Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, và hội nhập quốc tế của cả nước, do đó được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đầu tư toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục... đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa - đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho Hà Nội tập trung phát triển mạnh mẽ.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.
Với bề dày nghìn năm văn hiến, Thủ đô Hà Nội còn là địa phương giàu có về di sản văn hóa; văn hóa Thủ đô ngày càng trở nên đặc sắc, phong phú cả bề rộng lẫn chiều sâu với sự hòa nhập của văn hóa Thăng Long với các vùng văn hóa: Xứ Đoài, xử Đông, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng ... tất cả các di sản, sự hòa nhập đa dạng về văn hóa là tổng hoà các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hoà, cởi mở, linh hoạt, để tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội thời kỳ mới, là nguồn lực, động lực quan trọng để văn hóa nghệ thuật Thủ đô phát triển.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, phân tích, làm rõ quá trình triển khai tổ chức thực hiện, những kết quả đạt được, đồng thời nêu lên những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế; đề xuất, kiến nghị để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra, sự xâm nhập của các luồng văn hóa phẩm độc hại, hiện tượng lai căng văn hóa, những tiêu cực trong xã hội đã ảnh hưởng đến việc duy trì, bảo vệ và phát huy các chuẩn mực đạo đức xã hội. Vấn đề bảo hộ sáng chế theo Luật sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền tác giả, các quyền khác liên quan đối với tác giả, tác phẩm đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động văn học nghệ thuật cả trên thực địa và trên không gian mạng; nguy cơ tụt hậu đối với một bộ phận văn nghệ sỹ chưa đáp ứng được kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất và tiếp cận thị trưởng, khán giả... là những khó khăn mà lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới phải đối mặt.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: Sau 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đặc biệt là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021); Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII vào cuộc sống, đã thúc đẩy nền văn học nghệ thuật Thủ đô vươn lên, thực sự có những bước chuyển mình quan trọng.
Các đại biểu Khai mạc Triển lãm Thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X).
Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật của Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo, đó chính là cùng với việc xác định một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với việc định vị thương hiệu mới cho Thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các 'Thành phố sáng tạo' của UNESCO trên lĩnh vực 'thiết kế sáng tạo' với nền tảng là văn hóa, trong đó các lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 23, đồng thời đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, triển khai sâu sắc các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Thành phố về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật; hoàn thiện cơ bản việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn học, nghệ thuật; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật và trách nhiệm công dân đối với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;
Các đại biểu tham quan Triển lãm Thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X).
Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của các Câu lạc bộ nghệ thuật văn hóa của các địa phương; xây dựng và phát triển văn nghệ quần chúng, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật truyền thống.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã tiến hành cắt băng Khai mạc Triển lãm Thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X); khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ.