Trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn VTP) mà TAND TP Hồ Chí Minh đang xét xử đối với 86 bị cáo, trong số này có 5 bị cáo bị xét xử vắng mặt vì đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Xử vắng mặt 5 bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng
5 bị cáo bị xét xử vắng mặt gồm: Đinh Văn Thành (SN 1971), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo cáo trạng, từ ngày 28/6/2012-12/6/2020, Thành được Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VTP) sắp xếp làm Chủ tịch HĐQT SCB. Năm 2020, Đinh Văn Thành xin nghỉ, ra nước ngoài và giới thiệu Bùi Anh Dũng thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT.
Trong quá trình làm việc tại SCB, Đinh Văn Thành Thành ký quyết định thành lập 3 đơn vị chỉ cho vay đối với các hồ sơ trái pháp luật của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn VTP. Khoảng thời gian từ ngày 28/6/2012 - 19/10/2017, Thành đã ký hợp thức hồ sơ 174 khoản vay cho các công ty 'ma', các cá nhân được Trương Mỹ Lan thuê đứng tên vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 42.770 tỷ đồng. Từ ngày 9/2/2018 - 6/12/2020, Thành ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 189.103.311.784.850 đồng, gây thiệt hại cho SCB hơn 99.677 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Thị Thu Sương (SN 1974, nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lạn rút tiền của SCB. Từ ngày 25/7/2012 - 30/7/2013, Sương đã ký hợp đồng 79 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 6.989.822.937.860 đồng.
Đối với bị cáo Chiêm Minh Dũng (SN 1973, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT SCB), làm việc tại SCB (cũ), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất từ tháng 1/2003. Từ năm 2012 đến ngày 4/4/2019, Dũng tiếp tục làm việc tại SCB với nhiều vị trí, chức vụ khác nhau. Trong khoảng thời gian từ 20/11/2012 - 4/4/2019, Chiêm Minh Dũng với các vai trò đã ký đồng ý cho 305 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP, với 362 khoản vay tại SCB, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 140.713 tỷ đồng.
Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.
Còn Trầm Thích Tồn (SN 1961, nguyên thành viên HĐQT SCB), làm việc tại Tập đoàn VTP từ năm 2004 với nhiều chức vụ lãnh đạo tại Công ty An Đông, Công ty CP đầu tư VTP, Công ty Đại Trường Sơn. Đến năm 2010, Trương Mỹ Lan đưa Tồn lên làm thành viên HĐQT SCB (cũ). Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng, Tồn giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT SCB, khoảng tháng 3/2014 thì nghỉ việc xuất cảnh ra nước ngoài.
Do làm việc tại Tập đoàn VTP theo chi đạo của Trương Mỹ Lan từ trước khi là thành viên HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT SCB, nên Tồn biết bản chất các khoản vay đã ký tại SCB là của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn VTP. Từ ngày 25/7/2012 - 24/5/2013, Trầm Thích Tồn đã ký cho 80 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP vay 80 khoản vay tại SCB, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 7.176 tỷ đồng.
Cuối cùng là Nguyễn Lâm Anh Vũ (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc SCB - Chi nhánh Bến Thành). Vũ làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa từ tháng 11/2010, sau đó tiếp tục làm tại SCB đến ngày 15/7/2016, trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau. Chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 13/8/2014 - 31/8/2015, Vũ ký đồng ý cho 112 khách hàng là các cá nhân thuộc Tập đoàn VTP vay 112 khoản tại SCB, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 3.762 tỷ đồng.
Vụ án có 2 bị can người nước ngoài cũng đã xuất cảnh
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn VTP và SCB còn có 2 bị can có quốc tịch nước ngoài là Lee George Lam (nguyên thành viên HĐQT SCB). Lee George Lam làm việc tại SCB từ tháng 6/2012 - 19/1/2015, với các chức vụ thành viên HĐQT rồi Phó Chủ tịch HĐQT SCB. Từ ngày 12/11/2012 - 28/11/2014, Lee George Lam với vai trò là Phó Chủ tịch thứ nhất, thành viên HĐQT SCB đã ký hợp thức cho 68 khoản vay của Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho SCB hơn 19.733 tỷ đồng.
Bị can là người nước ngoài thứ 2 là Henry Sun Ka Ziang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT SCB). Henry Sun Ka Ziang làm việc tại SCB từ tháng 4/2015 đến trước ngày khởi tố vụ án, với chức vụ thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT SCB. Tài liệu điều tra thể hiện từ ngày 1/7/2015 - 31/8/2022, Henry Sun Ka Ziang đã ký cho 356 khách hàng thuộc nhóm Trương Mỹ Lan vay 602 khoản vay tại SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 462.089 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, do Lee George Lam và Henry Sun Ka Ziang đã xuất cảnh khỏi Việt Nam, không rõ đang ở đâu. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự số 12/QĐ-CSKT-P2 'Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng' liên quan đến hành vi của 2 bị can này; và ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ điều tra can đối với Henry Sun Ka Ziang và Lee George Lam.
Đối với Đinh Văn Thành, Trầm Thích Tồn, Nguyễn Thị Thu Sương, Nguyễn Lâm Anh Vũ và Chiêm Minh Dũng đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can, hiện không xác định được các bị can trên đang ở đâu, nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã.
Không xem xét trách nhiệm hình sự một số đối tượng
Trong vụ án này, còn một số đối tượng có liên quan đã chết, nên không xem xét trách nhiệm hình sư, như: Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Tiến Thành (thành viên HĐQT SCB) đã tham gia lập hồ sơ vay vốn khống, cấp tín dụng đối với các khoản vay của khách hàng thuộc Tập đoàn VTP.
Còn Nguyễn Ngọc Dương (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula thuộc hệ sinh thái VTP), tham gia vào quá trình chỉ đạo tìm kiếm, thuê người đứng tên các khoản vay, đứng tên các pháp nhân, sở hữu cổ phần...; trực tiếp đứng tên hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp tài sản, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội, nhưng Dương cũng đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.