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, những động thái đó mới chỉ dừng ở các lĩnh vực kinh tế.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng hoa, chúc mừng các tân Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kì 2024-2027.
'Người dân Hồi Giáo, cũng như những tín ngưỡng khác, đều rất hiền lành, thân thiện và yêu hòa bình. Chúng ta cần phải hiểu được điều đó để có những biện pháp hiệu quả nhằm khai thác thị trường Halal', ông Thắng cho biết.
'Các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước của Hà Nội nên tập trung tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm về văn hóa, ẩm thực, vì đây là hai lĩnh vực mà Thủ đô có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác', Đại sứ Nguyễn Đức Thắng nêu rõ.
Lấy ví dụ các sân bay, khách sạn mang tầm quốc tế đều có các khu vực dành riêng cho người theo đạo Hồi, ông Thắng cho biết quy hoạch sân bay quốc tế Nội Bài và thiết kế các khách sạn 5-6 sao tại Hà Nội cũng nên có những khu vực tương tự.
Bên cạnh đó, chính quyền và doanh nghiệp Hà Nội cần tăng cường cung ứng dịch vụ Halal cho khách hàng Hồi Giáo trong các lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, và du lịch nông nghiệp.
'Khác với châu Âu, nơi mỗi quốc gia là một thị trường riêng biệt, chúng ta có thể tiếp cận khu vực Trung Đông do các quốc gia có nền văn hóa khá tương đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hà Nội có thể mở rộng thị trường sang các nước Bắc Phi để khai thác tập khách hàng giàu có, tiềm năng,' ông Thắng nói.
Bên cạnh Kuwait, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Qatar cũng là những thị trường đầy hứa hẹn đối với doanh nghiệp Hà Nội. Qatar và UAE đang thực hiện các biện pháp nhằm tái cơ cấu nền kinh tế , giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, và mở rộng ảnh hưởng sang các lĩnh vực khác như quy hoạch, logistics, cơ sở hạ tầng, tài chính, và du lịch.
Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Đại sứ Việt Nam tại UAE, quan hệ song phương giữa hai nước đang phát triển rất mạnh. Dự kiến, Việt Nam và UAE sẽ hoàn tất kí kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện năm nay, và Chính phủ Việt Nam sẽ mời lãnh đạo cấp cao của UAE sang thăm và làm việc.
'Hiệp định sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang UAE, cũng như mời gọi các quỹ đầu tư lớn tại UAE sang tìm hiểu môi trường đầu tư trong nước', ông Diệp nhận định. 'Đối với Hà Nội, đây sẽ là cơ hội để Thủ đô tăng cường hợp tác địa phương thông qua các chuyến trao đổi đoàn cấp cao, doanh nghiệp, và xúc tiến đầu tư'.
Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp đặc biệt chú ý nền tảng tài chính của các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là Qatar với GDP năm 2023 là 220 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người là 89.000 USD.
Theo ông, Qatar đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực và thế giới. Các quỹ hoàng gia của Qatar với tổng giá trị vào khoảng 400 tỉ USD đã đầu tư 300-400 triệu USD vào Việt Nam.
Sau thành công của World Cup 2022, Qatar đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển các ngành dịch vụ như hàng không, cảng biển và du lịch, cũng như tăng cường đầu tư ra nước ngoài.
Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp đánh giá cao hoạt động của Hà Nội tại Qatar, đặc biệt là chuyến công tác của đoàn đai biểu cấp cao thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng đoàn, tới quốc gia Trung Đông vào trung tuần tháng 11/2023.
Hợp tác với châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ
Bên cạnh khu vực Trung Đông, Hà Nội vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác trong quan hệ kinh tế với châu Âu, châu Phi và các nước Nam Mỹ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Ireland thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1996, và đã phát triển từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành quốc gia có quy mô GDP khoảng 500 tỉ USD thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Hiện nay, Ireland là cứ điểm R&D của hàng trăm tập đoàn lớn trên thế giới.
Ông Hùng đề xuất Hà Nội tăng cường hợp tác với Vương quốc Anh và Ireland trong các lĩnh vực chuyên ngành như quy hoạch đô thị, xây dựng luật, chuyển đổi số và khoa học công nghệ. Ngoài ra, Hà Nội nên nghiên cứu thiết lập quan hệ thành phố hoặc quận anh em với các địa phương tại Anh và Ireland, cử các đoàn công tác sang hai quốc gia này để tìm hiểu thị trường sâu hơn.
Đối với khu vực châu Phi, Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Vũ Thanh Huyền cho biết Tanzania là quốc gia lớn nhất ở địa bàn Đông Phi, có nền chính trị ổn định và điều kiện thiên nhiên ưu đãi, và là thành viên của Hiệp hội Kinh tế Đông Phi. Ngoài ra, châu Phi là thị trường rộng lớn và chiếm ¼ dân số thế giới.
Do đó, Tanzania là cửa ngõ để doanh nghiệp Hà Nội tiếp cận với thị trường châu Phi, nơi phù hợp với trình độ và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, Đại sứ Vũ Thanh Huyền nói.
Bà Huyền đề xuất chính quyền và doanh nghiệp Hà Nội tổ chức đoàn đại biểu sang thăm và tìm hiểu Tanzania cũng như các nước tại châu Phi, cũng như kết nghĩa với các địa phương tại Tanzania nhằm tăng cường hiện diện tại địa bàn này.
Đối với Nam Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Argentina kiêm nhiệm Uruguay Ngô Minh Nguyệt nhấn mạnh hai thủ đô Hà Nội và Buenos Aires thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác vào năm 2008, và hai bên thường xuyên tổ chức trao đổi đoàn để củng cố quan hệ song phương.
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt cho biết Thủ đô của Argentina hi vọng sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch, nghệ thuật.
Bà Nguyệt cũng lưu ý rằng Thủ đô Montevideo của Uruguay đang có kế hoạch xây dựng một không gian văn hóa Việt Nam rộng 500m2 và dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây.
Đại sứ hi vọng rằng chính quyền Hà Nội sẽ hợp tác và hỗ trợ Montevideo trong thời gian tới nhằm phát triển không gian văn hóa như kế hoạch, và cung cấp các sản phẩm văn hóa để trưng bày tại nơi này.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh bối cảnh thế giới vẫn tồn tại nhiều thách thức trong vòng ba năm tới, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ trải qua thời kì phục hồi khó khăn, và các căng thẳng địa chính trị tiếp tục ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng đây là thời kì mang lại nhiều cơ hội khi Việt Nam có thể nắm bắt các xu thế mới của thế giới, tăng cường vị thế của mình, và thu hút nguồn lực và nhà đầu tư nước ngoài.
'Ngành ngoại giao xác định hoạt động ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cả nước. Do đó, các đồng chí đại sứ quyết tâm sẽ tiên phong trong hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, hỗ trợ địa phương trong nước huy động, hấp dẫn nguồn lực đầu tư nước ngoài', bà Hằng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, công tác đối ngoại đã có nhiều đóng góp tích cực vào các thành tựu của Thủ đô trong những năm qua.
Hà Nội mong muốn các Đại sứ, Tổng Lãnh sự quán, và Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng cường hỗ trợ, phối hợp thành phố trong các hoạt động đối ngoại sắp tới, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định, Hà Nội đã và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong triển khai các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cũng như phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến các đại sứ quán các nước trên địa bàn.