Chiều tối 5/2, UBND thành phố Hải Phòng bất ngờ ra Thông báo số 58/TB-UBND về việc từ 12h ngày 6/2 (tức chưa đầy 24 giờ sau) địa phương này sẽ kiểm soát tất cả các công dân ra vào thành phố. Thông báo nêu rõ, người từ địa phương nào muốn vào thành phố Hải Phòng phải có giấy xác nhận nơi cư trú (UBND cấp xã, phường, thị trấn…) nêu lý do, lịch trình vào địa bàn. Cùng với đó, người từ Hải Phòng muốn rời địa bàn dịp này phải có giấy xác nhận nơi cứ trú về lý do, lich trình đi, khi trở lại.
Sau đó, tại Quyết định 441/QB-UBND cũng ngày 5/8 lại có ghi nhiệm vụ của các chốt kiểm soát là, với hướng ra khỏi Hải Phòng: 'Ưu tiên tất cả người và phương tiện không có hộ khẩu thường trú tại TP Hải Phòng qua Chốt kiểm soát; không thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt, không phun khử trùng với các phương tiện'. Trong khi đó hướng vào Hải Phòng, lại căn cứ theo Quyết định số 290/QĐ-UBND và không có nội dung nào bỏ việc phải có giấy xác nhận nơi cư trú.
Như vậy, có thể hiểu rằng, người ở địa phương khác về Hải Phòng từ 12h trưa 6/2 phải có giấy xác nhận cư trú mới qua được các chốt kiểm soát vào địa phận Hải Phòng.
Sau khi có Thông báo số 58, hầu hết các phường đều có công dân đến xin giấy xác nhận cư trú, lịch trình để về quê ăn Tết
Ngay sau khi Thông báo này phát đi và được tuyên truyền rộng rãi đến người dân, rất nhiều ý kiến gây tranh cãi xung quanh nội dung này. Nhiều ý kiến chỉ trích gay gắt cách làm của địa phương này khi Chính phủ đã yêu cầu không được 'làm quá'
Trên một số diễn đàn, nhiều Facebooker tức giận trước biện pháp chống dịch của Hải Phòng khi đẻ ra yêu cầu xin giấy xác nhận nơi cư trú. Tài khoản Đỗ Thu Phương lên tiếng: 'Thà các ông cứ đăng biển cấm về cho đỡ lòng vòng'. Một Facebooker tên Thu Trang cho hay, bản thân mình làm ở UBND phường thuộc địa bàn Hà Nội mà không xin được giấy xác nhận để về quê chồng Hải Phòng ăn Tết'.
Nickname Dương Tiễu thì bức xúc: 'Ai dám ký giấy xác nhận này khi chính quyền không dám chắc người xin đó có mang mầm bệnh virus hay không? Lịch trình có đi gặp anh công chứng hay chị ngân hàng hay không?'.
Không chỉ người ngoại tỉnh lo lắng với giấy xác nhận, nhiều người đang sống ở nội thành Hải Phòng nay muốn về quê ở các huyện ngoại thành cũng không khỏi hoang mang, lo lắng có phải xin giấy xác nhận không. Nếu không xin thì khi về quê, các chốt trạm có cho qua khi chỉ có mỗi CMND làm giấy thông hành? Ai dám đảm bảo người có CMND quê Hải Phòng không sống và đi từ Hải Dương, Quảng Ninh hay các tỉnh khác về?
Thông báo số 58 của UBND TP Hải Phòng chiều ngày 5/2 khiến người dân lo lắng
Chị Trâm Đoàn (ở phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: 'Đêm qua đọc thông báo của thành phố mà lo lắng không ngủ được. Sáng, dậy sớm ra phường nơi mình cư trú tạm thời, mang theo cả cái thông báo 58 cho chính quyền xem đã thấy nhiều người trong cảnh như mình. Phường họ bảo không thể xác nhận được khi công dân không có sổ hộ khẩu. Giờ mà cứ như này thì về quê sao được nữa'.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, việc xuất hiện nội dung thông báo số 58 của UBND thành phố Hải Phòng đã gây khó cho nhiều người đang sống và làm việc ở ngoại tỉnh khi có kế hoạch trở về nhà dịp Tết. Để có giấy xác nhận cư trú, lý do và lịch trình đi, đến Hải Phòng không phải chính quyền cấp xã, phường, thị trấn nào dám làm bởi không đủ căn cứ, điều kiện; chưa kể đến tính pháp lý của cái giấy đó đến đâu, khả năng chịu trách nhiệm của người ký thế nào, ai dám đứng ra ký, cơ sở nào để ký.
Việc Hải Phòng ra thông báo mang tính 'cấm túc' như thế có đi ngược với chủ trương của Chính phủ?
Liên quan đến nội dung trên, nhiều luật sư nêu quan điểm: Cần phân biệt 2 khái niệm 'vùng có dịch' và 'tỉnh có dịch' (địa phương có dịch). Pháp luật chỉ quy định những người đến từ vùng có dịch, đi qua vùng dịch mới bị cách ly y tế bắt buộc. Còn những người đi qua tỉnh, địa phương có dịch nhưng không phải là vùng có dịch thì không thuộc trường hợp bắt buộc phải cách ly y tế.
Trước phản ánh của báo chí về việc 'ngăn sông cấm chợ' và cách ly y tế không phù hợp tại một số địa phương, ngày 5/2 VP Chính Phủ có CV số 91/VPCP-KGVX gửi các địa phương, tỉnh, thành yêu cầu: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng khu vực trên địa bàn, bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các hoạt động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán.
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều qua (5/2), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh lại việc 12 tỉnh, thành phố đang có ca bệnh COVID-19 nhưng không có nghĩa tất cả người dân sống ở các tỉnh, thành này đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển. Đặc biệt, các địa phương không 'ngăn sông cấm chợ', không được 'làm quá' yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân.